BỘ ĐỘI BIÊN PHÒNG TỈNH:
Tham gia truyền thông bảo vệ đường ống dẫn khí
21:49', 24/10/ 2010 (GMT+7)

Các hệ thống đường ống dẫn khí nằm trong vùng biển có mật độ giao thông và đánh bắt hải sản dày, luôn chịu áp lực khí cao, có khả năng tạo các vụ cháy nổ lớn trên diện rộng… Do đó, việc tuyên truyền, giáo dục cho ngư dân ý thức bảo vệ công trình quốc gia này rất quan trọng…

 

Tiểu phẩm “Từ nay xin chừa” tuyên truyền công tác bảo vệ an toàn đường ống dẫn khí của đội văn nghệ Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh.

 

Hội trường Đồn Biên phòng 308 (xã Tam Quan Nam, huyện Hoài Nhơn) chiều 20.10 chật kín người. Đã có gần 300 chủ phương tiện, thuyền trưởng của 6 xã ven biển huyện Hoài Nhơn đang hoạt động đánh bắt thủy sản xa bờ tại vùng biển các tỉnh phía Nam tham gia chương trình truyền thông bảo vệ an ninh, an toàn dầu khí và bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới vùng biển của Tổ quốc do Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh phối hợp với Tổng công ty Khí Việt Nam (thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam) phối hợp tổ chức.

Đây là hoạt động có ý quan trọng trong việc nâng cao nghĩa vụ và trách nhiệm của các chủ phương tiện, thuyền trưởng; góp phần ngăn ngừa, phát hiện và đấu tranh có hiệu quả với các hoạt động phá hoại trong lĩnh vực bảo vệ an ninh, an toàn các công trình dầu khí trên các vùng biển Việt Nam; cũng như xây dựng và bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới vùng biển, đảo.

Phát biểu tại chương trình truyền thông, ông Nguyễn Thanh Nghị, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Khí Việt Nam cho biết: Mỗi ngày Tổng công ty Khí Việt Nam cung cấp trên 15 triệu m3 khí cho các nhà máy nhiệt điện trong cả nước... Hiện trên vùng biển phía Nam có các tuyến đường ống dẫn khí như: tuyến PM3-Cà Mau dài 325km, tuyến đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn dài 400km và tuyến đường ống Bạch Hổ dài 145km.

Thượng tá Nguyễn Ngọc Anh, Phó Chính ủy Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh: “Chương trình truyền thông này là dịp để bà con ngư dân hiểu rõ hơn về đường ống dẫn khí, chủ quyền các vùng biển Việt Nam và các quy định của pháp luật về bảo đảm an ninh, an toàn dầu khí và bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới biển của Tổ quốc. Qua đó, giúp cho bà con ngư dân nâng cao hiểu biết về pháp luật để chấp hành trong quá trình hoạt động lao động sản xuất, đánh bắt cá trên biển và nêu cao trách nhiệm, tích cực tham gia bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo Việt Nam”.

Ông Nghị khẳng định: “Nguồn lợi từ ngành công nghiệp khí đem lại cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa là rất lớn, nhưng với đặc thù của ngành khí là sản xuất và kinh doanh các mặt hàng dễ cháy nổ nên thảm họa của chúng cũng rất khó lường. Để phát triển sản xuất kinh doanh, các công trình khí và hệ thống đường ống dẫn khí phải được đảm bảo tuyệt đối an toàn. Chính vì vậy, Chính phủ đã ban hành Nghị định 03/2002/NĐ-CP ngày 7.1.2002 về bảo vệ an ninh, an toàn dầu khí”.

Ngoài giới thiệu tổng quan về hệ thống đường ống dẫn khí dưới biển do Tổng công ty Khí Việt Nam quản lý, tuyên truyền Nghị định 03/2002/NĐ-CP ngày 7.1.2002 của Chính phủ về bảo vệ an ninh, an toàn dầu khí; chương trình còn tuyên truyền Nghị định 161/2003/NĐ-CP của Chính phủ về Quy chế khu vực biên giới biển và tình hình biển, đảo trong thời gian qua…

Không chỉ là sự tuyên truyền khô cứng, buổi truyền thông đã diễn ra trong không khí vui nhộn với các tiết mục ca nhạc, chiếu phim tài liệu, tiểu phẩm hài… vừa mang tính giải trí, vừa mang tính giáo dục sâu sắc. Bằng những làn điệu dân ca mượt mà, tiểu phẩm “Từ nay xin chừa” đã làm cho những quy định của pháp luật trong việc bảo đảm an toàn đường ống dẫn khí đi vào lòng người một cách nhẹ nhàng. Các câu hỏi xoay quanh những quy định về phòng chống cháy nổ, về bảo vệ an toàn đường ống dẫn khí trong tiết mục đố vui có thưởng cũng thu hút sự tham gia nhiệt tình của những người tham dự. Các ngư dân cũng được phát miễn phí sơ đồ hệ thống đường ống dẫn khí dưới biển để dán lên tàu thuyền, rất tiện cho việc theo dõi khi ra khơi đánh bắt cá.

Ông Trần Minh Tiến, ở thôn Cửu Lợi Bắc, xã Tam Quan Nam, tâm sự: Tham gia chương trình truyền thông này, chúng tôi mới biết hành lang an toàn của các tuyến đường ống dẫn khí cách mỗi bên của đường ống khoảng 2 hải lý, tất cả các phương tiện tàu thuyền không được thả neo, đánh cá trong phạm vi ấy. Nhờ được tuyên truyền, những ngư dân bám biển như chúng tôi mới thấy rõ trách nhiệm của bản thân trong việc tuyên truyền về những quy định và cùng nhau bảo vệ sự an toàn cho tuyến ống dẫn khí.

  • Nguyễn Văn Trang
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Bình Định hỗ trợ Hà Tĩnh 500 triệu đồng khắc phục hậu quả lũ lụt  (24/10/2010)
Ba anh em ruột lâm nạn trong sóng dữ  (24/10/2010)
Xuất bản Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bình Định (1975 -2005)  (24/10/2010)
Nhiều chương trình chất lượng  (23/10/2010)
Cơ sở quan trọng để thực hiện chính sách an sinh xã hội  (23/10/2010)
Một tàu cá bị chìm, 2 ngư dân mất tích  (23/10/2010)
25/26 trường đảm bảo các tiêu chí   (23/10/2010)
Ông Đinh Sinh được nhận Huân chương Độc lập hạng Nhì  (23/10/2010)
Khảo sát xây dựng lực lượng hiến máu dự bị   (23/10/2010)
Bàn giao nhà đồng đội   (22/10/2010)
Thư kêu gọi ủng hộ nhân dân các tỉnh Bắc Trung bộ bị thiệt hại do mưa lũ tháng 10.2010 gây ra   (22/10/2010)
Người thợ xây ở làng phong Quy Hòa  (22/10/2010)
Thu hút lao động bằng lợi ích thiết thực   (22/10/2010)
Hơn 1.800 lít máu tình nguyện cấp cứu, điều trị bệnh nhân  (22/10/2010)
Trao Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng cho đồng chí Nguyễn Du   (22/10/2010)