Xưa, học trò vẫn thường gọi họ là “ông cai”. Giờ, họ là người bảo vệ trường học. Thoạt nhìn, cứ tưởng công việc hàng ngày của họ là nhẹ nhàng. Thật ra, xung quanh chuyện nghề của những “ông cai” ấy có lắm nỗi nhọc nhằn, buồn vui…
|
Ông Võ Văn Quyền, bảo vệ Trường THPT số 1 Phù Cát đánh trống vào tiết học. |
* Chuyện buồn...
Hơn 60 tuổi đời, đến lúc này, ông Võ Văn Quyền (ở tổ 2, khu An Ninh, thị trấn Ngô Mây, huyện Phù Cát) vẫn cho rằng mình đã đúng khi chọn nghề “cai trường”. Hàng ngày, ông vẫn miệt mài với những công việc tưởng chừng như rất nhàm chán. Mở cửa lớp, kiểm tra các phòng học, mở cổng đón học sinh, kiểm tra xem học sinh để xe có đúng chỗ không… Gần 25 năm gắn bó với ngôi trường THPT số 1 Phù Cát, hơn ai hết, ông hiểu sự khác biệt thế hệ của học trò xưa và nay. Ông Quyền tâm sự: “Học trò trước hiền ngoan lắm, nghịch cũng dễ thương chứ không lì lợm. Giờ thì nhiều đứa rất hay lý sự. Có đứa trốn tiết đi chơi, tôi nhắc nhở, nó cãi ngay: “con ăn tiền của con, con chơi kệ đời con”. Nhiều đứa hung hăng còn hăm đánh”.
Một “ông cai” khác có hơn 10 năm trong nghề, chia sẻ: “Có những thời điểm tôi định xin nghỉ, kiếm việc khác làm cho bớt căng thẳng đầu óc. Hầu như ngày nào ở đây, tôi cũng phải đối diện và chứng kiến những sự việc mà đáng lẽ ra không bao giờ xuất hiện trong môi trường sư phạm. Học sinh cãi vã, đánh nhau trong trường hay thản nhiên hút thuốc trong lớp, còn chuyện bỏ học giữa giờ, ra ngoài chơi internet là thường xuyên. Thậm chí không ít em đến trường với tác phong không khác gì dân bụi đời. Chứng kiến những điều đó, lòng tôi vừa bực bội vừa xót xa cho những bậc cha mẹ cứ tin rằng con mình học hành nghiêm túc”.
Hầu như năm nào Trường THPT bán công Phan Bội Châu (thị trấn Bồng Sơn, Hoài Nhơn) cũng đón nhận khá nhiều học sinh (cả nam lẫn nữ) “quậy”. Những học sinh này đã gây không ít phiền toái cho các thầy cô giáo và những người quản lý trường. Ông Huỳnh Xuân Phương, 55 tuổi, bảo vệ của trường dí dỏm: “Nếu tôi là nhà văn thì tôi sẽ viết thành công tác phẩm “Một ngàn lẻ một chuyện nghịch phá của học sinh”, bảo đảm không có kiểu nghịch nào giống kiểu nghịch nào đâu chú ạ!”. Ông Phương còn kể những hành động học sinh thường dùng để trả đũa khi bị ông nhắc nhở như: bẻ khóa cửa lớp, đập phá bóng điện, gây ô uế trong nhà vệ sinh…
Không như các trường THPT có nhiều học sinh cá biệt, công việc của các bảo vệ ở các trường tiểu học, THCS có phần nhàn nhã hơn bởi phần lớn các em trong lứa tuổi thiếu niên nhi đồng dễ dạy, dễ bảo. “Cái cực của người bảo vệ ở những trường này là phải dọn vệ sinh suốt ngày ở tất cả phòng học và xung quanh khuôn viên nhà trường, thu dọn, lượm lặt đồ dùng của các em bỏ rơi sau giờ học…”- ông Đặng Văn Mẫn, bảo vệ Trường tiểu học Bồng Sơn Tây tâm sự.
|
Phòng làm việc của bảo vệ đặt gần cổng ra vào, thuận lợi cho việc giữ gìn trật tự trường học. |
* Chuyện vui...
