Việc Bộ GD-ĐT quy định các tiêu chí để xây dựng trường trung học đạt chuẩn quốc gia (gọi tắt là TCQG) không nằm ngoài mục đích nâng cao chất lượng giảng dạy; tạo điều kiện để học sinh (HS) được hưởng lợi nhiều hơn. Để được công nhận TCQG, các trường phải nỗ lực phấn đấu không ngừng…
|
Theo quy định mới của Bộ GD-ĐT, TCQG phải có sân chơi, bãi tập rộng rãi cho HS.
- Trong ảnh: Trường THCS Lương Thế Vinh (TP Quy Nhơn), vừa mới được công nhận lại TCQG, là một trong số ít trường có sân chơi, bãi tập thể thao rộng rãi cho HS. |
* Chuẩn cao, chất lượng cao
Theo tiêu chí mới về TCQG do Bộ GD-ĐT ban hành tháng 2.2010 (Thông tư 06), trường phải đạt 5 tiêu chuẩn (21 tiêu chí cụ thể) gồm: tổ chức nhà trường; cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên; chất lượng giáo dục; cơ sở vật chất và thiết bị; công tác xã hội hóa giáo dục.
Trong đó, riêng chất lượng giáo dục, một năm trước khi được công nhận và trong thời hạn được công nhận đạt TCQG, tối thiểu trường phải đạt các chỉ tiêu: tỉ lệ HS bỏ học và lưu ban hàng năm không quá 6%, tỉ lệ HS bỏ học không quá 1%; tỉ lệ HS yếu, kém không quá 5%...
Tháng 10.2010, Đoàn liên ngành tỉnh đã tiến hành kiểm tra, công nhận 26 trường THCS ở các huyện, thành phố (trong đó 11 trường đề nghị được công nhận lại) và 1 trường THPT là Trường THPT số 1 Tuy Phước. Qua kiểm tra, có 25/26 trường THCS đảm bảo các tiêu chí TCQG.
Ông Cao Văn Bình, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT, Trưởng đoàn kiểm tra liên ngành, nhận xét: “Nhìn chung, chính quyền địa phương đều quan tâm, tích cực tạo điều kiện để các trường đạt các tiêu chí về TCQG. Qua đó, chất lượng giáo dục được nâng lên, tỉ lệ HS bỏ học giảm, tỉ lệ HS khá, giỏi tăng hơn; đội ngũ giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn khá cao, vượt 30-50% so với tiêu chí đề ra. Duy nhất có Trường THCS Cát Hanh (Phù Cát) được công nhận là TCQG cách đây 5 năm, nay không được công nhận lại vì tỉ lệ HS yếu kém, HS bỏ học đều vượt quá các tiêu chí”.
Ngay từ năm 2001, Trường THCS Bùi Thị Xuân (Quy Nhơn), đã bắt đầu xây dựng TCQG, nhưng đến năm 2010, Trường mới được công nhận giai đoạn 2001-2010. Bà Lương Thị Bảy, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Trong các tiêu chí của TCQG, khó nhất là tiêu chí tỉ lệ HS bỏ học không quá 1%. Trường đứng chân ở khu vực dân cư khó khăn, dân trí không cao, nên khó khăn lắm chúng tôi mới đạt được tỉ lệ HS bỏ học 0,9% trong năm học 2009-2010. Hai năm trước, tỉ lệ này là 3,7% và 1,8%”. Tuy nhiên, với tỉ lệ HS bỏ học 0,9% hiện nay thì Trường đang ở ngưỡng “báo động đỏ”, bởi chỉ cần thêm 1 HS nữa bỏ học thì tỉ lệ HS bỏ học của trường sẽ là 1%.
Ở nhiều trường, không chỉ giáo viên mà cả chính quyền địa phương cùng vào cuộc để hạn chế tỉ lệ HS bỏ học. Bà Thái Thị Hồng Vân, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Đống Đa (Quy Nhơn), nói: “Để hạn chế tình trạng HS bỏ học, chính quyền địa phương cũng có biện pháp can thiệp, giúp đỡ kịp thời về tinh thần cũng như vật chất. Năm ngoái, địa phương đã hỗ trợ tiền cho 7 HS có nguy cơ bỏ học mua sách vở, bút mực, góp phần giảm tỉ lệ HS bỏ học xuống còn 0,84%”.
|
Hiện nhiều TCQG vẫn còn sử dụng phòng học của HS để làm các phòng bộ môn.
