Từ xa xưa, chiếc sõng đã gắn bó mật thiết với cuộc sống của người dân vùng sông nước. Từ đó, nghề làm sõng cũng hình thành và phát triển với tên tuổi của những người thợ lành nghề…
|
Chiếc sõng đã gắn bó mật thiết với cuộc sống của người dân vùng sông nước. Ảnh: N.V.T
|
1. Theo các sách cổ, xưa, trên khắp mặt sông hồ đến ven biển khu vực Bình Định, phương tiện di chuyển của người dân rất đa dạng, từ các loại thuyền thoi, thuyền thúng, thuyền nan đến thuyền thúng chai, thuyền đi biển như thuyền giã, thuyền nan, thuyền sõng vành. Các loại thuyền ấy đáy bằng nan tre, sườn thuyền bằng gỗ… Đã có một thời, vùng cửa vạn Gò Bồi (Phước Hòa, Tuy Phước), tàu thuyền khắp nơi neo đậu trao đổi mua bán tấp nập, hình thành vùng phát triển sầm uất. Nơi đây, cũng đã hình thành nghề đóng thuyền, làm sõng. Bây giờ, hiếm khi thấy hình ảnh chiếc sõng nan trên sông... Thay vào đó là sự “thịnh hành” của chiếc sõng nhôm.
Thôn Tân Giản, xã Phước Hòa nằm trên một vùng đất thấp, cạnh dòng chảy xiết của con sông Côn. Ở đây, nhà nào ít thì có một chiếc sõng, nhiều thì hai, ba chiếc. Đó là phương tiện đi lại và kiếm sống chủ yếu của người dân. Tân Giản cũng là địa danh nổi tiếng với nghề làm sõng nhôm...
|
Anh Hoàng đang làm sõng. Ảnh: Xuân Thức
|
2. Năm nay, ông Lý Khánh Bàn đã ở tuổi lục tuần. Ông Bàn là người có tay nghề làm sõng giỏi nhất ở Tân Giản, nhưng nay sức yếu, ông chỉ đi đây đi đó tìm mối mua nhôm để làm sõng. Nghề làm sõng ông đã truyền cho con trai là Lý Khắc Hoàng. Năm nay 36 tuổi, nhưng anh Hoàng đã là tay làm sõng có tiếng với kinh nghiệm hơn mười năm trong nghề.
Anh Hoàng cho biết: Trước đây, khi vật liệu nhôm chưa được sử dụng rộng rãi, sõng làm bằng nan tre là chủ yếu. Loại sõng này nếu không được bảo quản tốt, chỉ dùng chưa đầy ba, bốn năm đã hỏng. Ngày nay, người ta chuộng sõng làm bằng nhôm. Tuổi thọ của sõng nhôm không dưới mười năm. Khi hư hỏng, chỉ cần thay vành be là có thể sử dụng tiếp.
Giá sõng phụ thuộc vào kích cỡ và chất lượng nguyên liệu làm sõng, dao động khoảng 3 - 3,5 triệu đồng/chiếc. Những sõng làm bằng nhiều mảnh nhôm ghép lại thì giá rẻ hơn so với sõng làm bằng nhôm nguyên mảnh.
Để hoàn thành một cái sõng, anh Hoàng phải mất khoảng 4 ngày. Các công đoạn chủ yếu là chuẩn bị gỗ be, mở đục lỗ vô khung. Sau đó, lấy khung làm rập lên nhôm. Tiếp theo là gò lên, vô khung thành sõng. Bước thứ tư là cắt cong 2 lá nhôm ghép lại thành một đầu mũi, ghép riêng 2 đầu mũi vào thân sõng. Các bộ phận của sõng sẽ được liên kết với nhau bằng phương pháp khoan tán ốc nhôm. Trong quá trình làm, anh Hoàng cũng tích lũy cho riêng mình những kinh nghiệm quý để tăng độ bền của sõng.
Hiện nay, sõng ở tỉnh ta có 2 loại: sõng nhíu và sõng ghép. Sõng nhíu được làm chủ yếu ở khu vực Trường Úc (thị trấn Tuy Phước, huyện Tuy Phước) dùng nhôm nguyên miếng nhíu lại thành sõng, chứ không ghép lại từ nhiều mảnh như sõng ghép ở Tân Giản. Độ bền của sõng nhíu không bằng sõng ghép, vì nhôm bị co giãn nhiều lần. “Dù làm bằng phương pháp nào, vẫn phải đảm bảo yêu cầu phân chia đều các bộ phận để sõng cân đối, khi xuống nước không có độ chênh nghiêng. Ngoài ra, còn phải đảm bảo tính thẩm mỹ, bền chắc”- anh Hoàng khẳng định.
Anh Hoàng còn nói: Ba anh là người đầu tiên của thôn Tân Giản biết làm sõng từ những năm 80 của thế kỷ trước. Dân “tay ngang” phải học hơn 1 năm mới làm được sõng, người biết nghề mộc như anh chỉ mất chừng hơn tháng. Đến nay, sõng do hai cha con anh làm được tiêu thụ khắp nơi, từ An Thái, Tân Kiều, Nhơn Lý, Nhơn Hội... ra đến Bồng Sơn, Tam Quan… Ngoài những người dân làm nghề sông nước, khách hàng của anh còn có cả Hội Chữ thập đỏ Bình Định, đặt hàng để hỗ trợ cho các địa phương vào mùa lũ. Hiện tại, anh đang chuẩn bị bắt tay vào làm sõng do UBND xã Phước Quang đặt để cấp cho các thôn cứu trợ lụt bão.
|
Sõng là phương tiện giao thông chủ yếu của người dân vào mùa mưa lũ. Ảnh: N.V.T
|
3. Lâu nay, báo chí hay nói người dân đồng bằng sông Cửu Long biết cách sống chung với lũ. Mấy năm gần đây, các vùng trũng thấp ở tỉnh ta thường xuyên bị ngập, người dân cũng bắt đầu thích ứng với cuộc sống sông nước. Không chỉ có ý thức tích trữ lương thực, thực phẩm, mà hầu như nhà nào cũng chuẩn bị một chiếc sõng để làm phương tiện di chuyển phòng khi lũ lụt xảy ra. Ngoài ra, sõng cũng là phương tiện mưu sinh của người dân vùng đầm, hồ. Chính vì nhu cầu tăng cao nên nghề làm sõng có cơ hội phát triển...
Mỗi tháng bình quân anh Hoàng làm khoảng 8 cái sõng. Từ tháng 7 âm lịch, người ta đã bắt đầu lo tìm đến cái sõng. Người đóng mới, kẻ thì sửa chữa, thay be, tân trang sõng cũ, không khí cũng sôi động lắm. Lúc cao điểm, người đặt hàng nhiều, anh Hoàng phải thuê thêm thợ để làm sõng. Anh tâm sự: “Nhìn những chiếc sõng do chính bàn tay mình làm ra ngược xuôi trên các con sông, dòng suối, tôi cũng cảm thấy tự hào. Mình là một người lao động bình thường nhưng cũng đã làm được điều gì đó để giúp người dân kiếm sống trên sông, vượt qua những mùa lũ”…
|