Đợt mưa kéo dài trong tháng 11 vừa qua khiến nhiều tuyến đường, khu dân cư thuộc nội thành Quy Nhơn biến thành “sông”. Trước tình trạng này, một vấn đề được đặt ra là TP Quy Nhơn cần nhanh chóng có biện pháp quy hoạch để thích ứng với thách thức của mưa lũ cũng như vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu hiện nay.
|
Bản đồ ngập lụt TP Quy Nhơn được trình bày tại Hội thảo khoa học vào tháng 7.2009. |
* Nhiều nơi ngập nặng
Những cơn mưa lớn kéo dài, trong khi hệ thống thoát nước chưa xây dựng hoàn chỉnh, những khu dân cư chưa được quy hoạch… là nguyên nhân khiến nội thành Quy Nhơn bị ngập nặng những ngày qua. Khu dân cư quanh Bàu Sen ngập sâu từ 1-1,5 m. Nghiêm trọng hơn, đêm 28.11, một số ngôi nhà ở khu vực này đã bị sập. Nhiều người dân phải khóa cửa, di chuyển đồ đạc tới nơi khác để lánh nạn.
Các tuyến đường này: Trần Cao Vân, Nguyễn Trãi, Trần Phú, Nguyễn Nhạc, Biên Cương, Chế Lan Viên, Võ Liệu, Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Thị Định… bị ngập sâu, nhiều nhà dân bị nước tràn vào nhà.
Tình trạng ngập lụt ở nội thành Quy Nhơn những ngày qua là nghiêm trọng nhất trong vòng 5 năm trở lại đây, ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống người dân. Đặc biệt, đã có những trường hợp tử vong do mưa lũ như bà Lê Thị Xuân Mai (55 tuổi, ở KV 4, phường Lê Hồng Phong) trong lúc đi làm về bị nước cuốn trôi.
|
Tình trạng ngập lụt ở nội thành Quy Nhơn những ngày qua là nghiêm trọng nhất trong vòng 5 năm trở lại đây.
- Trong ảnh: Đường Lê Hồng Phong ngập trong nước. Ảnh: Văn Lưu |
* Quy hoạch, quản lý đô thị: Nhiều bất cập
Một thực tế không thể phủ nhận là Quy Nhơn có tốc độ đô thị hóa nhanh, nhưng công tác quản lý đô thị vẫn còn nhiều bất cập.
Theo thống kê vào năm 2009, gần 95% nhà dân ở TP Quy Nhơn là nhà phố do người dân tự xây dựng. Hiện tượng chiếm dụng vỉa hè, cơi nới để mở rộng diện tích diễn ra phổ biến. Thêm vào đó, những năm gần đây, diện tích đất trống, thảm thực vật tự nhiên của thành phố bị thu hẹp dần; nhiều khu, cụm công nghiệp mọc lên gây tác động xấu đến quá trình thoát nước tự nhiên.
Bên cạnh đó, nhiều công trình hạ tầng cơ sở thi công còn dở dang, gây cản trở dòng chảy trong mùa mưa cũng là yếu tố quan trọng góp phần tạo nên ngập úng cục bộ. Mặt khác, TP Quy Nhơn còn nhiều khu dân cư chưa được chỉnh trang, chưa có hệ thống thoát nước hoặc có nhưng không phát huy hiệu quả do tình trạng lấn chiếm, xây dựng nhà trái phép của người dân.
Các khu dân cư tự phát tại khu vực núi Bà Hỏa không chỉ gây khó khăn cho chính quyền địa phương trong quản lý đô thị mà việc một số người dân phá núi, xây dựng nhà cửa tùy tiện, vừa phá vỡ cảnh quan tự nhiên, làm mất đi vẻ đẹp của cảnh quan đô thị, vừa cản trở việc thoát nước mưa, gây ngập úng cục bộ.
|
Đường Trần Hưng Đạo ngập chìm trong nước. |
* Quy hoạch đô thị: cần thích ứng với tự nhiên
Tốc độ đô thị hóa nhanh ở các đô thị ven biển, trong đó có TP Quy Nhơn, nếu không tính toán hết các yếu tố môi trường, khí hậu, thời tiết, sẽ mang lại nhiều nguy cơ và hậu quả khó lường. Chính vì vậy, việc quy hoạch xây dựng TP Quy Nhơn theo hướng bền vững là một đòi hỏi cấp bách cần phải giải quyết.
Tháng 7.2009, UBND tỉnh đã phối hợp với Trường Đại học Kiến trúc TP Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học “Ý tưởng quy hoạch phát triển TP Quy Nhơn đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2050” với sự tham gia của nhiều giáo sư, tiến sĩ, kiến trúc sư trong và ngoài tỉnh. Tại hội thảo, nhiều tham luận được trình bày nhằm hướng đến một mô hình phát triển bền vững cho TP Quy Nhơn.
Nhắc đến sự kiện trên để thấy rằng, vấn đề quy hoạch TP Quy Nhơn đã được quan tâm từ lâu nhưng tới nay vẫn chưa có “đáp án” cuối cùng. Trước thực trạng ngập nước như hiện nay, vấn đề này càng trở nên cấp thiết. Nếu không nhìn đúng các vấn đề phát triển đô thị và thiếu giải pháp tổng hợp, mang tính chiến lược thì đô thị sẽ như một cơ thể, luôn luôn có khuyết tật. Những vấn đề nan giải của đô thị nếu chậm khắc phục sẽ là nguyên nhân gây trì trệ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của chính đô thị.
|