PHONG TRÀO SÁNG KIẾN, KINH NGHIỆM TRONG NGÀNH GD - ĐT:
Mục tiêu là nâng cao chất lượng giảng dạy
22:42', 22/11/ 2010 (GMT+7)

Những năm qua, phong trào sáng kiến kinh nghiệm (SKKN) được ngành GD-ĐT phát động trong cán bộ, giáo viên (GV) đã góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy ở nhiều trường học.

 

GV Trương Ngọc Đắc- Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn đang thuyết trình SKKN của mình tại Hội nghị SKKN do Sở GD-ĐT tổ chức ngày 18.11.
 

* Nâng cao chất lượng

Trong số 9 SKKN tiêu biểu của ngành GD-ĐT tỉnh ta được đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cấp bằng Lao động sáng tạo năm 2010, thì Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Quy Nhơn) có 4 SKKN. Ông Đỗ Em, Hiệu phó nhà trường, cũng là một trong những giáo viên có SKKN được chọn lần này, cho biết: “Viết SKKN là một trong những hoạt động thường xuyên mà nhà trường yêu cầu GV thực hiện. Qua đó, GV có ý thức tham khảo, tìm hiểu các phương pháp giáo dục, nghiên cứu giảng dạy học sinh (HS) đạt hiệu quả cao hơn”.

SKKN “Hoàn thiện kiến thức khi luyện tập hóa học bậc THCS” của GV Đặng Thị Oanh, Trường THCS Mỹ Tài (huyện Phù Mỹ), nhằm khuyến khích GV sử dụng các hình thức khác nhau để tổ chức thực hiện bài luyện tập; đồng thời, giáo dục HS ý thức tự học, tự rèn luyện và chủ động tìm kiếm kiến thức và vận dụng sáng tạo khi giải bài tập… Cô Oanh nói: “Một bài giảng thành công là khi GV chuyển tải hết lượng kiến thức trong bài; HS vận dụng ngay để giải các dạng bài tập. Muốn vậy, GV phải thiết kế bài giảng sao cho phù hợp với nội dung chuẩn bị ở nhà và thực hiện tại lớp, khắc sâu kiến thức cho HS, rèn luyện phương pháp giải nhiều dạng bài tập, mở rộng, nâng cao kết hợp với thí nghiệm…”. Qua 1 năm áp dụng SKKN này, tỉ lệ HS đạt loại khá, giỏi môn Hóa do lớp cô Oanh phụ trách đều tăng. Số lượng giải và chất lượng giải trong các cuộc thi HS giỏi cấp huyện, tỉnh lớp 9 môn Hóa học của trường do cô Oanh giảng dạy năm sau đều cao hơn năm trước.

Theo thống kê của ngành GD-ĐT, 5 năm qua (2005-2010), có 215 cán bộ, GV có SKKN đạt giải. Trong đó, có 15 cán bộ, GV được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng bằng Lao động sáng tạo. Các SKKN đã góp phần phát huy trí tuệ trong ngành, nâng cao chất lượng chuyên môn; đồng thời giải quyết nhu cầu bức xúc trong dạy và học. Từ phong trào này, nhiều GV đã dành công sức và trí tuệ để cải tiến, tự làm thêm nhiều đồ dùng dạy học có giá trị, có tính sáng tạo cao. Ông Phan Tấn Dũng, Chủ tịch Công đoàn ngành GD-ĐT tỉnh, cho biết: “Năm học 2009-2010, có 130 SKKN của cán bộ, GV đạt SKKN cấp cơ sở. Qua xét chọn, có 77 SKKN đạt SKKN cấp tỉnh. Chúng tôi đã chọn ra 9 SKKN tiêu biểu nhất để đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cấp bằng Lao động sáng tạo. Có thể nói, số lượng cũng như chất lượng của đề tài SKKN tăng hàng năm...”. 

Theo quy định mới, để được công nhận là GV dạy giỏi, GV phải có SKKN được công nhận ở cấp trường.

- Trong ảnh: Một tiết dạy Hóa ở Trường THCS Lương Thế Vinh, Quy Nhơn.  

