Sau ngày “tết” của thầy cô đúng một ngày, cô bạn tôi, vốn là giáo viên chủ nhiệm, than thở: “20.11, đã dặn học trò không được đến nhà, vậy mà, bọn trẻ vẫn kiên trì đợi cô về. Cô trò hàn huyên vui vẻ, đến khi trò ra về thì mới biết là bị mất một chiếc xe đạp. Tôi áy náy quá… “. Cũng phải thôi, không dưng trò lại mất xe vì đến nhà cô.
Nghe cô nói, lại nhớ đến những năm trước, số học sinh bị tai nạn giao thông, chết nước trong ngày này cũng nhiều hơn ngày thường. Trò đi thăm thầy cô một phần, nhưng phần lớn vin vào cớ đó để đi chơi xa, lội sông, lội suối với bạn bè. Tai nạn xảy ra, giáo viên tuy chẳng phải là nguyên nhân, nhưng không khỏi phiền lụy.
|
Đối với thầy cô giáo, tình cảm chân thật của học trò mới thật đáng quý.
- Trong ảnh: Học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn tặng hoa cho thầy cô giáo nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11. Ảnh: Hoàng Lan |
Cô bạn dạy ở một trường cao đẳng thì lại bảo: “Năm nào, tôi cũng dặn trước sinh viên rằng: ngày 20.11, nhà tôi chỉ mở cửa cho các anh chị SV đã ra trường thôi nhé. Còn cô trò gặp nhau hoài ở lớp, tới làm gì”. Cô ngại sinh viên đến thăm, mua hoa, quà tốn kém. Trò đang học không đến; trò cũ cũng chẳng thấy đâu vì đều bận bịu với công việc, cô lại thấy hơi buồn. Năm nào cô cũng đến nhà thầy cô giáo cũ của mình. Đôi khi chỉ là một cành hoa, thậm chí chẳng có gì… nhưng thầy cô vui lắm. Chí ít, cũng còn có trò vẫn nhớ đến “người đưa đò” năm xưa.
Đúng ngày 20.11, tôi tình cờ đi qua nhà hàng xóm, thấy cảnh thầy giáo và phụ huynh đùn đẩy nhau chiếc phong bì. Phụ huynh nài ép: “Chúng tôi chẳng biết mua quà gì cho thầy cả. Thầy nhận đi cho chúng tôi vui…” nhưng thầy giáo (người hàng xóm của tôi) kiên quyết không nhận. Cuối cùng, phụ huynh phải cầm chiếc phong bì ra về. Thầy giáo cười buồn nói với tôi: “Vẫn có những phụ huynh hành xử kiểu đấy chị ạ. Cũng biết rằng đó cũng là cách người ta tri ân mình, nhưng tôi cảm thấy như bị xúc phạm. Thà rằng, ngày thường họ vẫn quan hệ, thăm hỏi tình hình học tập của con em mình; đằng này, nhiều khi giáo viên hẹn gặp phụ huynh mấy lượt mà chẳng gặp…”. Chẳng cần thầy nói đến câu sau thì tôi cũng biết, bởi người thân, bạn bè tôi đôi lúc vẫn buột miệng: “Con tôi học giỏi thì chẳng cần đến nhà thầy làm gì”. Hóa ra, cái sự “tri ân” thầy cô cũng nhiều lẽ: vì tình cảm trân trọng người đã bỏ công dạy dỗ con mình cả năm học; vì muốn thầy cô “quan tâm” đến con mình nhiều hơn, cho điểm “nới tay” hơn…
Cũng nhân dịp này, siêu thị M. có tổ chức một đêm tiệc buffet để tri ân thầy cô. Thế nhưng, một số khách đi dự về lại bảo thà đừng đến đó còn hơn, để khỏi thấy cảnh người ta chen lấn, xô đẩy nhau nơi bàn tiệc, làm thành một cảnh tượng hỗn độn, chẳng đẹp mắt chút nào. Những người đi dự có thể không phải là giáo viên (vì giáo viên có thể chuyển vé) nhưng dù gì đi nữa, chính cách hành xử có phần lỗ mãng, thiếu văn hóa ấy đã phần nào làm mất đi ý nghĩa cao quý ban đầu của nhà tổ chức, làm mất đẹp hình ảnh của người thầy, người cô…
|