Vấn đề của kỳ họp thứ 18 HĐND tỉnh khóa X
20:30', 7/12/ 2010 (GMT+7)

Trong số các báo cáo giám sát của các ban HĐND được trình bày tại ngày làm việc đầu tiên của kỳ họp thứ 18 HĐND tỉnh khóa X, đáng chú ý có Báo cáo kết quả giám sát tình hình thực hiện Đề án phát triển KT-XH nhằm giảm nghèo nhanh và bền vững của huyện Vĩnh Thạnh, Vân Canh, An Lão của Ban Dân tộc và Báo cáo giám sát công tác xã hội hóa trong hoạt động khám, chữa bệnh và bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn tỉnh của Ban Văn hóa – Xã hội.

 

Quang cảnh kỳ họp.

 

ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN KT-XH NHẰM GIẢM NGHÈO NHANH VÀ  BỀN VỮNG 3 HUYỆN MIỀN NÚI:

Từng bước xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống nhân dân

Theo đánh giá của Ban Dân tộc HĐND tỉnh tại kỳ họp, việc triển khai thực hiện chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ trên địa bàn các huyện nghèo trong thời gian qua của UBND tỉnh là đúng quy định của Chính phủ, hướng dẫn của các bộ, ngành liên quan và phù hợp với đặc điểm KT-XH địa phương.

Trên cơ sở nguồn kinh phí được phân bổ, UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND các huyện ưu tiên tập trung thực hiện một số chính sách nhằm giải quyết kịp thời những khó khăn, bức xúc của người dân như: chính sách hỗ trợ người nghèo về nhà ở; một số chính sách thuộc hợp phần hỗ trợ sản xuất; đầu tư phát triển hạ tầng KT-XH; đào tạo nghề, nhất là đào tạo nghề đối với lao động nông thôn và lao động xuất khẩu.

 

Đào tạo nghề may cho thanh niên người dân tộc thiểu số ở Vân Canh. Ảnh: N.Phúc

 

Về công tác xây dựng cơ sở hạ tầng, với kinh phí được phân bổ mỗi huyện 20 tỉ đồng, huyện Vĩnh Thạnh được đầu tư xây dựng 34 hạng mục công trình; Vân Canh được đầu tư xây dựng 24 hạng mục công trình; huyện An Lão được đầu tư xây dựng 12 hạng mục công trình. Tính đến cuối tháng 10.2010, Vĩnh Thạnh đã giải ngân thanh toán 15,24 tỉ đồng, đạt 76,21% kế hoạch; Vân Canh mới giải ngân thanh toán 10,99%, đạt 50,92% kế hoạch; An Lão cũng chỉ mới giải ngân thanh toán 10,21 tỉ đồng, đạt 51% kế hoạch. Các huyện Vân Canh, An Lão tiến độ thi công một số công trình hạng mục chậm so với kế hoạch.

Về hỗ trợ phát triển sản xuất, Vĩnh Thạnh được phân bổ 4.880 triệu đồng, Vân Canh 5.070 triệu đồng, An Lão 4.589,9 triệu đồng. Số tiền này, các huyện dùng hỗ trợ cho dân về giống cây trồng, vật nuôi; xây dựng mô hình sản xuất; xây dựng chuồng trại; nuôi trồng thủy sản; đo đạc giao đất; quy hoạch sản xuất nông- lâm - ngư - nghiệp; trợ cấp khuyến nông cơ sở; tập huấn chuyển giao tiến bộ KHKT; hỗ trợ học nghề, trợ giúp pháp lý; hỗ trợ giáo viên mẫu giáo; tổ chức đào tạo cán bộ quản lý cơ sở… Tuy nhiên, các địa phương gặp khó khăn trong xây dựng dự toán vì chưa có hướng dẫn cụ thể, chi tiết về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, tiêu chí hỗ trợ và định mức kinh tế - kỹ thuật.

Qua rà soát, toàn huyện Vĩnh Thạnh còn 3.059 hộ nghèo với 10.796 nhân khẩu, chiếm tỉ lệ 39%, giảm 2,03% so với năm 2008; huyện Vân Canh còn 2.568 hộ nghèo với 8.622 nhân khẩu, chiếm 38,37%, giảm 1,97% so với năm 2008; huyện An Lão còn 2.438 hộ nghèo với 8.912 nhân khẩu, chiếm 35,23%, giảm 4,98% so với năm 2008.

