Đợt lũ lớn ở phía bắc tỉnh:
Băm vằm công trình thủy lợi và giao thông
16:48', 23/11/ 2010 (GMT+7)

Sau cơn lũ lớn tràn qua các huyện phía bắc tỉnh vào các ngày 16,17,18 tháng 11, chúng tôi đã có mặt ở các huyện Hoài Nhơn, Hoài Ân, An Lão và kịp ghi nhận sự tàn phá ghê gớm của nó cùng những hậu quả mà chính quyền, nhân dân nơi đây còn phải có nhiều thời gian và công sức mới khắc phục nổi.

 

Bà Trần Thị Ngọc Bích ở xã An Mỹ (Hoài An) chưa hết bàng hoàng trước ngôi nhà bị sập mái vào rạng sáng 17.11.

 

Hoài Nhơn: ngập lũ trên diện rộng

Tại Cơ quan Quân sự huyện Hoài Nhơn tọa lạc ở trung tâm thị trấn Bồng Sơn, rong xanh còn ngập tràn mặt sân vườn dù lũ đã rút đi. Trung tá Nguyễn Thanh Hải, Chính trị viên phó, Chủ nhiệm chính trị, vừa đi viếng đám tang anh Nguyễn Văn Đông ở thôn Ca Công, xã Hoài Hương trở về.

Anh Đông là quân nhân dự bị thuộc Trung đoàn 977, Sư đoàn 31, Quân đoàn 3, năm nay 48 tuổi bị nước cuốn trôi trên địa bàn thôn Vĩnh Phụng, xã Hoài Xuân, trên đường trở về nhà. Anh Hải xác định, nếu tính từ đầu mùa lũ thì cơn lũ vừa qua là lớn nhất đối với các huyện “biên trấn” phía bắc tỉnh. Liên tiếp trong các ngày từ 15 đến 17.11, nhất là ngày và đêm 16.11 mưa rất to, lượng mưa phân phối hơn 380mm chạy suốt qua địa bàn các huyện này, khiến nước các con sông An Lão, Kim Sơn và Lại Giang dâng cao…

Ngay trong lũ, Ban Chỉ huy quân sự huyên Hoài Nhơn đã tích cực huy động hơn 110 lượt dân quân tại chỗ tham gia phối hợp cùng các lực lượng địa phương tổ chức di dời người già, trẻ em và tài sản của dân ở những vùng trũng thấp, nhất là ở các vùng ngập nước như: thị trấn Bồng Sơn; các xã Hoài Hải, Hoài Hương, Bồng Sơn, Hoài Mỹ, Hoài Sơn, Hoài Đức, Hoài Châu Bắc…

Ở xã Hoài Châu Bắc, chúng tôi được anh Lê Văn Bé, Xã đội trưởng, cho hay, trung đội dân quân của xã gồm 22 người cùng 26 dân quân tại chỗ ở các thôn Gia An Đông, Chương Hòa, Hy Thế ngay trong lúc lũ dâng đã tích cực ra quân, giúp sơ tán người già, trẻ em và đồ đạt ở các thôn ngập lũ này lên vùng cao. Anh Bé đưa chúng tôi đến thăm ngôi nhà bị sập mái của chị Nguyễn Thị Ngọc ở thôn Bình Đê trong lúc chị Ngọc đi làm vắng. Chồng chị đã mất do bệnh ung thư nay nhà lại bị sập mái kiến hoàn cảnh gia đình chị hết sức khó khăn.

Theo báo cáo của UBND huyện Hoài Nhơn, tính từ cuối tháng 10 đến nay, mưa lũ đã làm chết 2 người; 2 nhà sập đổ hoàn toàn; nhà bị sạt lở, hư hỏng như nhà chị Ngọc cũng có đến 23 nhà; có 2 tàu bị chìm và 2 chiếc khác bị hư hỏng, trôi dạt trên biển. Nhiều công trình dân sinh bị hư hỏng nặng, tường rào trường Mẫu giáo Hoài Sơn bị ngã, đổ; bờ kè khu dân cư Trường Xuân sạt lở.

Ở Hoài Châu Bắc chúng tôi cũng tận mục sở thị nhiều đoạn của bờ sông Bàu Dài bị phá nát từng khúc, cát, đất trôi ra ruộng gây sa bồi nặng nề. Các công trình giao thông, thủy lợi và sản xuất nông nghiệp của huyện bị thiệt hại nặng nề.

Theo ước tính giá trị thiệt hại do lũ ở Hoài Nhơn đã lên hơn 18.380 triệu đồng!

