Sau khi thống nhất đất nước, từ ngày 31-1 đến 4-2-1977, tại thành phố Hồ Chí Minh, Đại hội Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam quyết định thống nhất 3 tổ chức Mặt trận ở hai miền lấy tên chung là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đây là Đại hội lịch sử, biểu dương thắng lợi to lớn của khối đại đoàn kết dân tộc, là cái mốc đánh dấu bước phát triển mới của Mặt trận dân tộc thống nhất trong giai đoạn mới của cách mạng. Đại hội đã thông qua chương trình chính trị và điều lệ mới nhằm đoàn kết rộng rãi các tầng lớp nhân dân, tăng cường sự nhất trí về chính trị và tinh thần trong nhân dân, phát huy nhiệt tình cách mạng và tinh thần làm chủ, động viên nhân dân hăng hái tham gia xây dựng và củng cố chính quyền ở miền Nam, xây dựng Hiến pháp chung của cả nước; tổ chức bầu cử Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, hàn gắn vết thương chiến tranh, khắc phục thiên tai, phát triển kinh tế. v.v...
Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ II (từ 12 đến 14-5-1983) đã thông qua Chương trình hành động và ra lời kêu gọi đồng bào chiến sĩ cả nước đoàn kết phấn đấu khắc phục khó khăn, vượt qua thử thách, góp sức cùng với Đảng và Nhà nước tìm ra những giải pháp có hiệu quả để đưa đất nước tiến lên. Chương trình hành động của Đại hội hướng mọi hoạt động của Mặt trận vào những vấn đề thiết thực, hướng về cơ sở, tới địa bàn dân cư và những vấn đề đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động của Mặt trận.
Đại hội lần thứ III Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (họp từ ngày 2 đến ngày 4-11-1988) là Đại hội thực hiện công cuộc đổi mới do Đại hội VI (1986) của Đảng đề ra. Phương hướng tăng cường và đổi mới công tác Mặt trận được Đại hội nêu ra là: Mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân; mở rộng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về hoạt động và về tổ chức nhằm tập hợp mọi lực lượng, mọi khả năng phấn đấu vì sự phồn vinh của đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân. Hướng hoạt động của Uỷ ban Mặt trận các cấp đi vào thực hiện một cách thiết thực các nhiệm vụ quan trọng và cấp bách của đất nước, của địa phương, của cuộc sống, tập trung vào việc vận động nhân dân tham gia xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, xây dựng chính quyền nhân dân và thực hiện các mục tiêu kinh tế -xã hội. Phát huy tinh thần chủ động sáng tạo, tự lực vươn lên; ra sức khai thác mọi tiềm năng và các điều kiện thuận lợi, khắc phục khó khăn, tự đổi mới và góp phần tích cực vào công cuộc đổi mới chung của đất nước.
Đại hội lần thứ VII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã bổ sung, phát triển và hoàn thiện đường lối đổi mới dựa trên sự lựa chọn duy nhất đúng đắn, là kiên trì mục tiêu và con đường xã hội chủ nghĩa. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội đã khẳng định "Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có vai trò rất quan trọng trong sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân xây dựng và bảo vệ Tổ quốc" và xác định: "Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là liên minh chính trị của các đoàn thể nhân dân và của cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, các tầng lớp xã hội, các dân tộc, các tôn giáo, là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân. Đảng Cộng sản Việt Nam vừa là thành viên, vừa là người lãnh đạo Mặt trận".
Sau Đại hội toàn quốc lần thứ VII của Đảng, Nhà nước đã đẩy mạnh việc thể chế hoá vai trò, vị trí trách nhiệm của Mặt trận trên một số lĩnh vực hoạt động. Hiến pháp (sửa đổi) 1992; các đạo luật như: Luật bầu cử đại biểu Quốc hội, Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân, Luật tổ chức Quốc hội, Luật tổ chức Chính phủ, Luật tổ chức toà án nhân dân v.v... không những cụ thể hoá vai trò, thẩm quyền, trách nhiệm của Mặt trận trong việc tham gia phối hợp mà còn ghi rõ các cơ quan hữu quan có trách nhiệm phối hợp với Mặt trận trong khi thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của mình.
