Lao động (LĐ) đào tạo theo 3 cấp trình độ nghề nhằm đáp ứng đầy đủ nhu cầu đa dạng theo nhiều lĩnh vực, ngành nghề của thị trường LĐ. Tuy nhiên, do chưa có quy định và hướng dẫn cụ thể để xếp lương và trả lương cho từng đối tượng, nên việc trả lương còn nhiều bất cập, ảnh hưởng đến quyền lợi của LĐ đã qua đào tạo…
|
Chương trình đào tạo theo 3 cấp trình độ nghề có thời gian thực hành nghề chiếm tới 70% thời lượng đào tạo.
- Trong ảnh: Giờ thực hành của sinh viên khoa Cơ khí, Trường cao đẳng Nghề Quy Nhơn. |
* Lương thấp, thiếu minh bạch
Đến nay, qua 4 năm thực hiện Luật Dạy nghề, đã có một số lượng lớn LĐ được đào tạo nghề trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng ra trường và tham gia vào thị trường LĐ, nhưng Nhà nước vẫn chưa quy định và hướng dẫn cụ thể để các cơ quan, đơn vị hành chính, sự nghiệp và các doanh nghiệp có căn cứ xếp lương và trả lương theo 3 cấp trình độ nghề (cao đẳng, trung cấp, sơ cấp nghề).
Theo ông Nguyễn Mỹ Quang, Trưởng phòng LĐ-Tiền lương- Bảo hiểm xã hội (Sở LĐ-TB&XH), từ trước đến nay, LĐ nghề được xếp theo bậc thợ từ 1 đến 7 (hoặc 1 đến 6). Theo quy định, lương của LĐ bậc 1 cao hơn LĐ phổ thông tối thiểu 7%, mức lương của 2 bậc liền nhau chênh lệch ít nhất 5%. Trong khi đó, LĐ tốt nghiệp trung cấp nghề, cao đẳng nghề vẫn chưa có quy định cụ thể về cách tính lương. “Theo Luật Doanh nghiệp, giám đốc có quyền đề ra mức lương với điều kiện không thấp hơn mức lương tối thiểu. Hiện nay, đa số các doanh nghiệp ngoài quốc doanh xây dựng bảng lương theo mức thấp nhất làm cơ sở để đóng bảo hiểm xã hội, chứ không căn cứ vào đó để trả lương”- ông Quang cho biết.
Thực tế, các doanh nghiệp trả lương cho người LĐ chủ yếu theo năng lực làm việc và chức vụ chuyên môn. Một giám đốc doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ thừa nhận: “Bằng cấp, chứng chỉ chỉ mang tính tham khảo khi tuyển dụng, còn khi trả lương, chúng tôi căn cứ vào năng lực làm việc của người LĐ”.
Về cách làm này, ông Ngô Xuân Thủy, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Nghề Quy Nhơn, bày tỏ quan điểm: “Theo quy định của Luật Dạy nghề, đào tạo theo 3 cấp trình độ nghề tương đương như đào tạo chuyên nghiệp về yêu cầu trình độ đầu vào, thời gian đào tạo, quy định về yêu cầu cấp phát văn bằng, chứng chỉ tốt nghiệp. Sự khác nhau chủ yếu giữa đào tạo nghề và đào tạo chuyên nghiệp là cách thức thực hiện chương trình đào tạo. Chương trình đào tạo theo 3 cấp trình độ nghề có thời gian thực hành nghề chiếm tới 70% thời lượng đào tạo. LĐ tốt nghiệp cao đẳng và trung cấp nghề đa phần có năng lực, tay nghề cao. Việc trả lương theo năng lực sẽ kích thích LĐ tích cực học hỏi, liên tục nâng cao tay nghề. Tuy nhiên, vẫn có nhiều doanh nghiệp trả lương quá thấp, không tương xứng với công sức lao động và chi phí đào tạo. Nhiều doanh nghiệp cứ than thiếu LĐ; thực tế LĐ không thiếu, chỉ là do mức lương họ trả quá thấp, không thu hút được LĐ. Công cắt lúa còn hơn 70.000 đồng/ngày, hái cà phê còn được 120 ngàn đồng/ngày, trong khi lương LĐ đã qua đào tạo lại không được như thế”.
|
Cán bộ kỹ thuật của Công ty CP may Tam Quan sửa chữa máy may bị hỏng. |
Việc trả lương cho LĐ nghề thấp và thiếu minh bạch không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi của người LĐ, mà còn ảnh hưởng xấu đến hiệu quả của công tác đào tạo nghề. Đầu năm nay, trả lời báo chí, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga từng thừa nhận một thực tế là nhiều học sinh không muốn thi vào trung cấp, cao đẳng nghề do bảng lương không rõ ràng, còn lẫn lộn.
* Cần có sự thay đổi
Hiện nay, tỉnh ta có 26 cơ sở dạy nghề, bao gồm: 2 trường cao đẳng nghề, 1 trường cao đẳng chuyên nghiệp tham gia đào tạo nghề, 3 trường trung cấp nghề, 7 trung tâm dạy nghề, 13 cơ sở khác có hoạt động dạy nghề. Số lượng người học nghề năm 2009 đạt 26.504 người, tăng hơn 2% so với năm 2008. |
Ngày 18.11 vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng đã có văn bản chỉ đạo Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với Bộ Nội vụ và các cơ quan liên quan hướng dẫn việc xếp lương đối với LĐ tốt nghiệp theo 3 cấp trình độ nghề. Việc quy định này là cần thiết, nhằm khuyến khích LĐ tham gia học nghề, bảo đảm công bằng với LĐ đào tạo chuyên nghiệp, từng bước gắn tiền lương của người LĐ với trình độ đào tạo, tránh lãng phí nguồn nhân lực.
Về việc này, ông Ngô Xuân Thủy cho rằng: “Việc xếp lương cho LĐ nghề phải hài hòa quyền lợi của cả 3 phía: doanh nghiệp, LĐ và xã hội. Nếu mức lương tương xứng với công sức của người LĐ, được xã hội chấp nhận, thì sẽ làm cho người LĐ cảm thấy được xã hội quan tâm, yên tâm làm việc. Hơn nữa, công tác tuyển sinh và đào tạo nghề cũng sẽ có điều kiện thuận lợi để phát triển hơn”.
Những LĐ nghề được đào tạo bài bản cũng hy vọng việc xếp lương theo 3 cấp trình độ nghề. Nguyễn Đức Luân, cựu SV ngành cao đẳng hàn của Trường cao đẳng Nghề Quy Nhơn, tâm sự: “Đặc thù nghề nghiệp của chúng tôi rất vất vả, độc hại, nhưng mức lương 60.000-70.000 đồng/ngày như nhiều doanh nghiệp trả hiện nay là quá thấp. Chúng tôi mong mỏi mức lương được quy định sẽ xứng đáng với công sức lao động, với quá trình học tập, rèn luyện nghiêm túc của mình”.
|