Về công tác dạy nghề và xuất khẩu lao động, ở Vĩnh Thạnh đã tổ chức dạy nghề cho 370 lao động (có 270 lao động là người dân tộc thiểu số); đã đào tạo và tuyển chọn được 21 lao động đủ điều kiện đi xuất khẩu lao động tại thị trường Malaysia trong năm 2010. Ở Vân Canh cũng đã tổ chức dạy nghề cho 155 lao động (có 48 lao động là người dân tộc thiểu số); tuyển chọn 23 lao động đủ điều kiện đi xuất khẩu lao động. Với huyện An Lão, việc tổ chức dạy nghề đã giúp 135 lao động (có 36 lao động là người dân tộc thiểu số) có nghề và tuyển chọn được 37 lao động đủ điều kiện đi lao động xuất khẩu.

Công tác đào tạo, xuất khẩu lao động gặp nhiều khó khăn. Theo kế hoạch năm 2010, các huyện An Lão, Vĩnh Thạnh sẽ đưa 150 lao động đi xuất khẩu, huyện Vân Canh đưa 120 lao động đi xuất khẩu, tuy nhiên khoảng cách giữa thực tế và chỉ tiêu đặt ra còn quá xa. Số lao động đưa đi xuất khẩu đạt thấp so với kế hoạch là do các doanh nghiệp được Cục Quản lý lao động nước ngoài về tuyển chọn lao động xuất khẩu mới triển khai tới cấp huyện, còn việc tư vấn, tuyển chọn người đi xuất khẩu lao động thì khoán trắng cho cấp huyện và xã.

Riêng với chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định 167/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ được thực hiện khá tốt. Cả 3 huyện đã có 1.989 hộ nghèo được hỗ trợ nhà ở với kinh phí trên 72,554 tỉ đồng, đạt 100% kế hoạch. Ngoài ra, các hộ nghèo ở cả 3 huyện cũng đã được hỗ trợ mua bảo hiểm y tế, được vay vốn ưu đãi…

Sau gần 2 năm thực hiện Đề án phát triển KT-XH nhằm giảm nghèo nhanh và bền vững, 3 huyện miền núi ở tỉnh ta đã đạt được một số kết quả quan trọng bước đầu; từng bước xóa đói, giảm nghèo, cải thiện đời sống nhân dân một cách bền vững, nhất là đối với các xã vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án, UBND tỉnh, Ban chỉ đạo tỉnh cần tăng cường chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc; các ngành liên quan tiếp tục hướng dẫn các huyện nghèo thực hiện có hiệu quả các chính sách thuộc Chương trình, nhất là Hợp phần hỗ trợ phát triển sản xuất cho hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số; Sở Nội vụ phối hợp với Tỉnh Đoàn tổ chức xây dựng đề án nâng cao năng lực cho cán bộ cơ sở, đưa đội ngũ thanh niên trí thức trẻ về công tác tại các huyện nghèo…

  • Quang Khanh

 

 

XÃ HỘI HÓA KHÁM CHỮA BỆNH VÀ BẢO VỆ, CHĂM SÓC SỨC KHỎE NHÂN DÂN:

Huy động các nguồn lực xã hội cho y tế

Sự đầu tư đúng hướng của Nhà nước cùng với tác động tích cực của công tác xã hội hóa (XHH) y tế đã tạo tiền đề cho ngành Y tế tỉnh có bước phát triển mới. Tuy nhiên, nhiều hạn chế, bất cập cũng đã nảy sinh từ cơ chế quản lý XHH y tế…

 

XHH y tế đã giúp các bệnh viện công có thêm nhiều nguồn kinh phí để đầu tư cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng, mua sắm bổ sung trang thiết bị. Ảnh: T.H

 

* Nhiều mô hình xã hội hóa

Báo cáo giám sát công tác XHH y tế trên địa bàn tỉnh từ năm 2008 đến 2010, do Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh thực hiện tháng 11.2010 cho thấy, công tác y tế dự phòng từ tỉnh đến xã khá đồng bộ, được nhân dân hưởng ứng tích cực. Đối với hoạt động khám chữa bệnh (KCB), XHH đã mang lại một luồng sinh khí mới. Các bệnh viện và một số phòng khám đa khoa khu vực đã được đầu tư cải tạo, nâng cấp, mua sắm bổ sung thiết bị bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Một số trạm y tế xã ở vùng khó khăn được đầu tư xây dựng mới. Mạng lưới KCB ngoài công lập đang trên đà phát triển.

