Trong dự thảo “Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020”, Đảng ta xác định rõ định hướng cơ bản là: Tiếp tục đẩy mạnh CNH-HĐH và phát triển nhanh, bền vững, phát huy sức mạnh toàn diện, xây dựng nước ta trở thành nước công nghiệp theo định hướng XHCN.
5 quan điểm phát triển kinh tế - xã hội mà Đảng ta đề ra trong dự thảo lần này là: Phát triển nhanh gắn liền với phát triển bền vững, là yêu cầu xuyên suốt trong chiến lược; Đổi mới đồng bộ, phù hợp về kinh tế và chính trị vì mục tiêu xây dựng nước Việt Nam XHCN dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; Thực hành dân chủ, phát huy tối đa nhân tố con người, coi con người là chủ thể, nguồn lực chủ yếu và là mục tiêu của sự phát triển; Phát triển mạnh mẽ lực lượng sản xuất với trình độ khoa học, công nghệ ngày càng cao, đồng thời hoàn thiện quan hệ sản xuất và thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN; Phải xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ ngày càng cao trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
|
Phát triển kết cấu hạ tầng, từng bước hình thành hệ thống đô thị có kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ, thân thiện với môi trường. - Trong ảnh: Một góc TP Quy Nhơn. Ảnh: Văn Lưu |
Trên cơ sở quan điểm định hướng đó, dự thảo Chiến lược đã chọn 3 khâu đột phá, đó là:
Một là, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, trọng tâm là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và cải cách hành chính.
Hai là, phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung vào việc đổi mới toàn diện nền giáo dục quốc dân.
Ba là, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ với một số công trình hiện đại, tập trung vào hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị lớn.
Để hoàn thiện thể chế kinh tế, phải tiếp tục đổi mới việc xây dựng và thực thi hệ thống pháp luật kinh tế, bảo đảm cạnh tranh bình đẳng, minh bạch giữa các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế. Đặc biệt là cơ chế, chính sách tài chính, hệ thống thuế, cơ chế quản lý giá cả… nhằm nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của nền kinh tế; tạo lập đồng bộ và vận hành thông suốt các loại thị trường: hàng hóa, dịch vụ, lao động, KHCN. Cải cách hành chính phải gắn với đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu. Các thủ tục hành chính rườm rà, lạc hậu, không còn phù hợp, gây cản trở sự phát triển phải nhanh chóng sửa đổi, điều chỉnh hoặc bãi bỏ.
Để phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, phải đặc biệt coi trọng công tác đào tạo gắn với sử dụng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý giỏi, đội ngũ chuyên gia. Chú trọng phát hiện, bồi dưỡng, phát huy nhân tài, đào tạo nhân lực cho phát triển kinh tế tri thức. Đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế. Đổi mới mạnh mẽ nội dung, chương trình, phương pháp dạy và học ở tất cả các cấp, bậc học.
Yếu tố quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế là phải tập trung nguồn nhân lực đầu tư xây dựng hệ thống giao thông thông suốt, từ đường bộ, đường sắt, một số cảng biển và cảng hàng không. Bằng mọi hình thức đầu tư, khuyến khích, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế, kể cả đầu tư nước ngoài, tham gia phát triển kết cấu hạ tầng, từng bước hình thành hệ thống đô thị có kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, thân thiện với môi trường ở một số thành phố lớn.
Tóm lại, hướng trọng tâm của Chiến lược là hướng mọi hoạt động vào phục vụ CNH-HĐH, phát triển kinh tế theo chiều sâu, góp phần tăng nhanh năng suất, chất lượng, hiệu quả và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp.
|