Những năm gần đây, một số loài động - thực vật ngoại lai như cây mai dương, ốc bươu vàng (ÔBV), rùa tai đỏ… xâm nhập vào Việt Nam và đã xuất hiện ở một số nơi trên địa bàn tỉnh ta, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất cũng như đời sống người dân. Nếu không có biện pháp ngăn chặn, diệt trừ triệt để các loài động - thực vật có hại này, hậu quả sẽ khó lường.
|
Hàng ngày, có một đội quân khá đông đảo bắt ốc bươu vàng tại các cánh đồng ở khu Đông các huyện Phù Cát, Phù Mỹ, Tuy Phước… nhưng nạn ốc bươu vàng phá hoại đồng ruộng vẫn còn.
|
* Cây mai dương phát triển mạnh, hiểm họa khôn lường
5 năm trở lại đây, cây mai dương phát triển một cách “phi mã” trên địa bàn tỉnh ta. Dọc theo các tuyến Quốc lộ 1A, 19 và những cánh đồng ven sông Côn, Hà Thanh; những đồng ruộng, đất bãi bồi thuộc các xã khu Đông huyện Phù Cát, Tuy Phước và phía Đông cầu Bồng Sơn (huyện Hoài Nhơn)… đâu đâu cũng có cây mai dương.
Cây mai dương (tên khoa học: Mimosapigra) là một trong những loài cỏ dại nguy hiểm nhất đối với các vùng đất ngập nước vùng nhiệt đới. Nó tác động rất lớn đến hệ sinh thái khi làm thay đổi thảm thực vật; ảnh hưởng tiêu cực đến hệ động vật thủy sinh; làm mất chất dinh dưỡng trong đất… Đặc biệt, thân cây có chứa chất Mimosin - một loại acid amin gây độc cho động vật - mà khi cây chết, sẽ phân hủy thành những chất độc hủy hoại môi trường nước.
Ông Nguyễn Tấn Phát, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT), cho biết: Các huyện: Tuy Phước, Phù Cát, An Nhơn, Hoài Nhơn… là những địa phương bị ảnh hưởng nặng từ sự xâm lấn của cây mai dương. Đến nay, chưa có thuốc đặc trị để tiêu diệt tận gốc loài cây này. Biện pháp đốt cây và gốc sau khi chặt hạ không đem lại hiệu quả, bởi cách này chỉ diệt được cơ quan sinh dưỡng (thân, cành, gốc rễ) nhưng lại kích thích hạt nảy mầm, nên cây càng mọc nhiều thêm. Phương pháp hiệu quả nhất để hạn chế sự phát triển của mai dương là tiêu diệt từ lúc còn là cây con. Với cây trưởng thành, cần chặt sát gốc, đào lấy rễ, phơi khô rồi đốt để diệt hạt và các bộ phận của cây. Việc diệt trừ cần tiến hành ở vụ Hè Thu, đốt sạch trước mùa mưa để tránh hạt phát tán, phát triển.
|
Cây mai dương đang phát triển với tốc độ nhanh, ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp (ảnh chụp ven tỉnh lộ 640, huyện Tuy Phước).
|
* Ốc bươu vàng, rùa tai đỏ: nỗi lo tiềm ẩn
Những năm gần đây, nạn ÔBV phá hại lúa, ảnh hưởng đến năng suất, khiến nhiều nông dân ở tỉnh ta phải điêu đứng. Người dân cùng với chính quyền địa phương đã nhiều lần ra quân tiêu diệt, nhưng do tốc độ sinh sản của chúng quá nhanh, nên diệt hết lớp này thì lớp khác lại xuất hiện. Dọc tỉnh lộ ĐT 640 (qua xã Cát Tiến, Cát Chánh - huyện Phù Cát và xã Phước Thắng, Phước Hòa, Phước Sơn - huyện Tuy Phước), trứng ốc bám đỏ trên thân của các bụi cỏ ven đường.
Theo ông Văn Thanh Đua, Chủ tịch UBND xã Cát Chánh: “Mỗi ngày, người dân địa phương bắt hàng trăm kg ÔBV, có khi lên đến cả tấn. Nhờ sự chủ động diệt trừ của chính quyền và bà con nông dân, nên hiện nay, mức độ tàn phá lúa của ÔBV giảm hơn so với trước. Tuy lượng ốc bắt được khá nhiều, nhưng đến nay, ÔBV vẫn còn sống dày đặc trên đồng ruộng”. Có thể thấy, xét về mặt kinh tế, ÔBV sinh sôi nảy nở với số lượng lớn đem lại nguồn thu nhập cho người dân thông qua việc bắt ốc đem bán. Tuy nhiên, chính vì một số bà con có tâm lý “giữ nguồn” để sau này có ốc bán, nên không mặn mà lắm với việc diệt trứng ốc trên các ngọn cỏ, ngọn cây. Trong khi đó, trên phương diện trồng trọt, đây là một hiểm họa khó lường. Bởi trung bình mỗi năm trên cả nước, ÔBV “ngốn” hơn 200 ngàn ha lúa. Ngoài lúa, chúng còn hại tảo, rau muống, khoai sọ… và được xem như “máy nghiền” vì có thể ăn liên tục trong 24/24 giờ. Tại tỉnh ta, tuy chưa có con số thống kê cụ thể về thiệt hại, nhưng trên thực tế, việc ÔBV phá hại lúa là không nhỏ.
|
Ốc bươu vàng được bày bán tại chợ.
|
Du nhập vào Việt Nam khoảng 10 năm trở lại đây, rùa tai đỏ được nuôi với mục đích làm cảnh và chế biến thành món ăn. Nhưng theo các nhà khoa học, nó là một trong những loài động vật xâm hại môi trường nguy hiểm nhất thế giới. Rùa tai đỏ là loài ăn tạp, thức ăn của chúng thay đổi theo lứa tuổi. Khi nhỏ, chúng ăn thịt; lớn hơn, chúng ăn thực vật; đến khi trưởng thành, chúng ăn bất kể động vật hay thực vật nào như: tảo, bèo tấm, các loài thực vật thủy sinh, nòng nọc, cá nhỏ, giáp xác… Khi rùa tai đỏ thoát ra môi trường tự nhiên, với tính phàm ăn trên, nó sẽ làm suy giảm nghiêm trọng đa dạng sinh học. Mặt khác, chúng còn tàn phá nông nghiệp và gây bệnh cho con người.
Trên địa bàn tỉnh ta hiện nay, tuy số lượng rùa tai đỏ chưa lớn, nhưng tại một số chợ, một số quầy bán cá cảnh, rùa tai đỏ cũng đã được bày bán để làm cảnh hoặc ăn thịt. Nếu tình trạng này tiếp diễn trong thời gian dài, khả năng rùa tai đỏ “đào tẩu” ra môi trường là hoàn toàn có thể xảy ra. Bởi vậy, ngay từ bây giờ, các địa phương, ngành chức năng cần ngăn cấm việc mua bán, trao đổi giống rùa tai hại này; đừng để nó phát triển ra diện rộng như ÔBV, sau này sẽ rất khó khăn trong việc tiêu diệt.
Tác hại của những loài động - thực vật ngoại lai nói trên là rất lớn, bởi chúng không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống, đến sản xuất, mà còn nguy hại đến sức khỏe con người. Vì vậy, ngăn chặn, tiêu diệt tận gốc những loài động - thực vật nói trên là hết sức cần thiết. Để công việc này đạt hiệu quả, không thể chỉ “khoán trắng” cho các cơ quan chức năng, mà cần sự chung tay của mọi người.
|