Phòng chống HIV/AIDS cho ngư dân:
Nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi phòng, chống lây nhiễm là việc làm cấp thiết
15:53', 8/12/ 2010 (GMT+7)

Tại buổi tổng kết Giải thưởng Ngày sáng tạo phòng, chống HIV/AIDS Việt Nam năm 2010, được tổ chức sáng 3.12 tại Hà Nội, Đề án “Truyền thông, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi phòng chống lây nhiễm HIV/AIDS cho ngư dân và hội viên phụ nữ 16 xã vùng ven biển tỉnh Bình Định”, do bà Nguyễn Thị Hiền, Trưởng Ban Tuyên giáo Hội LHPN tỉnh thực hiện, đã được trao giải Xuất sắc. Nhân dịp này, PV Báo Bình Định đã phỏng vấn bà Nguyễn Thị Hiền xung quanh việc thực hiện Đề án này.

 

Bà Nguyễn Thị Hiền đang thuyết trình Đề án.

 

- Xin bà cho biết xuất phát từ đâu mà bà có ý tưởng thực hiện Đề án này và mục tiêu cụ thể của Đề án ?

+ Bình Định hiện có 31/159 xã, phường thuộc tuyến biển với dân số gần 200.000 người. Nhóm nam ngư dân đánh bắt xa bờ (có khoảng 20.000 người) thường xuyên xa nhà hàng tháng, dễ xảy ra khả năng quan hệ tình dục không an toàn với gái mại dâm. Hầu hết những ngư dân này đã có gia đình, khả năng mắc bệnh và lây nhiễm HIV rất cao. Trong khi đó, tình hình kinh tế của người dân vùng ven biển còn khó khăn, ít có điều kiện tiếp cận thông tin. Do vậy việc truyền thông nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi cho nhóm đối tượng trên và vợ con của họ là hết sức cấp thiết.

Thời gian qua, Hội LHPN tỉnh đã chú trọng đến công tác truyền thông phòng chống HIV/AIDS, song do hạn chế về kinh phí nên chưa triển khai sâu rộng đến các địa bàn dân cư. Khi nhận được thông tin về Cuộc thi Ngày sáng tạo phòng, chống HIV/AIDS Việt Nam năm 2010, tôi đã nghĩ ngay đến việc lập một đề án nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi thái độ, hành vi của cộng đồng ngư dân nói chung và hội viên, phụ nữ nói riêng ở vùng ven biển tỉnh Bình Định về cuộc chiến phòng chống lây nhiễm HIV/AIDS.

Đề án này sẽ hướng đến mục tiêu cung cấp các kiến thức về phòng, tránh lây nhiễm HIV/AIDS; các kỹ năng sống lành mạnh cho các đối tượng có nguy cơ cao, đặc biệt cho phụ nữ sống ven biển có chồng, con là ngư dân thường xuyên tham gia đánh bắt hải sản xa bờ, làm nghề vận chuyển thường xuyên xa nhà. Mặt khác, sẽ đào tạo các kiến thức, kỹ năng truyền thông cho nhóm cộng tác viên, tuyên truyền cộng đồng để trực tiếp hướng dẫn đối tượng đích về phòng chống lây nhiễm HIV đó là điều cần thiết duy trì phát triển bề vững về phòng chống HIV/AIDS trên địa bàn, cả sau khi dự án kết thúc. Ngoài ra, còn cung cấp các kiến thức, dịch vụ, kỹ năng giúp cộng đồng chống kỳ thị đối với người nhiễm HIV/AIDS, tạo cơ hội để bệnh nhân HIV/AIDS hoà nhập cộng đồng.

- Bà có thể giới thiệu một số nét chính về Đề án?

+ Đề án “Truyền thông nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi phòng chống lây nhiễm HIV/AIDS cho ngư dân và hội viên phụ nữ 16 xã vùng ven biển tỉnh Bình Định” sẽ được Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh triển khai ở 16 xã, ven biển thuộc 3 huyện Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Phù Cát Bình Định. Ước tính tổng kinh phí đề án là 424 triệu đồng, trong đó, kinh phí giải thưởng cuộc thi Ngày sáng tạo phòng chống HIV/AIDS Việt Nam là hơn 206 triệu đồng, phần còn lại là kinh phí đối ứng của địa phương.

Trong năm 2011 sẽ diễn ra các hoạt động của đề án: xây dựng đội ngũ tình nguyện viên khoảng từ 375 - 400 người ở 16 xã vùng ven biển; tổ chức các khoá đào tạo, tập huấn cho cộng tác viên, tuyên truyền viên, tình nguyện viên cộng đồng; tổ chức các hoạt động truyền thông tại cộng đồng cung cấp các kiến thức, kỹ năng sống lành mạnh, kiến thức các con đường lây truyền HIV, cung cấp các dịch vụ, tài liệu, thông tin, thông điệp, họp nhóm đối tượng đích 3 tháng/lần; hoạt động câu lạc bộ, tư vấn, trợ giúp, nâng cao kỹ năng phòng ngừa lây truyền HIV; hội thi tuyên truyền viên giỏi phòng chống HIV/AIDS.

- Thời gian thực hiện Đề án chỉ gói gọn trong năm 2011, trong khi truyền thông phòng chống HIV/AIDS là một quá trình lâu dài. Theo bà, khả năng nhân rộng mô hình như thế nào? 