 

Sông Bàu Dài ở địa phận thôn Bình Đê xã Hoài Châu Bắc bị lũ làm sạt lở nhiều đoạn.

 

Hoài Ân: những cái chết thương tâm

Chúng tôi có một đêm ngủ lơ mơ ở Ban Chỉ huy quân sự huyện Hoài Ân giữa lúc các lực lượng dân quân còn dầm mình trong mưa đi tìm thi thể của ông Huỳnh Tánh. Mãi đến gần nửa đêm 19.11, Trung tá Huỳnh Văn Long, Chính trị viên phó kiêm Chủ nhiệm chính trị mới nhận được tin báo đã tìm thấy thi thể của người chết thứ 3 trong đợt lũ vừa qua ở Hoài Ân.

Kể về 3 cái chết thương tâm do cơn lũ vừa qua ở Hoài Ân, Trung tá Huỳnh Long chép miệng đầy tiếc nuối: “Cả ba người băng qua nước lũ đều đã được khuyên can song tất cả họ đều không nghe và dẫn đến hậu quả”. Anh Nguyễn Văn Phụng, 34 tuổi ở thôn Vạn Trung, xã An Hảo chỉ vì chủ quan rằng mình biết bơi và tiếc những khúc gỗ trôi (giữa lúc nhà anh đang xây dựng) nên đã lén mọi người ra đoạn vắng của rừng sầu đông bơi vớt gỗ và bị nước cuốn.

Với Đặng Văn Quân, 29 tuổi, ở thôn Vạn Hội 1, xã An Tín thì băng qua nước lũ về thăm nhà phía vợ trên đoạn đường thuộc thôn Vĩnh Hòa, xã An Đức để rồi không còn cơ hội nhìn lại mặt vợ một lần dù vợ anh đang vượt cạn đầy khó khăn…

Chuyện cũng xảy ra tương tự như vậy với ông Huỳnh Tánh, 64 tuổi ở thôn Linh Chiểu, xã Ân Phong trên đường đi ăn giỗ trở về để đến sau 3 ngày bị nước cuốn, phải huy động cả trăm lượt người tìm kiếm, thi thể của ông mới được tìm thấy.

Trung tá Huỳnh Văn Long tâm sự: “Chúng tôi theo dõi diễn tiến lũ từng giờ và đã huy động toàn bộ lực lượng dân quân cơ động, tính ra đén 176 lượt cùng ca nô, xe máy ra chốt chặn ở các điểm cầu giao thông, không cho dân băng qua nước lũ, vớt gỗ… Vậy mà vẫn có trường hợp đáng tiếc xảy ra!”.

Không chỉ thiệt hại nhiều về người, Hoài Ân còn có 2 nhà bị sập mái. Tại ngôi nhà bà Trần Thị Ngọc Bích ở xã An Mỹ, chúng tôi đã nghe chị kể chuyện nhà sập trong cơn bàng hoàng: “Rạng sáng ngày 17.11, nghe “rắc” một tiếng, tôi vừa thoát ra khỏi nhà thì cây đòn dông trên mái nhà bị gãy, cả phần mái lợp bằng tôn phi rô xi măng đã đổ ào xuống, vỡ vụn.”.

Bà Bích đã 55 tuổi, không có chồng, 3 đứa con của chị đều không được học hành, phải đi làm thuê ở nhà người.

Ở Hoài Ân, chúng tôi còn được nghe chuyện lở núi hy hữu ở thôn Tân Xuân, xã Ân Hảo Tây. Mưa lớn đã khiến một mảng núi rộng cả 4 ha lở, đất đổ ào xuống chôn vùi 3 con bò và một ao cá của người dân. Cố gắng lắm, chủ của đàn bò cũng chỉ bới ra được xác của một con. Đất núi đổ xuống làm sa bồi 6 ha ruộng, không dễ gì khắc phục được.

Với Hoài Ân, thiệt hại nặng nhất vẫn là giao thông và thủy lợi. Ước tính trong cơn lũ này, Hoài Ân bị thiệt hại tổng cộng khoảng 18 tỉ đồng, trong đó riêng các công trình giao thông, thủy lợi đã thiệt hại 13,8 tỉ đồng!

 

Đoạn đường An Hòa đi An Nghĩa - An Toàn bị lũ khoét ở Km9.

 

An Lão: mặt đường tan nát

Suốt chặng đường từ Ân Hảo Đông, Ân Hảo Tây (Hoài Ân) về An Lão ngồi trên chiếc Uoat thùng của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, người chúng tôi luôn lắc lư, có lúc bị đánh bật khỏi ghế xe ngã nhào xuống sàn xe. Đoạn đường dài cả chục cây số này bị lũ băm vằm tan nát những ổ gà ổ voi.

