|
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thiện |
Nhìn lại 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, tỉnh ta đã đạt được một số thành tựu quan trọng, đồng thời cũng phải nỗ lực hết sức nhằm giải quyết những vấn đề đặt ra trong giai đoạn cách mạng mới. Trước thềm Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Định lần thứ XVIII, Báo Bình Định đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Nguyễn Văn Thiện - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh - về những vấn đề này.
PV: Thưa đồng chí Chủ tịch, trong những thành tựu kinh tế - xã hội mà Bình Định đạt được trong nhiệm kỳ qua, đồng chí tâm đắc nhất với thành tựu nào và vì sao?
Đồng chí NGUYỄN VĂN THIỆN: Trong 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng.
Sản xuất nông nghiệp phát triển khá toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa và đạt mức tăng trưởng cao. Điều đó được thể hiện qua năng suất, sản lượng và chất lượng sản phẩm nhiều loại cây trồng tăng khá; chăn nuôi phát triển mạnh. Việc công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn cũng tiếp tục phát triển với việc cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp phát triển khá nhanh; các dịch vụ phục vụ kinh tế nông nghiệp, nông thôn được đầu tư phát triển đa dạng hơn.
Chúng ta đang chú trọng chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng giảm dần tỉ trọng các ngành nông, lâm, ngư nghiệp và tăng tỉ trọng các ngành công nghiệp - dịch vụ trong cơ cấu nền kinh tế, việc giảm tỉ trọng ngành nông nghiệp nhưng gia tăng về giá trị của nhóm sản phẩm ngành này cho thấy sự phát triển của công nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hóa nông nghiệp nông thôn.
Một thành tựu đáng chú ý khác là kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tập trung đầu tư trong thời gian qua đã phát huy hiệu quả và đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển của tỉnh. Tổng vốn đầu tư huy động trên địa bàn tăng nhanh và chiếm tỉ trọng bình quân 40,3%/GDP, tốc độ tăng bình quân hàng năm gấp 2,63 lần tổng vốn đầu tư của 5 năm trước. Chúng ta đã hoàn thành, đưa vào sử dụng một số công trình như: đường Quy Nhơn – Sông Cầu, cầu đường Quy Nhơn – Nhơn Hội, hồ Định Bình, đường Xuân Diệu, đường ĐT 639, đường Gò Găng - Cát Tiến, Trung tâm Văn hóa thông tin tỉnh... có ý nghĩa rất lớn trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Thành phố Quy Nhơn được chỉnh trang và được công nhận là đô thị loại I trực thuộc tỉnh và đang tiếp tục được quy hoạch, mở rộng không gian, đầu tư xây dựng mới các công trình hạ tầng, các trung tâm thương mại, dịch vụ; nâng cấp, mở rộng cảng biển..., phát huy vai trò trung tâm thương mại - dịch vụ của tỉnh, vùng. Các thị trấn: Bình Định, Bồng Sơn, Phú Phong đang được triển khai quy hoạch xây dựng lên đô thị loại IV. Mà không những các thị trấn này, hạ tầng đô thị nhiều thị trấn, thị tứ khác cũng được quan tâm đầu tư xây dựng, nâng cấp. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tiếp tục được đầu tư xây dựng và phát huy hiệu quả là tiền đề cho những bước phát triển của kinh tế - xã hội.
|
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thiện (đầu tiên, bên phải) đưa nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương thăm Cảng Quy Nhơn. Ảnh: Văn Lưu
|
PV: Còn trong lĩnh vực xây dựng Đảng, theo đồng chí, đâu là những kết quả đáng chú ý của Đảng bộ tỉnh ta 5 năm qua?
Đồng chí NGUYỄN VĂN THIỆN: Qua 4 năm triển khai thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” gắn với công tác xây dựng Đảng và thực hiện nhiệm vụ chính trị của ngành, các đoàn thể, địa phương, cơ quan, đơn vị; ý thức học tập, tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống, tinh thần trách nhiệm và tác phong công tác của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, chiến sĩ trong các lực lượng vũ trang và các tầng lớp nhân dân có chuyển biến tốt; hạn chế hiện tượng tiêu cực. Từ cuộc vận động này, đã xuất hiện những tấm gương điển hình, nỗ lực vượt khó, vươn lên trong học tập, công tác, lao động sản xuất, giúp đỡ đồng bào bị thiên tai, bão lũ, gặp khó khăn trong cuộc sống… Sự nêu gương học tập và làm theo tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong cán bộ lãnh đạo các cấp đã góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị trong tỉnh.
