Tư tưởng xây dựng Đảng vững mạnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ đúng trong lịch sử mà còn tỏa sáng trong hiện tại và định hướng cho sự nghiệp xây dựng Đảng trong tương lai.
Trên nền tảng lý luận và khoa học của Chủ nghĩa Mác, nhất là các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng vô sản kiểu mới của Lê Nin, Hồ Chí Minh đã vận dụng sáng tạo vào công tác xây dựng Đảng ta. Người luôn khẳng định sự vững mạnh của Đảng là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng. Quan điểm đó đã được Người thể hiện rõ ngay từ tác phẩm “Đường kách mệnh”: “Đảng có vững, cách mạng mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy”.
|
Hội nghị báo cáo viên kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh do Đảng ủy thị trấn Bồng Sơn (Hoài Nhơn) tổ chức. Ảnh: H.N |
Để Đảng vững mạnh, Hồ Chí Minh quan tâm trước hết là khối đoàn kết. Đoàn kết trong nội bộ Đảng, đoàn kết Đảng với toàn thể dân tộc và Đảng phải biết đoàn kết quốc tế. Trong Đảng, nội bộ phải đoàn kết, thống nhất từ Trung ương đến cơ sở và nhất quán từ suy nghĩ đến hành động. Mục đích của đoàn kết, thống nhất là làm cho Đảng vững mạnh về chính trị, về tư tưởng và về tổ chức nhằm đủ khả năng và trí tuệ để thực hiện lý tưởng cách mạng cao cả “phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”. Người yêu cầu đoàn kết phải trung thực bằng tình cảm cách mạng trong sáng và bằng hành động cụ thể, không dừng lại ở sự tuyên truyền.
Tuy nhiên, Đảng không thể vững mạnh nếu không có sự tham gia đông đảo của lực lượng quần chúng nhân dân. Người khẳng định: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân, trong thế giới này không gì mạnh bằng sức mạnh đoàn kết của nhân dân”. Vì vậy, Người giáo dục cán bộ, đảng viên phải thực hiện đại đoàn kết toàn dân tộc. Người xem mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân là mối quan hệ “máu thịt”, mối quan hệ khẳng định sự sống còn của Đảng. Thực tiễn cách mạng của Đảng đã chứng minh: bất cứ ở đâu và lúc nào “dân chúng đồng lòng thì việc gì cũng làm được, dân chúng không ủng hộ thì việc gì làm cũng không nên”. Đoàn kết quốc tế không có nghĩa là đoàn kết chung chung, mà là đoàn kết với những ai yêu chuộng hòa bình, đoàn kết với các đảng anh em, đoàn kết với các nước phe XHCN.
Để xây dựng Đảng vững mạnh, người yêu cầu Đảng phải thường xuyên và nghiêm túc thực hiện nguyên tắc tự phê bình và phê bình. Người xem tự phê bình và phê bình vừa là “phương thuốc” làm cho Đảng trong sạch, vừa làm cho Đảng vững mạnh và đồng thời còn phản ánh quy luật tồn tại và phát triển của Đảng.
Người đặt “tự phê bình” lên trước “phê bình” có nghĩa rằng người cán bộ, đảng viên trước khi xét lỗi người khác thì mình phải xét lỗi mình. Người dạy, cách thức thực hiện tự phê bình và phê bình là phải đảm bảo dân chủ, từ trên xuống, từ trong ra ngoài và rộng rãi bằng việc lấy ý kiến góp ý từ quần chúng nhân dân. Trong phê bình phải nghiêm túc, nhưng phải “lấy lòng nhân ái, lấy lòng thành thật, mà ráo riết phê bình đồng chí mình” và phải thể hiện “tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”. Đây là cách ứng xử không chỉ thể hiện tính nhân văn sâu sắc mà còn phản ánh tính văn minh trong mối quan hệ giữa người với người của một xã hội hiện đại, nhất là đối với những người đồng chí cùng chung lý tưởng cách mạng với nhau. Người phê phán việc nể nang, hoặc lợi dụng việc phê bình để thỏa mãn động cơ cá nhân. Nó làm suy yếu tính chiến đấu của Đảng, gây rạn nứt khối đoàn kết của Đảng và làm mất lòng tin của quần chúng nhân dân đối với Đảng.
|