- Trong ảnh: Giờ học vi tính của HS trường THCS Bùi Thị Xuân (TP Quy Nhơn). |
* Còn phải phấn đấu nhiều
Cũng theo quy định mới về tiêu chuẩn cơ sở vật chất của TCQG, trường xây dựng từ trước năm 2002, nếu ở nội thành, phải đạt ít nhất 6m2/HS; ngoại thành ít nhất 10m2; phòng bộ môn phải được xây dựng rộng rãi theo tiêu chí cụ thể, đủ ánh sáng; có phòng làm việc của Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Ban giám hiệu tổ bộ môn… Đối với các trường đã được xây dựng từ trước năm 2002, để đạt các tiêu chí này vẫn còn rất khó.
Để “đối phó”, các trường phải “trưng dụng” phòng học của HS, làm các phòng bộ môn, phòng của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng… thay vì phải xây mới theo đúng như tiêu chí quy định. “Đây là tình trạng chung của các trường. Từ năm 2001 đến nay, Bộ GD-ĐT thay đổi nhiều lần về tiêu chí TCQG nhằm nâng cao chất lượng GD-ĐT, nên các trường đã xây dựng từ trước thì khó mà đáp ứng được. Do vậy, một số trường hợp, chúng tôi phải “linh động” công nhận. Nếu để sang năm học 2011-2012 mới công nhận, bắt buộc trường phải đạt những tiêu chí trên”- ông Bình nói.
25/26 trường THCS được công nhận đủ các tiêu chí đạt TCQG đợt này gồm:
Tây Sơn: Trường Tây Vinh, Bình Tường và Bình Nghi (đều công nhận lại); Vân Canh: Trường Canh Vinh; Tuy Phước: Trường Phước Hưng, Phước Hòa, Phước An và thị trấn Tuy Phước (công nhận lại); An Nhơn: Trường Nhơn Hậu, Đập Đá, Nhơn An và thị trấn Bình Định (công nhận lại); Hoài Nhơn: Trường Hoài Sơn (công nhận lại), Hoài Thanh, Hoài Mỹ; Hoài Ân: Trường Ân Hữu, Ân Tường Đông; Phù Mỹ: Trường Mỹ Hiệp (công nhận lại), Mỹ Hòa, Bình Dương; Phù Cát: Trường Cát Tân (công nhận lại); Quy Nhơn: Trường Đống Đa, Bùi Thị Xuân, Hải Cảng và Lương Thế Vinh (công nhận lại). |
Điển hình nhất là Trường THCS Đống Đa (Quy Nhơn), vừa mới được công nhận đạt TCQG giai đoạn 2001-2010 trong khi đang thi công xây dựng, nâng thêm một tầng gồm 5 phòng học. Trường rộng 2.949m2, có 1.186 HS, dù vận dụng hết mức, bao gồm diện tích đã nâng tầng chia cho một nửa số HS đang học 1 buổi/ngày, vẫn không đủ 6m2/HS. Trong tương lai, để tiếp tục đạt TCQG thì trường chỉ có cách “chồng” thêm tầng hoặc giảm sĩ số HS đầu vào.
Ông Nguyễn Huy Hoàng, Phó Trưởng phòng GD-ĐT TP Quy Nhơn, bày tỏ: “Với các trường ở nông thôn, đất rộng, người thưa thì đạt tiêu chí 6-10m2/HS không khó. Nhưng ở thành phố, đất chật người đông, quỹ đất eo hẹp thì không hề dễ, nếu như không muốn nói là không thể. Bởi vậy, rất nhiều trường, dù đạt rất nhiều tiêu chí khác nhưng vẫn không thể là TCQG vì HS đông, khuôn viên hẹp. Nếu trường được cấp đất để xây dựng mới thì việc đạt chuẩn sẽ dễ hơn, nhưng không có quỹ đất để bố trí…”.
Đến nay 12/17 trường THCS của huyện Hoài Nhơn đã được công nhận TCQG. 5 trường THCS còn lại đều thiếu đất, thiếu sân chơi, bãi tập cho HS và nhà hiệu bộ vì địa phương không có quỹ đất mở rộng cũng như kinh phí của huyện chưa thể đầu tư thêm. “Về các tiêu chuẩn chất lượng giáo dục, chúng tôi có thể phấn đấu được, nhưng “bế tắc” về đất, kinh phí đầu tư thì chưa biết đến khi nào. Để đạt TCQG còn phải phấn đấu nhiều…” -ông Võ Đình Dũng, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Hoài Nhơn cho biết thêm.
|