Kỳ họp thứ 18 HĐND tỉnh khóa X sẽ thảo luận và thông qua một số đề án quan trọng; trong đó, có Đề án chuyển đổi các trường mầm non (MN) bán công (BC), dân lập (DL) sang công lập, tư thục.
Hiện, trên địa bàn tỉnh có 186 trường MN; trong đó, có 51 trường thuộc loại hình công lập, 65 trường bán công, 58 trường dân lập và 12 trường tư thục, được phân bố đều ở các huyện, thành phố. Trung bình mỗi xã, phường, thị trấn có 1 trường.
* Trường vùng “khó” vào công lập
Theo Luật Giáo dục năm 2005, giáo dục MN trong hệ thống giáo dục quốc dân được tổ chức theo 3 loại hình công lập, DL và tư thục. Do đó, các trường MN BC trước đây nay phải chuyển đổi sang loại hình phù hợp. Ngoài ra, xuất phát từ thực tế địa phương, trong 58 trường MN DL thì hiện đã có 57 trường hoạt động như bán công (trừ Trường mẫu giáo Trung đoàn 940 huyện Phù Cát). Vì vậy, Đề án đề xuất chuyển đổi 2 loại hình BC, DL sang loại hình công lập, tư thục theo đúng điều lệ, quy chế về tổ chức và hoạt động của cấp học MN. Mục đích chuyển đổi là đảm bảo đủ trường công lập đáp ứng yêu cầu phổ cập giáo dục đối với mẫu giáo 5 tuổi và huy động 100% HS 5 tuổi đi học mẫu giáo 2 buổi/ngày; đồng thời, nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục một cách toàn diện…
|
Việc chuyển đổi các trường bán công, dân lập ở những vùng KT- XH phát triển sang tư thục sẽ giảm bớt gánh nặng kinh phí cho ngân sách tỉnh.
- Trong ảnh: Trường mầm non tư thục Hoa Sữa, TP Quy Nhơn, một trong những trường tư thục hoạt động hiệu quả. |
Theo Đề án, các trường MN BC, DL thuộc 3 huyện miền núi: Vân Canh, Vĩnh Thạnh, An Lão và các trường thuộc các xã (trừ thị trấn) của các huyện còn lại và các trường thuộc xã Phước Mỹ, phường Nhơn Bình và Nhơn Phú (TP Quy Nhơn) sẽ chuyển sang loại hình công lập. Riêng 2 trường: MN BC Quy Nhơn và MN BC Hoa Mai (TP Quy Nhơn) chuyển sang trường MN công lập tự chủ tài chính hoàn toàn để làm trường điểm của tỉnh.
Các trường BC, DL đóng ở những địa bàn KT-XH phát triển như các trường thuộc các phường còn lại của TP Quy Nhơn; các trường thuộc thị trấn, thị tứ của các huyện: Tuy Phước, An Nhơn, Tây Sơn, Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Nhơn và Hoài Ân sẽ chuyển sang tư thục.
Việc chuyển đổi được tiến hành theo 3 đợt: đợt 1 vào năm 2011, đợt 2: năm 2012 và đợt 3: năm 2013. Sau khi hoàn tất chuyển đổi, sẽ có 135 trường MN thuộc loại hình công lập (tỉ lệ 72,6%), có 50 trường tư thục (tỉ lệ 26,9%), 1 trường DL (Trường mẫu giáo Trung đoàn 940, tỉ lệ 0,5%).
* Ngân sách chi bổ sung thêm 13,8 tỉ đồng/năm
Lộ trình thực hiện việc chuyển đổi:
Đợt 1 (năm 2011): Chuyển 17 trường (5 trường BC, 12 trường DL) đóng trên địa bàn các xã đặc biệt khó khăn hoặc nhiều thôn được công nhận có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn, các trường đóng trên địa bàn các xã thuộc vùng khó khăn theo Quyết định 30 ngày 5.3.2007 của Thủ tướng Chính phủ sang công lập. Chuyển 10 trường (6 trường BC thuộc các phường của TP Quy Nhơn và 4 trường BC ở thị trấn các huyện: An Nhơn, Hoài Nhơn, Phù Cát, Phù Mỹ) sang tư thục.
Đợt 2 (năm 2012): Chuyển 41 trường (20 trường BC, 21 trường DL) đóng trên địa bàn xã có khó khăn, xã nghèo, miền núi thấp, xã ven biển, xã phường ngoại thành sang công lập; chuyển 28 trường (11 trường BC, 17 trường DL) đóng trên địa bàn thành phố, thị trấn có điều kiện KT-XH phát triển sang tư thục.
Đợt 3 (năm 2013): Chuyển 26 trường (18 trường BC, 8 trường DL) còn lại đóng trên địa bàn các xã, phường thuộc vùng đồng bằng, nông thôn, các lớp mẫu giáo rải rác (1 thôn/lớp) sang công lập. |
Tổng số trường MN, mẫu giáo DL, BC được chuyển sang công lập trong cả 3 đợt sẽ là 84 trường. Theo dự toán, kinh phí chênh lệch cần bổ sung cho các trường sau khi chuyển đổi là hơn 27,4 tỉ đồng. Nếu kinh phí cho sự nghiệp giáo dục của các huyện không đảm bảo hoạt động của các trường MN, mẫu giáo, thì tỉnh sẽ hỗ trợ kinh phí phần thiếu theo tỉ lệ 100% với 3 huyện miền núi; 50% với Hoài Ân, 30% với Tây Sơn; các huyện còn lại và TP Quy Nhơn tự đảm bảo kinh phí. Thực hiện Đề án này, ngoài khoản chi 4,4 tỉ đồng giải quyết chế độ chính sách cho các đối tượng trong biên chế tại các trường chuyển sang loại hình tư thục, ngân sách nhà nước hàng năm phải chi bổ sung khoảng 13,8 tỉ đồng để đảm bảo hoạt động cho các trường.
Theo thống kê của ngành GD-ĐT, hiện bậc giáo dục MN cả tỉnh có 302 cán bộ quản lý (189 người trong biên chế và 113 cán bộ hợp đồng), 2.174 giáo viên (428 biên chế và 1.746 hợp đồng) và 401 nhân viên (68 biên chế và 333 hợp đồng). Với các trường chuyển sang loại hình công lập, người lao động trong biên chế được giữ nguyên biên chế, hưởng mọi chế độ, chính sách theo quy định hiện hành. Người ngoài biên chế được giải quyết theo các hướng: nếu đã hợp đồng lao động tại trường từ 2 năm trở lên có đóng BHXH trước khi chuyển đổi sẽ ưu tiên xếp ngay vào biên chế, được hưởng mọi chính sách, chế độ theo quy định hiện hành. Theo Đề án, nhu cầu biên chế sự nghiệp giáo dục cần bổ sung cho các huyện, thành phố sau khi chuyển đổi là 1.236 người; trong đó, có 97 cán bộ quản lý, 957 giáo viên và 182 nhân viên.
Với các trường chuyển sang tư thục, người lao động trong biên chế sẽ được chuyển về làm việc tại các cơ sở giáo dục công lập nếu có nhu cầu tiếp nhận và được hưởng mọi quyền lợi, chế độ theo quy định hiện hành của Nhà nước. Nếu người lao động có nhu cầu chuyển khỏi biên chế và tiếp tục ký hợp đồng với nhà đầu tư tiếp nhận trường thì sẽ được giải quyết theo chế độ, chính sách hiện hành. Chủ trường tư thục ký hợp đồng thỏa thuận giữa người sử dụng lao động với người lao động theo quy định Nhà nước…
|