Đến An Lão, sau khi nghe Thượng tá Nguyễn Văn Hùng, báo cáo về tình hình chống lũ của LLVT huyện, chúng tôi nhập vào đoàn kiểm tra tình hình lũ lụt do ông Trần Ngọc Anh, Trưởng phòng Nông nghiệp, Phó trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo phòng chống bão lụt của huyện đi khảo sát những con đường ở An Lão. Con đường mới tuyến An Hòa đi An Toàn - An Nghĩa bị cắt đứt 3 ngày do sạt lở đất ở nhiều đoạn. Tại đoạn Km 9, đất nền đường bị sạt trôi toang hoác quá nửa mặt đường; còn tại Km 10 đất từ sườn núi sạt xuống, cắt đứt giao thông. Xe xúc, xe tải của các công ty xây dựng đường được UBND huyện huy động đến ngày 20.11, đường lên An Toàn mới được thông xe.

Mà không chỉ riêng con đường An Hòa đi An Toàn - An Nghĩa, các tuyến An Hòa – An Hưng, thôn 3 đi thôn 7 – thôn 5 xã An Vinh đường đều bị sạt lở nặng nề. Ông Anh nhẩm tính có khoảng 135.000 m2 mặt đường bị sạt lở, hư hỏng và cũng chừng ấy khối đất đá do sạt lở núi lấp xuống mặt đường. Tất cả cộng với số cầu tràn, cống, rãnh thoát nước bị cuốn trôi và hư hỏng đã gây thiệt hại cho An Lão đến 17 tỉ đồng.

 

Các đơn vị đang tích cực thông tuyến đường lên An Toàn do sạt lở núi tại Km10.

 

Cũng trong đợt lũ này, An Lão đã thiệt mất một mạng người. Ngày 19.11, trong lúc lội qua sông đi học, em Vương Công Hậu, học sinh lớp 9A3 trường THCS An Tân đã bị nước cuốn trôi nhưng không ai hay biết. Ngày 20.11, gia đình mới báo em bị mất tích và đến ngày 22.11 xác em mới được tìm thấy…

Mùa lũ năm nay chưa thấy bão song sự dai dẳng của những cơn mưa, cả mưa vừa, mưa to và rất to đã khiến lũ nhỏ rồi lũ to cứ chồng chất lên nhau ở Bình Định nói chung và các huyện phía bắc nói riêng, càng khoét sâu thêm những thiệt hại.

Chúng tôi rời An Lão, khi trời vẫn lâm thâm mưa, ông Trần Ngọc Anh tạm biệt chúng tôi bằng cái lắc đầu ngán ngẩm của người ngấm lũ: “Mưa kéo dài cả tháng như vầy, lúa vụ mùa của bà con ở An Tân, An Hòa đã thu hoạch không phơi được, mộng đã ra dài nỗi ném cho gà chúng cũng chẳng thèm.”

Các huyện phía bắc tỉnh đang tích cực khắc phục hậu quả lũ lụt và họ đang cần lắm sự hỗ trợ, sẻ chia sức người sức của.

  • Bài và ảnh: QUANG KHANH
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Chuyện sau ngày 20.11  (22/11/2010)
Mục tiêu là nâng cao chất lượng giảng dạy  (22/11/2010)
Tiếp tục cứu trợ nhân dân vùng lũ   (22/11/2010)
Gặp mặt kỷ niệm 65 năm ngày thành lập HĐND và Ủy ban hành chính các cấp   (22/11/2010)
Đồng chí Nguyễn Văn Thiện làm việc tại huyện Vân Canh   (22/11/2010)
Giá trị lịch sử của cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ  (22/11/2010)
Phát động Tháng hành động Quốc gia phòng chống HIV/AIDS  (21/11/2010)
Khẩn trương đưa Nghị quyết Đại hội vào cuộc sống  (21/11/2010)
Tặng quà hỗ trợ nhân dân vùng lũ  (21/11/2010)
Giao lưu các CLB tình nguyện chữ thập đỏ  (21/11/2010)
Tập trung khắc phục hậu quả lũ lụt  (21/11/2010)
Tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ, không để người dân bị đói, rét   (21/11/2010)
Cà phê - có vợ, có chồng   (20/11/2010)
Hỗ trợ đồng bào vùng lũ tỉnh ta 100 triệu đồng   (20/11/2010)
Sôi nổi các hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam   (20/11/2010)