(BĐ) - Trước diễn biến phức tạp của cơn bão MeGi, sáng ngày 19.10, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn (PCLB-TKCN) tỉnh đã tổ chức cuộc họp khẩn bàn biện pháp ứng phó với siêu bão này.
Bão MeGi là cơn bão mạnh, tốc độ di chuyển nhanh và diễn biến phức tạp. Dự báo đến 13 giờ ngày 19.10, vị trí trung tâm bão ở khoảng 16,6 độ vĩ bắc; 118,1 độ kinh đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 610 km về phía đông. Sức giớ mạnh nhất gần vùng tâm bão mạnh cấp 14 (tức là từ 150-166 km/giờ). Trước tình hình trên, ngành chức năng và chính quyền các địa phương đã liên lạc với ngư dân thông báo tình hình diễn biễn của bão, hướng dẫn ngư dân tránh trú bão, đồng thời triển khai nhiều biện pháp ứng phó với bão MeGi.
Đến 16 giờ ngày 18.10, ngành chức năng của tỉnh đã liên lạc được 6.061 tàu thuyền của ngư dân Bình Định neo đậu ven bờ; 358 tàu đang hoạt động đánh bắt thuỷ sản ở khu vực phía Bắc từ Quảng Ngãi đến Hải Phòng; 1.543 tàu ở khu vực phía Nam từ Phú Yên đến Kiên Giang; 134 tàu ở khu vực quần đảo Trường Sa. Tuy nhiên, vẫn còn 103 tàu hoạt động ở khu vực phía Nam vẫn chưa liên lạc được. Các địa phương cũng đã chủ động triển khai nhiều biện pháp ứng phó với cơn bão MeGi.
Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thiện- Trưởng Ban chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh đã chỉ đạo cho các thành viên trong ban chỉ đạo xuống cơ sở phối hợp với chính quyền các địa phương triển khai khẩn cấp các biện pháp phòng chống bão. Ban chỉ huy thành lập 2 bộ phận chỉ huy PCLB-TKCN tại phía Bắc và phía Nam tỉnh. Phía Bắc tỉnh từ huyện Phù Mỹ trở ra do Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thiện và Phó Chủ tịch Hồ Quốc Dũng chỉ huy; phía Nam tỉnh từ Phù Cát trở vào do Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Hữu Lộc và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Bình chỉ huy.
Các thành viên trong Ban chỉ đạo phối hợp với ngành chức năng có liên quan, chính quyền các địa phương tiếp tục liên lạc và thông báo cho ngư dân biết diễn biến của bão để chủ động di chuyển trú. Ngành Nông nghiệp tỉnh và các huyện, thành phố kiểm tra các công trình thuỷ lợi, đê điều, điều tiết nước hợp lý và có biện pháp bảo đảm an toàn khi xảy ra bão lũ. Ngành Công an, Quân đội, Y tế, Giao thông vận tải, Hội chữa thập đỏ… theo nhiệm vụ của mình, chuẩn bị lực lượng, phương tiện, vật tư, lương thực tại chỗ sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống xảy ra. Chính quyền các địa phương chỉ đạo nhân dân gia cố, chằng chống nhà cửa, sẵn sàng sơ tán dân ở những vùng thấp trũng, vùng ven biển, ven sông và vùng hạ lưu các hồ đập bị hư hỏng đến nơi an toàn…
|