Trong trường học, dù không có vị trí khả kính như thầy, cô giáo song các “ông cai” vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục đạo đức, hình thành nhân cách cho học sinh, nhất là những học sinh có dấu hiệu hư hỏng, quậy phá. Đó là một công việc khó khăn, người không có lòng kiên trì và tình thương thì không làm được. Ông Phương kể, năm ngoái, có 3 học sinh lớp 12 uống rượu say bên ngoài rồi vào lớp nôn mửa bừa bãi. Ông bảo các em phải dọn dẹp; không những không nghe lời mà các em còn thách thức rồi bỏ đi. Một lúc sau, các em trên dẫn theo một người lạ vào phòng bảo vệ hăm dọa, gây sự với ông. Ban giám hiệu nhà trường và công an địa phương đến can thiệp, chúng mới kéo đi. Sau đó, nhà trường định đưa 3 học sinh đó ra kỷ luật, nhưng ông can ngăn và hứa sẽ có phương pháp giáo dục, giúp đỡ các em thành người tốt. “Những ngày sau đó, tôi thường xuyên tiếp cận các em, phân tích điều hơn lẽ thiệt, những điều xấu ảnh hưởng đến tương lai của các em. Như “mưa dầm thấm lâu”, từ đầu học kỳ 2, các em tiến bộ rõ rệt, học hành chăm chỉ và cả 3 đều đỗ tốt nghiệp. Tôi coi đó như là niềm vui trong công việc của mình”- ông Phương bày tỏ.
Ông Trần Thám, cán bộ tổ chức của Phòng GD – ĐT huyện Hoài Nhơn: “Đến thời điểm này, Phòng đã hợp đồng với 52 nhân viên bảo vệ các trường từ tiểu học đến THCS trên địa bàn. Đây là những nhân viên ngoài chỉ tiêu biên chế, được trả theo mức lương tối thiểu từ 730 ngàn đồng đến 930 đồng/người/tháng. Làm việc liên tục cả ngày lẫn đêm, nếu không có sự gắn bó và có tình thương yêu đối với học sinh thì với mức thu nhập ấy, khó có thể họ trụ vững được với nghề”. |
Cũng như ông Phương, niềm vui của ông Quyền là được chứng kiến từng lớp học trò lớn lên nên người. Ông tự hào: “Mình không dạy chữ nhưng dạy cho các em đạo làm người. Vì vậy, mỗi lần về họp lớp, học sinh cũ thường mời tôi vào chung vui với thầy cô. Lúc ấy, có đứa mới thật thà khai: “Hồi đó, con định đánh chú đấy chứ, giờ nghĩ lại, mới thấm thía lời chú dạy bảo!””.
Và, cũng có không ít nhân viên bảo vệ trường gieo vào lòng học sinh những ấn tượng tốt đẹp. Những học sinh các khóa đầu tiên của Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn hẳn khó quên hình ảnh của “cô Viên cạo gió”. Cô Viên đậm người, cắt tóc tém, rất hiền lành, vui tính và chu đáo. Ngoài công việc thường nhật như giữ xe, lo trà nước, cô còn kiêm cả công việc của một nhân viên y tế. “Trong túi cô lúc nào cũng có chai dầu, để khi có trò nào trúng gió, cô lại ra tay ngay. Cô hay “mắng yêu” tôi: “Mày về lo ăn uống bồi dưỡng đi con à, ốm tong teo thế mai mốt không có sức mà học đại học đâu!””- Minh Nguyệt, cựu học sinh chuyên Văn khóa 2000-2004, bồi hồi kể.
* * *
Khi thực hiện bài viết này, tôi được nghe kể một chuyện buồn, rất buồn về một “ông cai”. Làm “cai” ở một trường học nổi tiếng ở Quy Nhơn từ thời trước giải phóng, khi tuổi cao, ông chuyển sang nghề bán kem dạo. Những bước chân nặng nhọc của ông đã in trên khắp nẻo đường mưu sinh. Gần đây, khi không còn đủ sức mang thùng kem đi bán dạo, ông phải đi ăn xin. Những lứa học sinh cũ về thăm trường hay hỏi thăm ông, có người muốn giúp ông ít tiền để trang trải cuộc sống, nhưng chẳng biết tìm ông ở đâu…
|