Các đợt mưa lũ vừa qua đã gây thiệt hại nặng nề cho nhiều địa phương ở tỉnh ta. Hiện nay, nước lũ đang rút dần, Đoàn công tác của Chính phủ do Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải dẫn đầu đã về làm việc với tỉnh về tình hình khắc phục hậu quả thiên tai; UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương khẩn trương triển khai cứu trợ và các mặt công tác khác nhằm sớm ổn định đời sống nhân dân, tiến hành kịp thời vụ sản xuất Đông -Xuân (ĐX)…
|
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải (bìa phải) tặng quà cho hộ gia đình ở thôn Chánh Hội, xã Cát Chánh (Phù Cát) có nhà bị sập do lũ lụt. (Ảnh: TS)
|
Khẩn trương triển khai công tác cứu trợ, sửa chữa công trình hạ tầng…
Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, trước mắt các ngành, địa phương cần tập trung tổ chức thăm hỏi và cứu trợ kịp thời các gia đình có người bị chết, bị thương, nhà cửa bị sập hoàn toàn, nhất là gia đình bị thiệt hại thuộc diện chính sách trong các đợt mưa lũ. Các tổ chức, đoàn thể... huy động nhân lực giúp dân sửa chữa, xây dựng lại nhà cửa bị hư hỏng, sớm ổn định đời sống của nhân dân vùng lũ lụt. Các ngành, địa phương khẩn trương kiểm tra, thống kê nắm chắc tình hình thiếu đói trong nhân dân do mưa lũ dài ngày gây ra, thực hiện cứu trợ kịp thời theo quy định chung của tỉnh, không để người dân nào bị đói rét trong mưa lũ và sau khi lũ rút. Huy động lực lượng quân đội, thanh niên ra quân giúp dân sửa chữa, khôi phục lại các tuyến đường giao thông nông thôn bị hư hỏng; nhanh chóng sửa chữa hệ thống đê điều, kênh mương nội đồng, công trình thủy lợi nhỏ…, để kịp thời phục vụ cho vụ sản xuất ĐX tới.
Đối với các thiệt hại lớn do mưa lũ, UBND các huyện, thành phố chủ động lập dự án đầu tư sửa chữa, khắc phục, đưa vào kế hoạch đầu tư trong thời gian đến.
Tại buổi làm việc với tỉnh, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chấp thuận hỗ trợ kinh phí cho tỉnh để mua 1.000 tấn gạo và lượng lúa giống mà tỉnh đã đề nghị. |
UBND tỉnh giao các sở, ngành triển khai các mặt công tác cụ thể để khắc phục hậu quả lũ lụt. Theo đó, Sở NN-PTNT tổ chức kiểm tra các hồ chứa, đê kè có nguy cơ sự cố để gia cố, khắc phục, đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão; kiểm tra lượng lúa giống hiện có để có kế hoạch cung cấp cho nông dân theo cơ cấu giống quy định để sản xuất vụ ĐX; tăng cường phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm sau mưa lũ và trong mùa đông.
Sở Y tế cung cấp kịp thời thuốc xử lý môi trường, xử lý nguồn nước đén các vùng lũ để nhân dân xử lý môi trường khi nước rút; đề phòng và ngăn chặn dịch bệnh phát sinh sau lũ. Sở LĐ-TB-XH phối hợp với UBND các huyện, thành phố tiếp tục kiểm tra, thống kê các hộ bị thiệt hại, hộ thiếu đói do mưa lũ; báo cáo, đề xuất UBND tỉnh phương án cứu trợ.
Sở GT-VT kiểm tra và có biện pháp tu sửa tạm các hư hỏng nhỏ của các tuyến đường giao thông do tỉnh quản lý; phối hợp với UBND các huyện, thành phố kiểm tra, hướng dẫn xử lý các công trình giao thông do địa phương quản lý bị hư hỏng nặng do mưa lũ để đảm bảo giao thông thông suốt sau lũ.
Hội Chữ Thập đỏ tỉnh phối hợp Sở LĐ-TB-XH và các ban, ngành liên quan huy động các nguồn tài trợ trong và ngoài tỉnh để cứu trợ cho nhân dân vùng lũ, đảm bảo đúng đối tượng và công bằng...