* GV dạy giỏi phải có SKKN

Tuy vậy, vẫn có một số GV tỏ ra khá e dè, ngại viết SKKN. Một giáo viên THCS bày tỏ: “Tôi nghĩ SKKN là cả một quá trình tích lũy từ thực tế giảng dạy của mình. Để có một SKKN hay thì GV phải trăn trở đưa ra phương pháp nghiên cứu phù hợp cho công việc soạn giảng, chấm bài. Bởi vậy, không phải năm nào cũng có thể viết được SKKN...”. Có trường hợp GV viết SKKN kiểu đối phó, lấy lệ bằng cách “lên mạng” sao chép của người khác bằng vài thao tác “cắt, dán”.

Một chuyên viên phòng GD-ĐT huyện thường chấm SKKN của GV cho biết, ông đã phát hiện khá nhiều trường hợp SKKN được “sáng tạo” theo kiểu trên. “Chỉ cần vào Google “sợt” là có thể biết ngay SKKN được lấy từ nguồn nào, của ai. Năm học 2009-2010, chúng tôi phát hiện gần chục trường hợp “đạo” SKKN. Phòng không chỉ hủy kết quả SKKN, mà còn gởi thông báo về trường của GV đã vi phạm, đề nghị không nâng lương trong một năm…”.

Cô Thái Thị Kim Lương, GV Ngữ văn Trường THPT số 1 Phù Cát, đã 3 lần có SKKN đạt cấp ngành, nói: “Theo tôi, viết SKKN phải bắt nguồn từ thực tế giảng dạy. Chẳng hạn, trong bài giảng của tôi có hình ảnh về hoa linh lan. Để HS biết loài hoa đó, tôi lên mạng tìm kiếm hình ảnh để minh họa cho bài giảng. Với sự phát triển của công nghệ thông tin như hiện nay thì việc đó rất dễ thực hiện. Đề tài SKKN “Ứng dụng công nghệ nghe nhìn vào dạy học môn Ngữ văn ở trường THPT” của tôi cũng xuất phát từ suy nghĩ đó”.

Theo Điều lệ Hội thi Giáo viên dạy giỏi các cấp học phổ thông và giáo dục thường xuyên do Bộ GD-ĐT ban hành, có hiệu lực từ ngày 4.9.2010, thì GV tham dự hội thi GV dạy giỏi cấp trường phải có ít nhất một SKKN hoặc sản phẩm nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng đã triển khai có hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng dạy học, giáo dục học sinh; SKKN, sản phẩm nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng phải được viết thành báo cáo và đã được nhà trường công nhận và xếp loại. Đây là một yêu cầu bắt buộc để GV phấn đấu, tuy nhiên cũng rất dễ tạo ra áp lực, làm nảy sinh những kiểu SKKN đối phó một khi GV muốn tham gia Hội thi GV dạy giỏi các cấp.

  • Thu Hà
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Tiếp tục cứu trợ nhân dân vùng lũ   (22/11/2010)
Gặp mặt kỷ niệm 65 năm ngày thành lập HĐND và Ủy ban hành chính các cấp   (22/11/2010)
Đồng chí Nguyễn Văn Thiện làm việc tại huyện Vân Canh   (22/11/2010)
Giá trị lịch sử của cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ  (22/11/2010)
Phát động Tháng hành động Quốc gia phòng chống HIV/AIDS  (21/11/2010)
Khẩn trương đưa Nghị quyết Đại hội vào cuộc sống  (21/11/2010)
Tặng quà hỗ trợ nhân dân vùng lũ  (21/11/2010)
Giao lưu các CLB tình nguyện chữ thập đỏ  (21/11/2010)
Tập trung khắc phục hậu quả lũ lụt  (21/11/2010)
Tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ, không để người dân bị đói, rét   (21/11/2010)
Cà phê - có vợ, có chồng   (20/11/2010)
Hỗ trợ đồng bào vùng lũ tỉnh ta 100 triệu đồng   (20/11/2010)
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam   (20/11/2010)
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải kiểm tra tình hình khắc phục hậu quả lũ lụt tại Bình Định  (20/11/2010)
Bảo vệ quyền lợi người lao động   (19/11/2010)