Cần phân cấp mạnh hơn việc trích nộp đảng phí theo định kỳ
18:56', 24/11/ 2010 (GMT+7)

Tại mục A và C của Quy định về chế độ đảng phí (ban hành kèm theo Quyết định 09-QĐ/TƯ ngày 24.9.2001 của Bộ Chính trị nêu: “Đóng đảng phí hàng tháng là nhiệm vụ của đảng viên theo quy định của Điều lệ Đảng, là vấn đề có tính nguyên tắc và có ý nghĩa chính trị quan trọng”, “Chi bộ và tổ chức cơ sở đảng nộp đảng phí lên cấp trên hàng tháng, trừ một số địa bàn đặc biệt do các tỉnh ủy, thành ủy và đảng ủy trực thuộc Trung ương quy định”.

Theo đó, đảng viên nộp đảng phí với chi bộ nơi mình sinh hoạt. Khi nộp đảng phí, đảng viên phải ký vào sổ “thu, nộp đảng phí” do chi ủy trực tiếp theo dõi, quản lý; điều này có ý nhắc nhở về ý thức, trách nhiệm của người đảng viên. Do đó, việc nộp đảng phí của đảng viên không phải là nghĩa vụ tài chính đối với tổ chức đảng mà mang ý nghĩa sâu sắc về mặt chính trị. Các chi, đảng bộ cơ sở phải thực hiện việc trích đúng tỉ lệ quy định trong số đảng phí này để nộp lên cơ quan tài chính đảng cấp trên theo định kỳ hàng tháng. Như vậy, qua việc trích nộp đảng phí hàng tháng sẽ xác lập hai mối quan hệ: Một là, quan hệ giữa đảng viên với chi ủy chi bộ. Hai là, quan hệ giữa tổ chức cơ sở đảng với cơ quan tài chính đảng cấp trên.

Việc Bộ Chính trị giao cho các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc có quyền quyết định những nơi không phải thực hiện việc trích nộp đảng phí theo định kỳ hàng tháng là sự phân cấp quản lý mang tính chất “mở”. Cụ thể hóa Quy định này, tỉnh Bình Định đã quyết định cho một số ít xã vùng sâu, vùng xa như: Nhơn Châu, Nhơn Lý (TP Quy Nhơn), An Toàn, An Nghĩa (An Lão)… được thực hiện việc trích nộp đảng phí không theo định kỳ hàng tháng. Như vậy, các địa bàn còn lại  phải thực hiện việc trích nộp theo định kỳ hàng tháng như quy định.

Tuy nhiên, qua công tác kiểm tra, giám sát chuyên đề “thu, nộp, quản lý và sử dụng đảng phí” và đánh giá phân loại hàng năm, hầu hết các tổ chức cơ sở đảng có ý kiến đề nghị nên xem xét, mở rộng địa bàn không phải thực hiện việc trích nộp đảng phí theo định kỳ hàng tháng. Ở huyện Hoài Nhơn, do tính chất địa bàn khá rộng, có trên 2/3 số chi, đảng bộ cơ sở cách trụ sở Huyện ủy từ 10 đến 15 km; trong đó, có 16/71 đảng bộ cơ sở cách thị trấn Bồng Sơn từ 15 đến 30 km; số tiền đảng phí phải trích nộp của các chi, đảng bộ lại không cao. Các chi bộ cơ sở có ít đảng viên, số tiền trích nộp trên dưới 100 ngàn đồng/tháng; các đảng bộ trực thuộc dao động từ 150-240 ngàn đồng; cá biệt, một số chi, đảng bộ vì số lượng đảng viên quá ít, số tiền phải trích nộp chỉ 70-100 ngàn đồng/tháng. Trong khi đó, chế độ công tác phí được áp dụng cho người đi công tác với cự ly trên 15 km là 30.000 đồng/lượt. Số tiền thanh toán cho một chuyến đi không phải lớn song, so với số tiền đảng phí phải trích nộp thì cũng phải tính toán lại.

