(BĐ)- Do ảnh hưởng của lưới áp cao lạnh lục địa kết hợp với đới gió đông trên cao và áp thấp nhiệt đới, từ ngày 14 đến ngày 18.11, trên địa bàn tỉnh ta đã có mưa vừa, mưa to đến rất to trên diện rộng. Lượng mưa đo được tại Hoài Ân là 434 mm, An Hòa (An Lão): 444mm, Bồng Sơn (Hoài Nhơn): 425 mm, Phù Mỹ: 278 mm, Bình Tường (Tây Sơn): 155 mm, Thạnh Hòa (An Nhơn): 169 mm, Vĩnh Sơn (Vĩnh Thạnh): 332 mm, Phù Cát: 170 mm, Vân Canh: 133 mm, TP Quy Nhơn: 103 mm.
Mưa lớn đã làm mực nước các sông trong tỉnh lên nhanh, từ báo động II đến trên báo động III, nhiều hồ chứa nước qua tràn, buộc ngành chức năng phải xả điều tiết nước để bảo vệ hồ. Do lượng mưa lớn, nước từ đầu nguồn đổ về đã làm ngập nhiều địa phương trong tỉnh. Nhiều xã ven đê khu Đông 2 huyện Tuy Phước và Phù Cát bị ngập lũ từ 0,7 đến 1,5m; tuyến đường liên xã từ UBND xã An Hòa đi An Quang, An Nghĩa, An Toàn thuộc huyện An Lão cũng đã bị sạt lở đất gây ách tắc giao thông không thể đi được. Hơn 10.398 ngôi nhà dân bị ngập nước, đời sống nhân dân gặp rất nhiều khó khăn.
Theo số liệu thống kê của Ban Chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh, đến 17 giờ ngày 18.11, mưa lũ đã làm 4 người chết, 1 người mất tích, trong đó huyện Hoài Ân: 2 người chết, 1 người mất tích; An Nhơn: 1 người chết; Hoài Nhơn: 1 người chết. Mưa lũ còn làm sập đổ hoàn toàn 15 ngôi nhà dân, 37 nhà bị hư hỏng, 10.398 nhà bị ngập nước.
Về nông nghiệp, mưa lũ đã làm 432 ha lúa bị ngã đổ; 804 ha hoa màu và 2.430 cây lâu năm bị ngã đổ hư hỏng; 1.144 tấn lúa giống và 553 tấn lúa thịt bị hư; 126 ha đất bị sa bồi thủy phá; 1.820 con gia cầm bị chết. Hệ thống đê sông, đê biển tiếp tục bị mưa lũ làm hư hỏng nặng; trong đó có 80 m đê kè bị vỡ đứt, 39.467 m đê kè bị sạt lở với khối lượng sạt lở là 129.366 m3, 73.296 m kênh mương bị sạt lở bồi lấp,với khối lượng sạt lở 71.212 m3, 7 đập dâng bị hư hỏng và 128 đập tạm bị cuốn trôi. Về giao thông, mưa lũ đã làm 107.973 m đường giao thông bị hư hỏng với khối lượng 225.286 m3 ,4.825 m2 mặt đường bị hư hỏng. Ước tổng giá trị thiệt hại 142 tỉ đồng.
Hiện nay, diễn biến mưa lũ trên địa bàn tỉnh vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp. UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh đã và đang chỉ đạo các ngành, chính quyền các địa phương tiếp tục triển khai cấp bách các biện pháp ứng phó với mưa lũ.
* Trên địa bàn huyện Hoài Ân, từ đêm 16, ngày 17.11, trời mưa to liên tục, nước lũ lên rất nhanh. Rạng sáng 17.11, hầu hết các tuyến đường tỉnh lộ ĐT 629 từ Bồng Sơn đi An Lão qua các xã Ân Hảo Đông, Ân Mỹ đều đã ngập chìm trong nước không thể đi lại được. Tuyến đường ĐT 630 đoạn từ thôn Khoa Trường (xã Ân Đức) đến xã Ân Nghĩa cũng ngập chìm trong nước 0,5-1 m. Trừ 2 cây cầu Ngã Hai (xã Ân Nghĩa) và cầu vượt lũ Phong Thạnh mới xây, những cây cầu còn lại hiện đã ngập nước trên 1 m.
Đến chiều 18.11, dọc theo vùng trũng của sông An Lão và Kim Sơn, trên 1.600 hộ dân ở khu vực trũng, ven sông đã bị ngập nước; nhiều nhất là Ân Hảo Đông (350 nhà), Ân Mỹ (250 nhà), Ân Tường Tây (trên 260 nhà). Toàn huyện đã có 2 người chết, 1 người mất tích do mưa lũ; 2 nhà dân bị sâp.
Ban Chỉ huy PCLB từ huyện đến các địa phương ở Hoài Ân đang triển khai các biện pháp phòng chống như tập trung di dời dân vùng trũng đến nơi an toàn, cấp phát mì ăn liền, nước uống cho các hộ bị nước lũ cô lập; lực lượng xung kích trực chiến tại các hồ chứa nước xung yếu như hồ Thạch Khê, Mỹ Đức, Hóc Mỹ… để ứng cứu kịp thời khi có tình huống xấu; Công an, thanh niên xung kích đã chốt chặn tại các đoạn đường bị ngập không cho người qua lại. Từ sáng 17.11, tất cả các trường trên địa bàn Hoài Ân đều nghỉ học.
* Tại An Lão, theo báo cáo của Ban Chỉ huy PCLB huyện, đến chiều 18.11, đã có 287 hộ bị ngập nước, 3 nhà bị sập; 25 ha đất ruộng bị sa bồi thủy phá, 20 tấn lúa giống cấp 1 bị ướt, bị hỏng; 10 ngàn m kênh mương bị bồi lấp, 3.370 m kênh mương bị cuốn trôi.
Trong khi đó, tại Tây Sơn, nước sông Côn dâng cao đã gây ngập, cô lập các vùng dân cư như thôn Kiên Tự (xã Bình Thành): 18 hộ, thôn Dõng Hòa (xã Bình Hòa): 330 hộ. Nước dâng cao đoạn qua kè xã Tây Vinh đã làm sạt lở mái kè đê Tây Vinh với chiều dài 70 m…
|