Bên cạnh đó, công tác củng cố, kiện toàn, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên đạt được kết quả tích cực. Nhiều tổ chức cơ sở đảng phát huy được vai trò hạt nhân chính trị ở cơ sở. Số tổ chức cơ sở đảng đạt trong sạch vững mạnh bình quân hàng năm 70,6%; số tổ chức cơ sở đảng yếu kém giảm bình quân 1,8%/năm; kết nạp đảng viên mới đạt tỉ lệ bình quân 5,6%/năm so với tổng số đảng viên của toàn Đảng bộ.
PV: Dẫu đạt được một số thành tựu như trên, song trước mắt chúng ta vẫn còn gặp nhiều khó khăn (cả chủ quan và khách quan). Vậy theo đồng chí, đâu là những điểm lãnh đạo Đảng bộ và chính quyền tỉnh cần tập trung chỉ đạo để tạo sự đột phá cho nhiệm kỳ tới?
Đồng chí NGUYỄN VĂN THIỆN: Đúng là trước mắt, để đưa kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển toàn diện, chúng ta vẫn còn đối mặt với một số khó khăn.
|
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thiện (giữa) giới thiệu với Phó Chủ tịch nước CHDCND Lào về Khu kinh tế Nhơn Hội. Ảnh: Văn Lưu
|
Thách thức lớn nhất mà chúng ta phải cố gắng để vượt qua là giải quyết bài toán tăng trưởng kinh tế bền vững. Để giải quyết vấn đề này, nhiệm kỳ tới, chúng ta cần phải phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, phấn đấu đưa công nghiệp phát triển nhanh hơn nữa dựa trên các lợi thế của tỉnh là: chế biến thủy sản, nông sản, lâm sản, sản xuất vật liệu xây dựng; đồng thời tiếp tục đẩy mạnh các ngành sản xuất: tân dược, giày da, may mặc, công nghiệp thực phẩm. Một điểm nhấn tạo bước đột phá quan trọng trong phát triển kinh tế của tỉnh là tập trung sức đẩy nhanh tiến độ xây dựng kết cấu hạ tầng, thu hút đầu tư vào Khu kinh tế Nhơn Hội và các khu, cụm công nghiệp của tỉnh.
Bên cạnh đó, công tác quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch, chỉnh trang đô thị, xây dựng hạ tầng đô thị cũng chưa đáp ứng yêu cầu; hạ tầng đô thị còn nhiều vấn đề bức xúc. Kinh tế - xã hội các vùng trong tỉnh phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Chất lượng giáo dục toàn diện chưa đáp ứng yêu cầu. Kết quả thực hiện chương trình giảm nghèo chưa vững chắc...
Những thách thức, tồn tại yếu kém trên có nguyên nhân khách quan, nhưng chủ yếu là do những nguyên nhân chủ quan như: Công tác dự báo còn yếu, chưa lường hết được diễn biến phức tạp của tình hình kinh tế thế giới và trong nước tác động bất lợi đến đà tăng trưởng của tỉnh. Năng lực vận dụng, cụ thể hóa, nhất là việc tổ chức thực hiện của một số cấp ủy, chính quyền, đơn vị, địa phương trên một số mặt còn hạn chế. Chưa tập trung đúng mức việc lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết một số vấn đề trọng tâm, lĩnh vực trọng điểm. Sự phối hợp giữa các sở, ngành, giữa sở, ngành với các địa phương trong một số lĩnh vực thiếu chặt chẽ, đồng bộ. Trình độ, năng lực, ý thức tổ chức kỷ luật của một số cán bộ, đảng viên, tinh thần trách nhiệm người đứng đầu một số ngành, địa phương, đơn vị, cơ sở chưa cao...
Điểm mấu chốt để giải quyết những vấn đề này là tạo bước chuyển biến rõ rệt về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; thực hiện tốt chính sách cán bộ; chăm lo xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện đội ngũ cán bộ; chú ý cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ mới.
PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!
|