Sau khi bầu các chức danh HĐND và UBND ở xã, phường, thị trấn:
Điều hành ngay hay phải chờ?
17:13', 24/11/ 2010 (GMT+7)

Tính đến nay, cả nước đã hoàn thành công tác đại hội Đảng 3 cấp theo đúng tinh thần Chỉ thị số 37-CT/TW ngày 4.8.2009 của Bộ Chính trị. Sau đại hội, các Đảng bộ tiến hành kiện toàn các chức danh chủ chốt theo sự phân công của cấp ủy, đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện của Đảng. Tuy nhiên qua diễn biến các kỳ họp HĐND ở một số xã, phường, thị trấn trong tỉnh, chúng tôi thấy mỗi địa phương có một cách làm khác nhau gây tranh cãi, biểu hiện qua một số vấn đề….

1. Tại kỳ họp HĐND, sau khi bầu xong chức danh Chủ tịch HĐND thì ai là người làm chủ tọa để tiếp tục điều hành kỳ họp, Chủ tịch HĐND mới bầu hay Chủ tịch HĐND vừa được cho thôi giữ chức?

 

Cử tri phường Nhơn Phú (TP Quy Nhơn) chất vấn HĐND 3 cấp. Ảnh: Hoàng Vân

 

Có nơi Chủ tịch HĐND (cũ) làm chủ tọa, điều hành kỳ họp đến khi bầu xong Chủ tịch HĐND (mới) thì giao ngay vị trí chủ tọa, nhiệm vụ điều hành từ đó về sau cho Chủ tịch HĐND vừa trúng cử. Tuy nhiên, nhiều nơi coi vậy là thiếu “tinh tế trong ứng xử” nên cứ để vị Chủ tịch HĐND (cũ) làm chủ tọa, điều hành cho đến khi kết thúc kỳ họp. Cũng có nơi sau khi có kết quả bầu Chủ tịch HĐND, kỳ họp tạm nghỉ giải lao rồi chủ tọa (tức Chủ tịch HĐND cũ) tuyên bố hết nhiệm vụ, mời Chủ tịch HĐND mới lên tiếp tục điều hành kỳ họp.

2. Chủ tịch, Phó chủ tịch UBND đã được HĐND cho thôi giữ chức và bầu người khác thay thế nhưng 15-20 ngày sau đó, các Chủ tịch, Phó chủ tịch UBND (cũ) này vẫn tiếp tục quản lý, chỉ đạo điều hành cơ quan; tiếp tục ký các văn bản, giấy tờ theo thẩm quyền của Chủ tịch, Phó chủ tịch UBND.

Có ý kiến cho rằng, các Chủ tịch HĐND; Chủ tịch, Phó chủ tịch UBND còn điều hành theo vị trí, chức năng, nhiệm vụ cũ là vì dù HĐND đã bầu mới nhưng cấp trên chưa phê chuẩn nên chưa có hiệu lực thi hành. Do vậy, về nguyên tắc hành chính, giữa Chủ tịch HĐND; Chủ tịch, Phó chủ tịch UBND mới và cũ chưa tiến hành bàn giao nên các đồng chí mới được bầu chưa có quyền điều hành cuộc họp hay quản lý, chỉ đạo, điều hành cơ quan. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, việc bầu cử này là có hiệu lực ngay nên sau phiên họp HĐND thì Chủ tịch, Phó chủ tịch UBND (mới) chính thức làm nhiệm vụ và trực tiếp ký các văn bản theo chức danh được bầu.

Những vấn đề này, đối chiếu với các quy định có liên quan thì thấy: Tại khoản 2, điều 51 Luật tổ chức HĐND, UBND năm 2003 quy định “Tại kỳ họp thứ nhất của mỗi khóa, HĐND bầu: Chủ tịch HĐND; Phó chủ tịch, Ủy viên thường trực; Chủ tịch, Phó chủ tịch và các thành viên khác của UBND”. Khoản 3, điều 51 quy định “Người giữ chức vụ quy định tại khoản 2 điều này thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình ngay sau khi được HĐND bầu”. Vậy, trường hợp thay thế ngay chủ tọa kỳ họp cũng như giao nhiệm vụ điều hành cho Chủ tịch, Phó chủ tịch UBND ngay sau khi bầu là khá rõ ràng, đúng quy định.