Tình hình mưa lũ trên địa bàn tỉnh còn diễn biến phức tạp, UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thành phố, các sở, ngành, các cơ quan có liên quan tiếp tục rà soát và bổ sung phương án phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn (PCLB-TKCN) theo phương châm 4 tại chỗ; tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm của các tổ chức và người dân để chủ động phòng tránh, ứng phó với bão lũ, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên ta gây ra.
|
Nhà ông Mai Hữu Tư, ở thôn Lạc Điền, xã Phước Thắng (Tuy Phước) bị mưa lũ làm sập hoàn toàn. (Ảnh: TS)
|
Rất cần sự hỗ trợ của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương
Thiệt hại do mưa lũ gây ra tại tỉnh ta là rất nặng nề, để giúp nhân dân các địa phương khắc phục hậu quả bão lũ, UBND tỉnh kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương hỗ trợ trước mắt cho tỉnh 3.000 tấn gạo; 5.000 bộ chăn mền; 2.000 bộ lọc nước để giải quyết các yêu cầu cấp bách cho nhân dân vùng ngập lũ; về y tế: hỗ trợ 2 triệu viên cloramin B; 2 tấn cloramin B bột, 200 cơ số thuốc và các dụng cụ y tế phục vụ cho công tác phòng chống lụt bão.
Tỉnh cũng kiến nghị Chính phủ hỗ trợ 2 tỉ đồng, giúp tỉnh hỗ trợ cho các hộ gia đình cho người bị chết, hộ có nhà bị sập và hư hỏng do mưa lũ; Bộ NN-PTNT hỗ trợ 24 tỉ đồng để mua 2.000 tấn lúa giống, 5 tấn hạt rau; 350 ngàn liều vacxin lở mồm long móng 3type, 500 ngàn liều vacxin dịch dịch tả, 20 tấn thuốc sát trùng Benkocid và 20 tấn chlorine để phòng chống dịch bệnh động vật sau mưa lũ.
Về khắc phục hạ tầng, tỉnh kiến nghị hỗ trợ cho tỉnh 8 tỉ đồng khắc phục cơ sở vật chất các trạm y tế, phòng học, nghĩa trang liệt sĩ; 52 tỉ đồng để khắc phục hệ thống đê sông, kênh mương, hồ chứa bị mưa lũ làm hư hỏng và 64 tỉ đồng khắc phục hệ thống giao thông bị hư hỏng và đầu tư xây cầu tràn ở các tuyến đường thường xuyên bị ngập lũ.
Tổng kinh phí tỉnh đề nghị Trung ương hỗ trợ trước mắt là 150 tỉ đồng, nhằm tạo điều kiện cho tỉnh khắc phục hậu quả mưa lũ, sớm ổn định đời sống sản xuất của nhân dân.
Về lâu dài, UBND tỉnh cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương tăng cường đầu tư kinh phí cho công tác phòng, chống thiên tai: Bổ sung quy hoạch và đầu tư dự án neo đậu tàu thuyền tránh bão Đề Gi với tổng kinh phí 250 tỉ đồng. Đầu tư nâng cấp hệ thống đê sông, đê biển; công tác di dãn dân ở các vùng có nguy cơ sạt lở do triều cường, sóng biển, vùng ven sông, suối, vùng ngập lụt sâu để đảm bảo an toàn cho nhân dân.
Theo báo cáo của UBND tỉnh, các đợt mưa lũ từ ngày 30.10 đến ngày 19.11 trên địa bàn tỉnh đã làm 10 người chết, 1 người mất tích và 6 người bị thương; 151 ngôi nhà bị sập đổ hoàn toàn, 281 ngôi nhà bị hư hỏng.
Về nông nghiệp, mưa lũ đã làm 4.014 ha lúa bị ngã đổ; 3.411 ha hoa màu bị hư hỏng; 3971 tấn lúa giống và 553 tấn lúa thịt bị hư hại; 298 ha đất bị sa bồi thủy phá; 10.124 con gia súc, gia cầm bị chết. Hệ thống đê sông, đê biển, công trình giao thông tiếp tục bị mưa lũ làm hư hỏng nặng. Ước tổng giá trị thiệt hại do mưa lũ gây ra trên toàn tỉnh là 691 tỉ đồng. |
|