Thực hiện Đề án trợ giúp người tàn tật tỉnh Bình Định giai đoạn 2007-2010, Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi cùng Sở LĐ-TB&XH phối hợp với các ngành, đoàn thể, các địa phương trong tỉnh tổ chức nhiều hoạt động mang lại niềm vui và hạnh phúc cho người tàn tật nói chung và cho trẻ em tàn tật.
|
Trao xe lăn do Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam tài trợ cho trẻ em khuyết tật. Ảnh: L.A
|
Theo báo cáo của các địa phương, hiện toàn tỉnh có trên 32.000 người khuyết tật, trong đó có gần 4.000 trẻ em. Trẻ em tàn tật sống trên khắp các địa bàn trong tỉnh; trong đó, số em sống ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa do thiếu các phương tiện sinh hoạt chuyên dùng nên gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại trong cuộc sống, nhất là đi lại và giao tiếp với cộng đồng xã hội. Đời sống của đại bộ phận trẻ em khuyết tật còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Đa số không thể sống tự lập mà sống chủ yếu dựa vào người thân trong gia đình và sự cưu mang của cộng đồng xã hội.
Trong các năm qua, Hội Bảo trợ người tàn tật đã chú trọng đến công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người tàn tật nhằm góp phần giúp các ngành, các cấp, các tầng lớp nhân dân nâng cao ý thức trách nhiệm trong công tác chăm sóc người khuyết tật và trẻ em mồ côi. Hội đã phối hợp tổ chức các hoạt động thăm hỏi, tặng quà cho hàng chục ngàn người khuyết tật và trẻ mồ côi với số tiền hàng trăm triệu đồng; hỗ trợ học nghề và tạo việc làm cho hàng ngàn người; hỗ trợ kinh phí phẫu thuật mắt cho hàng trăm người mù nghèo; xây dựng hàng chục nhà tình thương cho người khuyết tật. Đặc biệt, các chi hội trực thuộc đã tổ chức giao lưu, tọa đàm, biểu diễn văn nghệ tạo ra sân chơi lành mạnh và bổ ích cho người khuyết tật và trẻ em mồ côi trong tỉnh. Các hoạt động nói trên đã động viên, khích lệ tinh thần và giúp cho người khuyết tật và trẻ mồ côi phấn đấu vượt qua số phận, vươn lên trong cuộc sống, hòa nhập cộng đồng.
Riêng trong năm 2010, Hội đã vận động xây dựng quỹ gần 2 tỉ đồng. Qua đó, tặng 80 xe lăn, trị giá 166 triệu đồng; cấp dụng cụ chỉnh hình cho 17 người trị giá 31 triệu đồng; tặng 11 chiếc xe đạp cho trẻ em mồ côi “vượt khó học giỏi”; hỗ trợ dạy văn hóa cho 70 trẻ em khiếm thính; tổ chức trao tặng 3.525 suất quà cho người tàn tật và 200 suất quà cho trẻ mồ côi, khuyết tật (trị giá 400 triệu đồng); trợ cấp đột xuất cho hàng trăm người khuyết tật gặp khó khăn, hoạn nạn với số tiền 282 triệu đồng; cấp sách vở học tập cho hàng trăm em khác với số tiền hơn 15 triệu đồng; triển khai xây dựng 8 nhà tình thương cho người khuyết tật với số tiền 128 triệu đồng...
Hội đã phối hợp với các cơ quan chức năng phẫu thuật chỉnh hình cho 139 trẻ em khuyết tật vận động (chi phí cho mỗi em gần 4 triệu đồng); cấp dụng cụ giày nẹp cho 73 em khác; phẫu thuật mắt cho 187 em (chi phí cho mỗi em 1 triệu đồng); phẫu thuật trả lại nụ cười cho 263 em sứt môi, hở hàm ếch (chi phí cho mỗi em trên 2 triệu đồng); phẫu thuật tim bẩm sinh cho 213 em (chi phí cho mỗi em từ 25 đến 40 triệu đồng). Phối hợp với Hội Trợ giúp người tàn tật Việt Nam tổ chức thực hiện Dự án “Trợ giúp người tàn tật và nạn nhân chất độc dacam/dioxin” cho 10 xã, thị trấn huyện Phù Cát. Dự án đã tác động đến hàng ngàn người khuyết tật trong vùng; xây dựng 2 Trung tâm phục hồi chức năng (PHCN) dựa vào cộng đồng, hàng ngày có trên 30 người lớn và trẻ em khuyết tật đến tập luyện. Riêng mô hình nhà bán trú xã Cát Hanh có 5 trẻ em khuyết tật được nuôi dưỡng và luyện tập PHCN; duy trì Trung tâm PHCN huyện Hoài Ân, có 80 trẻ em khuyết tật được quản lý theo dõi dinh dưỡng và luyện tập PHCN.
|