Tuy nhiên, có hai vấn đề dẫn đến hiểu lầm và gây tranh cãi là:

1. Việc bầu các chức danh Chủ tịch HĐND; Chủ tịch, các Phó chủ tịch UBND trong trường hợp này rơi vào thời điểm cuối nhiệm kỳ HĐND, không phải trường hợp thuộc “kỳ họp thứ nhất” theo quy định tại điều 51 nói trên. Vấn đề đặt ra ở đây là, việc HĐND bầu các chức danh chủ chốt tại thời điểm giữa hay cuối nhiệm kỳ do văn bản nào điều chỉnh?

2. Tại điều 52 và điều 119 Luật tổ chức HĐND, UBND năm 2003 quy định: “Kết quả bầu Chủ tịch, Phó chủ tịch HĐND, Ủy viên thường trực HĐND phải được Thường trực HĐND cấp trên trực tiếp phê chuẩn; Kết quả bầu các thành viên của UBND phải được Chủ tịch UBND cấp trên trực tiếp phê chuẩn”. 

Chúng tôi cho rằng, điều 51 Luật tổ chức HĐND, UBND năm 2003 quy định “tại kỳ họp thứ nhất” đã không dự lường được những biến động có thể xảy ra trong suốt nhiệm kỳ. Tuy nhiên, cũng cần phải nói rằng, cách vận dụng pháp luật như một số địa phương nói trên là bắt nguồn từ cách hiểu máy móc. Thêm vào đó, nếu Luật quy định “kết quả bầu chỉ có giá trị thực thi, (giá trị pháp lý) sau khi được Thường trực HĐND, Chủ tịch UBND phê chuẩn” thì là một việc khác; mà nếu được như vậy thì cũng không có gì phải bàn cãi. Thực ra, điều 119 quy định thủ tục phê chuẩn đối với kết quả bầu Chủ tịch HĐND; Chủ tịch, các Phó chủ tịch UBND của cấp dưới chẳng qua mang tính chất thủ tục; là một phương thức để Thường trực HĐND, Chủ tịch UBND cấp trên thẩm định lại quy trình làm công tác nhân sự; về tiêu chuẩn, quy trình bầu xem có đúng và chặt chẽ hay không.

Theo chúng tôi, việc công nhận kết quả ngay sau khi bầu là thể hiện tính dân chủ xã hội chủ nghĩa, thể hiện sự tôn trọng đối với đại biểu HĐND. Nên chăng, cũng cần có một điều khoản bổ sung trong Luật tổ chức HĐND, UBND hoặc trong Quy chế hoạt động của HĐND ban hành kèm theo Nghị Quyết 753/2005/NQ-UBND ngày 2.4.2005 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để quy định về những trường hợp bầu các chức danh vào thời điểm giữa hoặc cuối nhiệm kỳ của HĐND.

  • Hoài Nhân
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Từ ngày 6.12, ôtô, xe máy sẽ được cấp biển 5 số  (23/11/2010)
Kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống ngành Thanh tra  (23/11/2010)
Mời cộng tác báo Xuân Tân Mão - năm 2011  (23/11/2010)
Bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho chuyên viên, phóng viên báo, đài  (23/11/2010)
Quy định mức hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại do lũ lụt  (23/11/2010)
Báo Sài Gòn Giải Phóng, Báo Bình Định hỗ trợ đồng bào vùng lũ  (23/11/2010)
NHÂN SỰ MỚI  (23/11/2010)
Kỷ niệm 64 năm Ngày thành lập Hội Chữ thập đỏ Việt Nam  (23/11/2010)
Bắc cầu nhân ái  (23/11/2010)
Băm vằm công trình thủy lợi và giao thông  (23/11/2010)
Chuyện sau ngày 20.11  (22/11/2010)
Mục tiêu là nâng cao chất lượng giảng dạy  (22/11/2010)
Tiếp tục cứu trợ nhân dân vùng lũ   (22/11/2010)
Gặp mặt kỷ niệm 65 năm ngày thành lập HĐND và Ủy ban hành chính các cấp   (22/11/2010)
Đồng chí Nguyễn Văn Thiện làm việc tại huyện Vân Canh   (22/11/2010)