Trong cuộc sống hiện đại, quan niệm về nhà giáo, nghề giáo, tình thầy trò cũng có nhiều thay đổi. Sau đây là những góc nhìn đa chiều về nghề giáo, nhà giáo ngày nay…
* PGS-TS Tôn Nữ Mỹ Nhật, giảng viên Trường ĐH Quy Nhơn:
Đạo lý “tôn sư trọng đạo” vẫn vẹn nguyên giá trị
Trước ngày 20.11 cả tuần, tôi đã đi lựa, mua 24 thiệp chúc mừng gởi những thầy cô giáo cũ đã từng dạy dỗ tôi. Tôi vẫn giữ thói quen ấy trong nhiều năm qua, dù rất bận rộn với gia đình, con cái, công tác chuyên môn. Song tôi nghĩ, đó là chút lòng thành gởi đến những thầy cô đã tận tình dìu dắt mình trong suốt quá trình đi học. Noi gương các thầy, tôi dạy các học trò theo nguyên tắc: mình đã nhận được gì trong đời thì phải trả lại cái đó. Đó là, dốc lòng dạy vì học sinh, không “giấu bài”, để học trò của mình “lớn” lên từng ngày, phải đặt quyền lợi của học trò lên hàng đầu.
|
Nhà giáo - nghề giáo luôn được xã hội tôn vinh và trọng vọng.
- Trong ảnh: Học sinh Trường THPT Trần Cao Vân (Quy Nhơn) tặng tấm thiệp “Ơn thầy” tự làm cho cô giáo. |
Tôi hiện cũng đang dạy học. Tôi thấy Ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11 bây giờ hình như ít nhiều đã bị “thương mại hóa”. Có những sinh viên ngày thường tỏ ra rất ít tình cảm với thầy cô giáo, cả năm chẳng bao giờ thăm nhà thầy cô. Vậy nhưng, đến ngày 20.11 thì lại đến mua hoa, quà chúc mừng, khiến tôi cảm thấy “dị ứng”. Nhưng may là số sinh viên ấy rất ít; ngược lại, có những sinh viên sống rất tình cảm, tôn trọng đạo nghĩa thầy trò. Tôi nghĩ, nền tảng đạo lý “tôn sư trọng đạo” ngàn đời của dân tộc ta vẫn vẹn nguyên giá trị và không có gì đáng phải bi quan về đạo nghĩa thầy trò, dù cho nó có thể đã ít nhiều bị mai một.
* Anh Trần Quốc Cường, một phụ huynh ở phường Thị Nại (Quy Nhơn):
Điều quan trọng nhất với nhà giáo là cái tâm
Ba mẹ tôi đứng trên bục giảng hơn 30 năm, đã chứng kiến sự trưởng thành của biết bao thế hệ học sinh. Ấn tượng đẹp nhất của tôi về nghề giáo là tình thầy trò. Ba mẹ tôi có những học sinh “đặc biệt”, có người học giỏi, chăm ngoan, có người tuy học bình thường nhưng vẫn giữ mối thâm tình thầy - trò bền chặt từ khi đi học đến lúc trưởng thành, đi làm; thậm chí còn nhờ ba mẹ tôi đi họ đám cưới, đặt tên cho con đầu lòng…
Tôi cho rằng, nghề giáo, thời nào cũng vậy, là một nghề cao quý và đáng tôn vinh. Xã hội ngày càng đổi mới và phát triển, đòi hỏi nghề giáo và người thầy cũng phải thay đổi và năng động hơn để bắt nhịp với nhu cầu xã hội. Học sinh bây giờ không chỉ học trong sách vở, mà tiếp cận kiến thức từ nhiều nguồn thông tin khác nhau và luôn muốn tìm tòi, khám phá điều mới lạ. Người giáo viên, vì vậy, phải luôn cập nhật nhiều thông tin và không ngừng trang bị kiến thức, để đáp ứng yêu cầu của học sinh.
