KHOÁN ĐỊNH SUẤT BHYT:
Không còn âm quỹ!
18:46', 8/12/ 2010 (GMT+7)

Sau gần 1 năm triển khai thí điểm khoán định suất bảo hiểm y tế (BHYT) cho 9 bệnh viện, thống kê sơ bộ của cơ quan Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh cho thấy, tình trạng âm quỹ đã giảm đến mức tối thiểu, thậm chí nhiều đơn vị đã có kết dư.

 

Sau một năm thí điểm phương thức khoán định suất BHYT, nhiều bệnh viện đã có kết dư quỹ BHYT.

- Trong ảnh: Phẫu thuật mắt bằng kỹ thuật phaco.

 

 

* Nhiều bệnh viện kết dư quỹ

Mức khoán dựa trên chi phí khám chữa bệnh (KCB) trung bình cho một bệnh nhân BHYT trong năm trước nhân với số thẻ đăng ký khám chữa bệnh (KCB) ban đầu tại cơ sở điều trị trong năm hiện tại. Số tiền này là cố định cho từng bệnh viện.

Theo báo cáo sơ bộ của cơ quan BHXH, chi phí KCB BHYT trong 9 tháng thực hiện khoán định suất cho thấy: trong 9 bệnh viện, chỉ có 3 bệnh viện vượt quỹ, nhiều nhất là Bệnh viện đa khoa tỉnh: hơn 3,5 tỉ đồng, Bệnh viện đa khoa TP Quy Nhơn: 1,5 tỉ đồng và Bệnh viện đa khoa khu vực Phú Phong: 3,5 triệu đồng. Các bệnh viện còn lại đã kết dư quỹ từ vài trăm triệu đến 5 tỉ đồng. Tính tổng số dư của 9 cơ sở khoán định suất là 8,4 tỉ đồng (trong đó chi phí ngoài định suất là 1,4 tỉ đồng), đạt tỉ lệ 93%. Như vậy, sau nhiều năm Bình Định được liệt vào danh sách tỉnh, thành bội chi quỹ lớn nhất của cả nước, thì ngay lần thí điểm khoán định suất BHYT đầu tiên, Bình Định đã có kết dư.

Cơ quan BHXH tỉnh đánh giá, chất lượng KCB BHYT đã được nâng cao rõ rệt thông qua việc tần suất KCB tăng cao nhưng chưa xảy ra sai sót, tai biến trong điều trị BHYT. Số ngày điều trị bình quân giảm, cơ cấu tỉ lệ chi phí KCB nội trú và ngoại trú hợp lý hơn. Những cơ sở KCB tuyến tỉnh và thành phố có triển khai các dịch vụ kỹ thuật mới, chi phí cao thì chi phí KCB cao hơn các cơ sở khác là hợp lý, như Bệnh viện đa khoa tỉnh, Bệnh viện đa khoa TP Quy Nhơn. Chi phí bình quân KCB ngoại, nội trú phù hợp với chi phí bình quân của các tỉnh khác trong khu vực.

 

Khoán định suất BHYT sẽ hạn chế tình trạng lạm dụng kỹ thuật cao khi không cần thiết (ảnh minh họa).

 

* Còn nhiều băn khoăn

Theo hướng dẫn thực hiện Luật BHYT thì hình thức khoán định suất bắt buộc phải thực hiện tại các đơn vị theo lộ trình từ nay đến năm 2014. Một lãnh đạo bệnh viện cho biết, ưu điểm của khoán định suất là các cơ sở y tế được giao quyền tự chủ. Để không vượt quỹ BHYT, bắt buộc các cơ sở phải nâng cao chất lượng KCB, tăng cường thái độ phục vụ người bệnh. có vậy thì số lượng thẻ BHYT đăng ký tại cơ sở mới cao. phương thức thanh toán này cũng hạn chế được tình trạng lạm dụng quỹ BHYT (đặc biệt là lạm dụng thuốc và dịch vụ cận lâm sàng). bên cạnh đó, các cơ sở KCB phải nâng cao chất lượng chuyên môn để tránh tình trạng chuyển viện không cần thiết, gây quá tải cho tuyến trên. Điều này có nghĩa là trách nhiệm của cơ sở KCB với bệnh nhân sẽ cao hơn.