Nhiều cán bộ làm công tác văn phòng ở các đảng ủy xã cho hay: Nếu không phải dịp “tranh thủ”, gắn với một công việc nào đó và vì một lý do nào đó không thể nộp được đảng phí theo đúng định kỳ sẽ bị nhắc nhở, phê bình hoặc kiểm điểm. Đối với các chi bộ cơ quan, tuy ở gần trung tâm huyện lỵ nhưng do số lượng đảng viên quá ít (từ 3-5 người), lương thấp, số tiền trích nộp không cao, tuy không trở ngại nhiều trong việc trích nộp song, cũng sẽ rất bị động cho cơ quan tài chính đảng cấp trên. Muốn cấp dưới thuận lợi, hoàn thành nhiệm vụ thì cấp trên phải cố gắng bố trí cán bộ để thường xuyên tiếp nhận số tiền này; nghĩa là phải cần sự cố gắng từ hai phía. Từ thực trạng nêu trên, chúng tôi nghĩ rằng, rất cần thiết phải tổ chức một hội nghị tổng kết, đánh giá công tác trích nộp đảng phí trên địa bàn tỉnh để hài hòa giữa “ý nghĩa chính trị” và “hiệu quả về mặt KT-XH”; đồng thời, tháo gỡ những khó khăn, giúp các tổ chức cơ sở đảng tránh các vi phạm về tiêu chí “trích nộp đảng phí” khi đánh giá, phân loại tổ chức cơ sở đảng hàng năm. Nên chăng, cần tiếp tục cụ thể hóa, vận dụng Quy định về chế độ đảng phí; cụ thể là mở rộng địa bàn không phải thực hiện việc trích nộp đảng phí theo định kỳ tháng, nhất là những chi bộ có số đảng viên quá ít, số tiền trích nộp không nhiều; các tổ chức cơ sở đảng có trụ sở cách cơ quan tài chính đảng cấp trên  từ 15 km trở lên…

Thiết nghĩ việc đảng viên đóng đảng phí hàng tháng, trực tiếp ký vào “Sổ thu, nộp đảng phí” do chi bộ trực tiếp quản lý vẫn đảm bảo được “ý nghĩa chính trị” của việc nộp đảng phí, song việc nộp đảng phí của các chi, đảng bộ cơ sở lên cơ quan tài chính đảng cấp trên cần nhìn nhận ở góc độ đơn thuần là mối quan hệ về nghĩa vụ tài chính thông thường.

  • Phạm Dân

(Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Hoài Nhơn)

In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Điều hành ngay hay phải chờ?   (24/11/2010)
Từ ngày 6.12, ôtô, xe máy sẽ được cấp biển 5 số  (23/11/2010)
Kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống ngành Thanh tra  (23/11/2010)
Mời cộng tác báo Xuân Tân Mão - năm 2011  (23/11/2010)
Bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho chuyên viên, phóng viên báo, đài  (23/11/2010)
Quy định mức hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại do lũ lụt  (23/11/2010)
Báo Sài Gòn Giải Phóng, Báo Bình Định hỗ trợ đồng bào vùng lũ  (23/11/2010)
NHÂN SỰ MỚI  (23/11/2010)
Kỷ niệm 64 năm Ngày thành lập Hội Chữ thập đỏ Việt Nam  (23/11/2010)
Bắc cầu nhân ái  (23/11/2010)
Băm vằm công trình thủy lợi và giao thông  (23/11/2010)
Chuyện sau ngày 20.11  (22/11/2010)
Mục tiêu là nâng cao chất lượng giảng dạy  (22/11/2010)
Tiếp tục cứu trợ nhân dân vùng lũ   (22/11/2010)
Gặp mặt kỷ niệm 65 năm ngày thành lập HĐND và Ủy ban hành chính các cấp   (22/11/2010)