Theo tôi, điều quan trọng nhất với nghề giáo vẫn là “cái tâm” của người gánh trọng trách “trồng người”. Cũng một mục đích, nhưng cách hành xử khác nhau sẽ cho những kết quả khác. Chẳng hạn như cháu bé 4 tuổi nhà tôi đã phản kháng rất quyết liệt, không chịu đi học vì bé có ấn tượng không tốt, hay nói đúng hơn là bé sợ cô giáo. Sang lớp khác, học với cô mới, mỗi ngày bé đều đòi đi học vì “cô hay cười, không hay mắng con và các bạn”. Từ đó, tôi nghĩ rằng, người giáo viên, đặc biệt là giáo viên mầm non, điều quan trọng đầu tiên là phải yêu trẻ, chịu khó và biết cách chăm sóc để các cháu phát triển tốt và toàn diện.
* Lâm Ánh Vy, du học sinh tại Mỹ:
Nhà giáo rất cần sự công bằng chính trực
Tôi may mắn được trải nghiệm những ngày 20.11 tại quê nhà Quy Nhơn, TP Hồ Chí Minh và sau đó là tại Mỹ. Bởi vậy, cảm nhận về “Tết” của thầy cô mỗi thời điểm đều khác nhau. Ở Mỹ - mỗi dịp đến ngày 20.11, tôi lại da diết nhớ về cái không khí chộn rộn, háo hức cùng các bạn chuẩn bị quà, hoa chúc mừng thầy cô; hay phát động và tham gia các hoạt động văn nghệ, thể thao, lúc còn học ở quê nhà. Năm đầu học ở Mỹ, tôi mua thiệp, gởi về các thầy cô cũ ở Quy Nhơn, TP Hồ Chí Minh chúc mừng. Sau này, mỗi khi về thăm nhà, tôi đều mua thiệp để dành cho ngày 20.11, để tiết kiệm chi phí mà (cười).
Tôi luôn nhớ mãi thầy Mai Liên, dạy toán năm lớp 9 hồi còn học ở Quy Nhơn. Thầy rất nghiêm nên khiến học trò có đứa sợ “xanh mặt”, song lại luôn thưởng phạt nghiêm minh, công bằng với các học trò, đấy là động lực để chúng tôi cố gắng. Tôi nghĩ, sự công bằng, chính trực của người thầy giáo sẽ gieo ấn tượng sâu sắc trong học sinh. Thầy cô ở nước mình, ngoài việc truyền đạt kiến thức, còn dạy chúng ta cách làm người, sống sao cho đúng đạo lý, điều mà các thầy cô giáo ở nước ngoài hầu như không bao giờ làm. Tuy vậy, những giáo sư ở bên đó, ngay cả những người lớn tuổi, lại rất thân thiện, hòa đồng. Quan hệ thầy - trò gần gũi, ít khoảng cách. Phong cách học tập cũng có phần khác, chủ yếu là gợi mở, hướng dẫn và thầy giáo cho phép sinh viên có quyền tranh luận, phản biện. Có lẽ, đây là sự khác biệt giữa nền văn hóa phương Tây và phương Đông - vốn rất coi trọng tôn ti trật tự, luôn giữ lễ nghĩa thầy-trò.
* Ông TRẦN LỰC, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Tư vấn đầu tư Hoàng Anh TP Hồ Chí Minh, điều hành Trung tâm Ngoại ngữ quốc tế HACIC (TP Quy Nhơn):
Linh hoạt giữa yêu cầu và điều kiện dạy học
Tôi thấy giáo viên khi giảng dạy vẫn gặp những cái khó mà đa phần là từ cơ chế, từ những quy định giáo dục có phần cứng nhắc, hơi xơ cứng. Bởi vậy, có những giáo viên học ở nước ngoài về, muốn áp dụng những điều mình học trong giảng dạy, nhưng gặp khó khăn vì quy mô lớp học ở nước ngoài chỉ từ 15-20 học sinh, trong khi ở Việt Nam là 40-50 học sinh/lớp, chưa kể đến môi trường đào tạo cũng khác… Bởi thế, giáo viên phải biết kết hợp hài hòa giữa phương pháp dạy hiện đại với điều kiện cụ thể ở nước mình sao cho linh hoạt.
|