+ Đối tượng hưởng lợi của Đề án là ngư dân, vợ của ngư dân, phụ nữ từ 15-49 tuổi và cộng đồng dân cư thuộc 16 xã vùng ven biển tỉnh. Trong suốt 1 năm thực hiện, các hoạt động của Đề án sẽ tác động trực tiếp, giúp đối tượng từng bước nâng cao nhận thức, dần chuyển đổi hành vi, thông qua dự các buổi sinh hoạt  nhóm, sinh hoạt các câu lạc bộ, các buổi tuyên truyền, tài liệu có hình ảnh trực quan sinh động gắn với thăm hộ gia đình tác động trực tiếp của tuyên truyền viên tới đối tượng đích.

Điểm sáng tạo của Đề án là các hoạt động đều có kế hoạch chi tiết, rõ ràng, phân tích, nắm được nhóm đối tượng có nguy cơ cao để có cách tiếp cận riêng phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý của họ. Đồng thời, tiêu chí lựa chọn đội ngũ tuyên truyền đảm bảo là người có kiến thức về phòng, ngừa lây nhiễm HIV, có uy tín trong cộng đồng, là người luôn tiên phong có tâm huyết ngăn ngừa không để HIV lây lan trong cộng đồng.

Rõ ràng, truyền thông nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi là một quá trình liên tục, lâu dài với phương châm “mưa dầm thấm lâu”. Chúng tôi tin rằng, việc triển khai Đề án là tiền đề để địa phương có điều kiện duy trì và nhân rộng hoạt động truyền thông. Với nhiều hoạt động phòng chống HIV/AIDS bao gồm cả đào tạo, cuộc thi và tuyên truyền về phòng chống HIV/AIDS, thành lập các nhóm tuyên truyền tự nguyện, sự kết hợp của chương trình HIV/AIDS với các hoạt động truyền thông khác của Hội LHPN, việc thực hiện Đề án này là một kinh nghiệm quý giá để nhân rộng sang các huyện khác trong tỉnh.

Về lâu dài, đơn vị thực hiện Đề án sẽ dựa nguồn lực tại chỗ cùng các chương trình mục tiêu quốc gia tiếp tục đầu tư về cơ sở vật chất (mỗi xã có một nhà truyền thông, phòng đọc sách có trang bị thiết bị truyền thông máy truyền thông, micrô, âm ly, loa và một số tài liệu và vật dụng khác…) để khi có nhu cầu, cộng đồng sẽ đến chia sẻ thông tin và tìm hiểu qua tài liệu kiến thức phòng chống lây truyền HIV.

+ Xin cảm ơn bà.

Ngày 3.12, Bộ Y tế đã tổ chức Lễ trao giải Ngày Sáng tạo phòng, chống HIV/AIDS Việt Nam năm 2010. Với chủ đề “Sáng kiến cộng đồng ngăn chặn AIDS”, cuộc thi Ngày Sáng tạo phòng, chống HIV/AIDS Việt Nam năm 2010 đã nhận được sự hưởng ứng, tham gia của nhiều thành phần tác giả khác nhau như đại diện các cơ quan nhà nước, các tổ chức kinh tế-xã hội, các đoàn thể, các em học sinh, sinh viên, cá nhân người nhiễm HIV/AIDS… với gần 200 đề án và bài viết gửi về. Từ tiêu chí bắt buộc của các đề án là phải có ý tưởng sáng tạo, các giải pháp mới trong phòng, chống HIVAIDS, có tính khả thi trên thực thế, huy động được sự tham gia của cộng đồng... Ban giám khảo đã thống nhất trao giải thưởng chính thức cho 30 đề án và giải ý tưởng sáng tạo cho 10 đề án. 30 đề án đoạt giải sẽ được triển khai trong thực tiễn với sự hỗ trợ về kinh phí của các bộ ngành, địa phương và các nhà tài trợ quốc tế.

  • NGUYỄN VĂN TRANG (Thực hiện)
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Tặng quà hỗ trợ người nghèo, người dân vùng lũ  (07/12/2010)
Vấn đề của kỳ họp thứ 18 HĐND tỉnh khóa X  (07/12/2010)
Giải cứu, đưa lao động về quê  (07/12/2010)
Hết lòng vì dân  (07/12/2010)
Tấm lòng một cô giáo   (06/12/2010)
“Vào công”, “ra tư ” thế nào?  (06/12/2010)
Một năm tăng trưởng khá   (06/12/2010)
Sáng mai, khai mạc Kỳ họp thứ 18 HĐND tỉnh - khóa X   (06/12/2010)
Tiếp tục cứu trợ đồng bào vùng lũ  (06/12/2010)
Sơ kết 5 năm công tác Thanh tra nhân dân và Giám sát đầu tư của cộng đồng  (06/12/2010)
Triển khai nhiều biện pháp đồng bộ  (05/12/2010)
Tặng quà hỗ trợ người nghèo, đồng bào vùng lũ  (05/12/2010)
46,1% số người hưởng lương từ NSNN nhận lương qua tài khoản  (05/12/2010)
65 NĂM QUỐC HỘI VIỆT NAM  (05/12/2010)
TỪ ĐẠI HỘI ĐẾN ĐẠI HỘI  (05/12/2010)