Tháng 8 vừa qua, Công đoàn Khu kinh tế tỉnh đã tiến hành đợt thị sát tình hình việc làm, đời sống và hoạt động công đoàn ở 48 doanh nghiệp với hơn 14.000 lao động thuộc khu công nghiệp Phú Tài và Long Mỹ. Điều đáng mừng là vào thời điểm này, tình hình việc làm ở các doanh nghiệp khác hẳn với năm 2009 và những năm trước. Các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp gỗ đã duy trì và phát triển sản xuất, nhiều doanh nghiệp hoạt động tất bật đến mức không còn khái niệm “nghỉ hè” mà rải đều sản xuất cả năm để giữ lao động. Nhờ vậy, tình hình việc làm của người lao động khá ổn định, thu nhập hàng tháng từ 1,5-1,8 triệu đồng/người.
Tuy nhiên, rất nhiều chủ doanh nghiệp lao đao khi tuyển lao động. Thiếu lao động làm cho nhiều doanh nghiệp không có khả năng mở rộng sản xuất, không dám ký đơn hàng (sợ chậm đơn hàng, mất thương hiệu của doanh nghiệp).
|
Công nhân đang làm việc tại một DN chế biến lâm sản xuất khẩu ở KCN Phú Tài. Ảnh: Hoàng Vân |
Từ thực tế sử dụng lao động ở các doanh nghiệp, tôi xin đề xuất một số giải pháp:
Một là, về quan điểm, sức lao động là hàng hóa, hàng hóa đặc biệt, người lao động có quyền làm việc ở đơn vị này hoặc đơn vị khác, nhưng cái đích vẫn là nơi có thu nhập cao. Do vậy doanh nghiệp nào trả lương cho người lao động cao sẽ thu hút lao động vào làm việc. Bên cạnh đó, những doanh nghiệp mà giải quyết tốt các điều kiện: môi trường làm việc, cơ hội cống hiến, thăng tiến và giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động sẽ thu hút được lao động.
Hai là, các cơ quan quản lý nhà nước về lao động, cũng như doanh nghiệp phải tăng cường các biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện việc lập lại trật tự, kỷ cương trong việc tuyển, quản lý lao động, chuyển lao động. Người lao động đi từ doanh nghiệp này sang doanh nghiệp khác phải khai báo và được nhận xét về quá trình, chất lượng lao động thông qua sổ đăng ký lao động.
Ba là, các ngành gỗ, đá đều có Hiệp hội của mình; cần phát huy vai trò hỗ trợ, bàn và thống nhất trong việc tuyển lao động, khắc phục tình trạng, doanh nghiệp này kéo lao động của doanh nghiệp khác, tạo sự không ổn định về lao động.
Bốn là, các doanh nghiệp chuyển đổi cơ cấu sản phẩm, duy trì sản xuất để tạo sự ổn định việc làm, tăng thu nhập; thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật lao động, làm cho người lao động gắn bó với doanh nghiệp.
Năm là, doanh nghiệp có trách nhiệm đào tạo nghề cho công nhân. Qua thực tiễn cho thấy lao động có tay nghề thường xuyên có việc làm ổn định, thu nhập khá.
Sáu là, tạo điều kiện ăn, ở, sinh hoạt, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho công nhân ở các khu công nghiệp, nơi đông công nhân, vì có “an cư mới lạc nghiệp”.
|