Ngày 17-11-1993 Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng đã ra Nghị quyết 07 NQ/TW về "Đại đoàn kết dân tộc và tăng cường Mặt trận dân tộc thống nhất". Nghị quyết đã đề ra 4 chủ trương lớn đồng thời là 4 quan điểm cơ bản chỉ đạo quá trình tăng cường và mở rộng khối đại đoàn kết dân tộc và tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Quán triệt Nghị quyết 07 của Bộ Chính trị, Đại hội lần thứ IV Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (họp từ ngày 17 đến 19-8-1994) đã đề ra phương hướng tiếp tục đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động, của Mặt trận nhằm làm tốt hơn nữa chức năng đoàn kết dân tộc, tập hợp mọi lực lượng tán thành sự nghiệp đổi mới vì mục tiêu độc lập dân tộc, chủ quyền Quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ, phấn đấu sớm thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu, tiến lên dân giàu nước mạnh xã hội công bằng văn minh. Đại hội IV Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã công bố Chương trình 12 điểm về "Đại đoàn kết dân tộc xây dựng và bảo vệ đất nước". Chương trình Mặt trận chính là những định hướng về chính sách đoàn kết với mọi người Việt Nam, đối với từng giai cấp và tầng lớp xã hội nhằm đoàn kết rộng rãi mọi người Việt Nam không phân biệt quá khứ và ý thức hệ vì mục tiêu chung, xoá bỏ định kiến, mặc cảm hận thù, chân thành đoàn kết, hoà thành một khối thống nhất để chiến thắng nghèo nàn lạc hậu đưa đất nước tiến lên trên con đường công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
Thực hiện các nghị quyết Đại hội VIII, Đại hội IX của Đảng và chương trình Mặt trận Tổ quốc Việt Nam "Đại đoàn kết dân tộc xây dựng và bảo vệ đất nước", các tầng lớp nhân dân ta đã đoàn kết phấn đấu vượt qua nhiều khó khăn, thách thức tiếp tục giành được những thành tựu mới trong công cuộc đổi mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đưa đất nước bước vào một thời kỳ phát triển mới; đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
Nhằm đưa Nghị quyết 07 của bộ Chính trị vào cuộc sống và cụ thể hóa Chương trình 12 điểm "Đại đoàn kết dân tộc xây dựng và bảo vệ đất nước", Hội nghị lần thứ 2 Ủy ban TWMTTQ Việt Nam (khóa IV) đã quyết định mở cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư". Ngày 3-5-1995 Ban Thường trực TWMTTQ Việt Nam ra Thông tri 04 hướng dẫn thực hiện Cuộc vận động (nay là cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư"). Cuộc vận động ra đời thực sự hợp ý Đảng, lòng dân, được nhân dân các khu dân cư trên cả nước nhiệt tình hưởng ứng. Cuộc vận động đã thiết thực góp phần tăng cường, mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân ở khu dân cư, đổi mới công tác Mặt trận và trở thành nhiệm vụ công tác trọng tâm, thường xuyên của các cấp Mặt trận.
Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ V (họp từ ngày 26 đến 28-8-1999) là đại hội mà nhiệm kỳ hoạt động của Mặt trận ở trong thời điểm chuyển tiếp giữa hai thế kỷ, hai thiên niên kỷ, đánh dấu cột mốc quan trọng trong việc thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc và tăng cường Mặt trận dân tộc thống nhất trong thời kỳ phát triển mới của đất nước, là Đại hội phát huy tinh thần yêu nước, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường Mặt trận dân tộc thống nhất, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Tháng 10-2000 Đoàn Chủ tịch UBTWMTTQ Việt Nam phát động cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”. Từ đó đến nay Mặt trận Tổ quốc các cấp đã chủ động thực hiện tốt vai trò phối hợp và thống nhất hành động với các thành viên; với chính quyền, các doanh nghiệp, doanh nhân, các nhà hảo tâm; phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí, các phương tiện truyền thông tăng cường tuyên truyền, động viên các điển hình cá nhân và tập thể tích cực tham gia cuộc vận động "Ngày vì người nghèo", Tháng cao điểm "Vì người nghèo" và Chương trình "Nối vòng tay lớn" hàng năm để xây dựng Quỹ "Vì người nghèo". Góp sức cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, vận động các cấp, các ngành, các doanh nghiệp đầu tư hỗ trợ cho 62 huyện nghèo nhất; tiếp tục xây mới, sửa chữa và trao nhà Đại đoàn kết cho các hộ nghèo, sớm xóa xong tình trạng nhà ở dột nát cho hơn 500.000 hộ nghèo trong cả nước. Đồng thời, xây dựng các công trình phúc lợi công cộng; mở rộng các hình thức cho vay, hỗ trợ các hộ nghèo về sản xuất, khám chữa bệnh và học hành, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới, hải đảo.
Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ VI (họp từ ngày 21- 9 đến 23-9-2004) là đại hội đầu tiên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong thế kỷ mới, thiên niên kỷ mới, là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước ta, đánh dấu một thời kỳ phát triển quan trọng của dân tộc ta: thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá hiện đại hoá đất nước trong xu thế hội nhập và phát triển là Đại hội "Phát huy sức mạnh Đại đoàn kết toàn dân tộc, nâng cao vai trò Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hoá đất nước, vì mục tiêu dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.
Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ VII (họp từ ngày 28- 9 đến 30-9-2009) được tiến hành với chủ đề: "Nâng cao vai trò Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy dân chủ, góp phần tăng cường đồng thuận xã hội vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh". Đại hội, là sự kết tinh trí tuệ, nhiệt huyết và trách nhiệm của các cấp Mặt trận, các tổ chức thành viên, của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân đối với sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đại hội đã đề ra mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ và chương trình hành động nhiệm kỳ 2009 - 2014 và chính thức phát động phong trào thi đua yêu nước kỷ niệm đại lễ 1000 năm Thăng Long-Hà Nội, 80 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 80 năm ngày thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam và các ngày lễ lớn của đất nước, tiến tới Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ VIII vào năm 2010.
|