Là trạm y tế (TYT) vùng cao duy nhất của tỉnh có giường bệnh điều trị nội trú, cơ sở hạ tầng khang trang, bề thế với đầy đủ các phòng chức năng và máy móc thiết bị y tế, TYT xã Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Thạnh) đã đưa dịch vụ y tế đến gần với dân. Song TYT xã Vĩnh Sơn cũng đang đứng trước nhiều khó khăn, trở ngại đặc thù của địa bàn vùng cao…
|
Có bác sĩ tại Trạm, Trung tâm Y tế huyện đã trích kinh phí giường bệnh, hỗ trợ thêm máy móc, thiết bị để Trạm Y tế xã Vĩnh Sơn điều trị nội trú cho bệnh nhân. |
* Điều trị nội trú ở TYT xã
Vĩnh Sơn là xã vùng cao của huyện Vĩnh Thạnh, cách Trung tâm Y tế huyện 50 km, đi lại khó khăn. Từ năm 2000, TYT xã Vĩnh Sơn triển khai khám bảo hiểm y tế cho người dân, Trung tâm Y tế Vĩnh Thạnh đã lần lượt điều động các bác sĩ (BS) tăng cường cho Trạm trong khám chữa bệnh. Đến năm 2008, Trạm mới có y sĩ Đỗ Thế Phong tốt nghiệp BS cử tuyển.
Từ khi có BS ổn định tại Trạm, Trung tâm Y tế huyện đã mạnh dạn trích kinh phí tương ứng với 5 giường bệnh để đầu tư thuốc men, thiết bị y tế và hỗ trợ nhân lực tổ chức thu dung điều trị nội trú cho nhân dân. Với việc bổ sung nhiều loại máy móc, thiết bị y tế như: máy siêu âm, máy điện tim, máy tạo ôxy… Trạm đã thu hút lượng bệnh nhân khá lớn. Bình quân mỗi ngày, Trạm khám và điều trị nội trú khoảng 50 lượt bệnh nhân. Do chỉ có một BS duy nhất khám bệnh tại Trạm nên BS này phải vừa trực chính vừa trực thường trú để kịp giải quyết các ca bệnh.
Trước kia, Trạm chỉ điều trị được các bệnh cảm, cúm thông thường, viêm phế quản nhẹ; còn lại đều phải chuyển viện. Anh Minh, trực xe cấp cứu của Trung tâm Y tế Vĩnh Thạnh, cho biết: “Mỗi lần chuyển viện, phải điện xe cứu thương từ Trung tâm Y tế huyện chạy lên. Vào mùa mưa, đường sạt lở, phải chuyển bằng xe máy, rất khó khăn. Giờ có BS nên có thể chữa được nhiều bệnh thuộc hệ nội và sản; những ca tai nạn, bệnh cấp tính cũng được sơ cấp cứu trước khi chuyển viện, nên hạn chế được tình trạng tử vong dọc đường”.
Chị Đinh Thị Phi, ở thôn K2, xã Vĩnh Sơn, dẫn cậu con trai đến TYT xã khám bệnh, nói: Khi phát hiện cháu bị sốt cao 3 ngày liền, gia đình đưa cháu đến Trạm khám bệnh. Sau khi chẩn đoán, BS nói cháu bị sốt do viêm họng cấp, cho thuốc hạ sốt và thuốc điều trị viêm họng không mất tiền. BS còn dặn, chú ý cho cháu uống nhiều nước để mau hết bệnh.
BS Đỗ Thế Phong, Trưởng TYT xã Vĩnh Sơn, hào hứng: “Hai chuyển biến lớn nhất của Trạm là điều trị nội trú và triển khai được các kỹ thuật y tế. Bây giờ, đồng bào tin vào BS lắm. Ở đây, BS gần như phải trực 24/24 giờ để giải quyết các trường hợp bệnh nhân vào Trạm, hay những ca cấp cứu tại nhà. Bệnh nhân điều trị tại Trạm đều dựa trên phác đồ điều trị phù hợp với chẩn đoán, chấn chỉnh những thiếu sót về công tác chuyên môn”.
|
Bệnh nhân nhẹ được điều trị nội trú tại Trạm, những ca bệnh nặng cũng được sơ cấp cứu trước khi chuyển viện để đảm bảo an toàn cho bệnh nhân. |
* Nhọc nhằn nhân viên y tế vùng cao
Không chỉ làm tốt công tác điều trị, TYT xã Vĩnh Sơn còn thực hiện tốt các chương trình y tế quốc gia. Hàng tuần, Trạm giao ban và phân công cán bộ đứng chân địa bàn nắm bắt tình hình và tuyên truyền cho nhân dân cách phòng bệnh.
Tuy nhiên, hoạt động y tế ở Vĩnh Sơn hiện vẫn còn nhiều khó khăn. TYT xã có 5 người gồm: 1 BS, 1 y sĩ, 1 nữ hộ sinh, 1 điều dưỡng và 1 y tá. Vừa rồi, Trung tâm Y tế huyện tăng cường cho Trạm thêm 1 điều dưỡng. Nhiệm vụ thì nhiều trong khi quân số mỏng, địa bàn xa xôi, giao thông đi lại khó khăn. Để đến với thôn xa nhất như thôn K8 phải mất cả buổi trời, dù thôn này chỉ cách trung tâm xã 20km. Vì thế, nỗi cực nhọc nhất đối với cán bộ cơ sở, trong đó có đội ngũ cán bộ y tế xã, vẫn là chuyện đi lại.
BS Phong tâm sự: “Thu nhập của một BS miền núi tính ra cũng tương đối, xấp xỉ 5 triệu đồng/tháng. Nhưng nếu “căn ke” chi phí các khoản xe cộ về Trung tâm Y tế huyện họp hành, đi cơ sở, thực phẩm đắt đỏ ở Vĩnh Sơn... thì cũng chẳng thấm vào đâu. BS còn đỡ, chứ các nhân viên khác của Trạm cuộc sống còn vất vả lắm”.
Mặt khác, hơn 90% dân số trong xã là đồng bào Bana. Cuộc sống bà con nơi đây còn nhiều khó khăn, nhận thức về chăm sóc sức khỏe còn hạn chế. Bởi thế, khó nhất chính là việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của bà con đối với công tác y tế, vệ sinh phòng dịch. Nữ hộ sinh Lê Thùy Lan trăn trở: “Nhờ nhiều nguồn hỗ trợ nên máy móc, thiết bị y tế phục vụ cho sản khoa được trang bị khá đầy đủ. Nhưng chỉ chừng 20-30% sản phụ trong địa bàn đến Trạm để sinh, phần lớn rơi vào những người đẻ khó”.
|