Phương thức khoán định suất hiện đang được áp dụng thí điểm tại 9 bệnh viện: Bệnh viện đa khoa tỉnh, Bệnh viện đa khoa khu vực Phú Phong, Bệnh viện đa khoa khu vực Bồng Sơn, Bệnh viện đa khoa Hòa Bình, Trung tâm Y tế TP Quy Nhơn và Trung tâm Y tế các huyện: An Nhơn, Phù Cát, Phù Mỹ, Vĩnh Thạnh.

Như vậy, với phương thức khoán này, các bệnh viện phải chủ động sử dụng phần kinh phí BHYT được khoán sao cho không vượt quá định mức. Để thực hiện tốt phương thức này, các bệnh viện phải chấn chỉnh một loạt vấn đề về năng lực quản lý quỹ; giáo dục tinh thần trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ y tế; chống tình trạng làm dụng quỹ để kê đơn, chỉ định xét nghiệm và dùng kỹ thuật cao khi không cần thiết; làm tốt công tác đấu thầu thuốc chữa bệnh và vật tư y tế để có được thuốc giá rẻ phục vụ nhân dân.

Khoán định suất KCB BHYT được cơ quan BHXH xem là một giải pháp tốt trong giai đoạn hiện nay và tương lai để đảm bảo an toàn quỹ và tăng cường chất lượng KCB. Song nhiều ý kiến cho rằng, nguồn kinh phí được cấp là một con số “cứng”, buộc bệnh viện phải tính toán chi tiêu sao cho gói gọn trong chừng ấy tiền. Nếu có quá nhiều bệnh nhân đến khám, bác sĩ sẽ buộc phải hạn chế quyền lợi của người bệnh.

Thực tế triển khai năm 2010 cũng đã xuất hiện tình trạng này. Một số cơ sở KCB đã chi phí bình quân ngoại trú và nội trú thấp, gây thắc mắc cho người bệnh BHYT. Nhiều ý kiến của bệnh nhân phản ảnh cơ sở y tế không chịu chuyển bệnh nhân lên tuyến trên. Để tránh vượt trần, có cơ sở KCB còn “lách” bằng cách tách làm 2 hồ sơ, bệnh án của một bệnh nhân trong một đợt điều trị có chi phí lớn thành 2 đợt điều trị…

  • Đoàn Nguyên
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Sẽ phát động Tháng bán hàng khuyến mãi, giảm giá  (08/12/2010)
Nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi phòng, chống lây nhiễm là việc làm cấp thiết  (08/12/2010)
Tặng quà hỗ trợ người nghèo, người dân vùng lũ  (07/12/2010)
Vấn đề của kỳ họp thứ 18 HĐND tỉnh khóa X  (07/12/2010)
Giải cứu, đưa lao động về quê  (07/12/2010)
Hết lòng vì dân  (07/12/2010)
Tấm lòng một cô giáo   (06/12/2010)
“Vào công”, “ra tư ” thế nào?  (06/12/2010)
Một năm tăng trưởng khá   (06/12/2010)
Sáng mai, khai mạc Kỳ họp thứ 18 HĐND tỉnh - khóa X   (06/12/2010)
Tiếp tục cứu trợ đồng bào vùng lũ  (06/12/2010)
Sơ kết 5 năm công tác Thanh tra nhân dân và Giám sát đầu tư của cộng đồng  (06/12/2010)
Triển khai nhiều biện pháp đồng bộ  (05/12/2010)
Tặng quà hỗ trợ người nghèo, đồng bào vùng lũ  (05/12/2010)
46,1% số người hưởng lương từ NSNN nhận lương qua tài khoản  (05/12/2010)