Tâm sự của một giáo viên có nhiều năm làm công tác chủ nhiệm.
Giáo viên chủ nhiệm (GVCN), ngoài nhiệm vụ trực tiếp quản lý lớp, theo dõi việc học tập của học sinh (HS), còn tham gia giảng dạy các em. Vì thế, khi HS của mình đạt thành tích cao trong các kỳ thi, người vui nhất có lẽ là GVCN, rồi mới đến các thầy, cô bộ môn của trường. Nhưng song hành với niềm vui, GVCN cũng phải đón nhận những nỗi buồn do chính học trò đem đến và có khi cũng bắt nguồn từ phụ huynh, xã hội.
Theo nguyên tắc giáo dục thời nay thì “nhà trường gắn liền với xã hội, nhà trường kết hợp với gia đình, giáo dục gắn với thực tiễn”, nhưng thực tế 3 vấn đề trên chưa thực sự trở thành “phương thuốc hiệu quả” để người GVCN có đủ điều kiện thực thi trọng trách của mình.
|
GVCN không chỉ trực tiếp giảng dạy mà còn theo dõi, quản lý HS.
- Trong ảnh: Một GVCN (ngồi ngoài cùng) đang cùng với HS tham gia trò chơi trong Cuộc thi Đêm hội trăng rằm do Tỉnh Đoàn tổ chức năm 2010. |
Chẳng hạn như một HS có hành vi vô lễ với giáo viên, thường xuyên bỏ tiết, GVCN kiểm điểm HS trước lớp và gởi giấy mời phụ huynh đến để kết hợp cùng giáo dục các em - theo nguyên tắc nhà trường kết hợp với gia đình. Nhưng buồn thay, phụ huynh không đến vì đang bận làm ăn xa, để con ở nhà một mình tự lo, tự đi học. Đây là trường hợp khá phổ biến ở vùng nông thôn hiện nay khi cha mẹ xa quê làm ăn.
Hay như, việc cấm HS đi xe máy đến trường theo Nghị định 34 của Chính phủ. Dù được nhà trường, GVCN thường xuyên nhắc nhở HS không vi phạm, làm ảnh hưởng đến phong trào thi đua của lớp, nhưng vì phụ huynh không có nhà để kèm cặp, nhắc nhở nên HS tự ý lấy xe máy đi lại trong mọi trường hợp, kể cả đến trường. Nếu bị công an xử phạt hành chính, thì không chỉ một mình HS đó bị kỷ luật mà còn ảnh hưởng đến thành tích thi đua của lớp, của GVCN. Hoặc GVCN được trường giao nhiệm vụ thu học phí, tiền bảo hiểm y tế... của HS. Tuy nhiên, không phải gia đình HS nào cũng có thể nộp các khoản tiền ấy ngay lập tức. Vẫn có trường hợp HS nộp tiền trễ vì bố mẹ đi làm xa chưa về hoặc chưa có tiền nộp. GVCN ở những trường hợp này thường bị trường “quan tâm, nhắc nhở” nhiều hơn.
Xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu cuộc sống đòi hỏi cũng ngày một cao hơn, vì thế công tác giáo dục cũng đang đứng trước những thách thức không nhỏ mà trong đó, GVCN cũng chịu chung những áp lực từ nhiều phía như nhà trường, xã hội và phụ huynh. Thực tế có GVCN đã khóc vì gặp phải lớp có HS chậm tiến, chậm nộp các khoản tiền theo quy định. Những lý do khách quan không hẳn là từ phía GVCN; nhưng lại có thể ảnh hưởng đến quá trình phấn đấu cả năm của chính giáo viên ấy.
Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam, tôi viết ra đây những buồn vui của một giáo viên làm công tác chủ nhiệm lớp đã nhiều năm, với hy vọng phần nào, xã hội, nhà trường, phụ huynh có cái nhìn đa chiều và chia sẻ, thông cảm với những GVCN.
|