Song song với sự đầu tư của Nhà nước, việc khai thác các nguồn lực xã hội để đầu tư cho y tế cũng được khuyến khích dưới nhiều hình thức, như: liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân; huy động vốn góp của cán bộ nhân viên và quỹ phúc lợi của các đơn vị nhằm hiện đại hóa bệnh viện. Theo thống kê của Sở Y tế, tổng nguồn vốn huy động mua sắm trang thiết bị y tế trong tỉnh đến nay là 106 tỉ đồng, các thiết bị y tế viện trợ là 77 tỉ đồng. Ngoài ra, một số cơ sở y tế đã chủ động tranh thủ các nguồn tài trợ trang thiết bị từ các tổ chức y tế nước ngoài.

Công tác XHH cũng đã góp phần đẩy mạnh hoạt động khoa học và nghiệp vụ, củng cố đội ngũ y tế. Đội ngũ bác sĩ tiếp cận với các phương tiện kỹ thuật hiện đại, nâng cao tay nghề, đồng thời phát hiện và chẩn đoán bệnh chính xác.

* Tính thêm bài toán quản lý và nhân lực

Bên cạnh những thuận lợi, tình trạng quá tải bệnh viện vẫn là vấn đề bức xúc của ngành Y tế tỉnh. Mặt khác, bài toán nguồn nhân lực hiện cũng là vấn đề lớn của ngành. Các bệnh viện đang trong tình trạng thiếu nhân lực, đặc biệt là bác sĩ và kỹ thuật viên gây mê.

Báo cáo giám sát của HĐND tỉnh cũng cho thấy, việc huy động nguồn vốn ngoài ngân sách để đầu tư cho y tế còn thiếu năng động và chưa phát huy hiệu quả. Xung quanh việc góp vốn mua máy móc KCB và cơ chế sử dụng còn nảy sinh tình trạng “nhập nhằng” dịch vụ công - tư, lạm dụng thuốc và các xét nghiệm không cần thiết.

Qua đợt giám sát, các giải pháp nâng cao hiệu quả của công tác XHH y tế đặt ra lúc này là Trung ương cần có cơ chế, chính sách phù hợp, chuyển hướng từ đầu tư trực tiếp của Nhà nước cho cơ sở KCB sang đầu tư trực tiếp cho người thụ hưởng; xác định nguyên tắc về thực hiện liên doanh, liên kết tại các bệnh viện công cho phù hợp với cơ chế thị trường. Bộ Y tế cần sớm ban hành quy định giá viện phí mới thay cho khung giá viện phí hiện hành, rà soát, xây dựng danh mục những hoạt động không được phép XHH trong bệnh viện công.

Mặt khác, cần xem xét nâng mức chi mua thẻ BHYT cho người nghèo; tăng cường công tác chỉ đạo và quản lý Nhà nước về XHH y tế; xây dựng và ban hành các chính sách hỗ trợ, khuyến khích đối với cơ sở có thực hiện XHH, đặc biệt ưu tiên cho bệnh viện tư nhân được vay vốn ưu đãi để xây dựng và nâng cấp cơ sở điều trị…

  • Thu Hiền
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Giải cứu, đưa lao động về quê  (07/12/2010)
Hết lòng vì dân  (07/12/2010)
Tấm lòng một cô giáo   (06/12/2010)
“Vào công”, “ra tư ” thế nào?  (06/12/2010)
Một năm tăng trưởng khá   (06/12/2010)
Sáng mai, khai mạc Kỳ họp thứ 18 HĐND tỉnh - khóa X   (06/12/2010)
Tiếp tục cứu trợ đồng bào vùng lũ  (06/12/2010)
Sơ kết 5 năm công tác Thanh tra nhân dân và Giám sát đầu tư của cộng đồng  (06/12/2010)
Triển khai nhiều biện pháp đồng bộ  (05/12/2010)
Tặng quà hỗ trợ người nghèo, đồng bào vùng lũ  (05/12/2010)
46,1% số người hưởng lương từ NSNN nhận lương qua tài khoản  (05/12/2010)
65 NĂM QUỐC HỘI VIỆT NAM  (05/12/2010)
TỪ ĐẠI HỘI ĐẾN ĐẠI HỘI  (05/12/2010)
Những chuyển biến bước đầu  (05/12/2010)
Nghề làm sõng  (04/12/2010)