Trong phiên họp ngày 8.12 Kỳ họp thứ 18, HĐND tỉnh khóa X, các đại biểu (ĐB) HĐND tỉnh đã dành cả ngày để thảo luận tại tổ. Các vấn đề được đại biểu quan tâm phân tích, đánh giá, thảo luận nhiều là: tình hình kinh tế - xã hội năm 2010 và phương hướng, giải pháp năm 2011; các vấn đề văn hóa - xã hội, nhất là giáo dục.
* Đầu tư hơn cho nông nghiệp, công nghiệp cần đi vào chiều sâu
Năm 2010 được đánh giá là năm kinh tế tỉnh ta tăng trưởng toàn diện và ở mức khá, với 13/16 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, theo nhiều ĐB, trong nhận xét, đánh giá tình hình, vẫn còn một số vấn đề cần phân tích và nhìn nhận kỹ hơn.
|
Các đại biểu HĐND tỉnh thảo luận tại tổ. Ảnh: Văn Lưu |
Trên lĩnh vực nông nghiệp, ĐB La Văn Tám (An Nhơn), ĐB Võ Kỳ Nam (Tây Sơn) và ĐB Lê Thanh Long (Tuy Phước) cho rằng, tỉnh cần quan tâm đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn tương xứng so với các ngành khác, nhất là trên các mặt: bê tông hóa kênh mương nội đồng; tìm giải pháp tăng năng suất, giảm lao động; chủ động lai tạo nguồn giống cây trồng có chất lượng cao tại chỗ; hỗ trợ các mô hình chuyển đổi cây trồng, vật nuôi; triển khai chủ trương cho nông dân vay vốn sản xuất theo quy định của Trung ương...
Việc đánh giá đúng mức về kinh tế tập thể, nhất là kinh tế hợp tác xã và hỗ trợ để kinh tế hợp tác xã phát triển, cũng được các ĐB La Văn Tám, Nguyễn Thị Việt Hoa (Tây Sơn) đặt ra.
Về phát triển công nghiệp, theo ĐB Nguyễn An Điềm (Phù Cát), lâu nay, nền công nghiệp của tỉnh chỉ phụ thuộc vào các lĩnh vực chế biến gỗ, đá; hiện nay có thêm lĩnh vực may mặc, đã góp phần làm tăng thêm giá trị sản xuất công nghiệp, giải quyết việc làm cho nhiều lao động. Tuy nhiên, các dự án này vẫn chưa có tính đột phá, lâu dài. Đặt yêu cầu cao hơn, ĐB Lê Thanh Long nhấn mạnh, các KCN đã hoạt động lâu như KCN Phú Tài, KCN Long Mỹ cần đi vào chiều sâu, với sự phát triển của những ngành công nghệ cao, chứ không nên giữ mãi những ngành hàng truyền thống; đồng thời, cần khắc phục tình trạng cơ sở hạ tầng của các KCN đang xuống cấp.
Riêng với KKT Nhơn Hội, những vấn đề liên quan vốn được đặt ra từ các kỳ họp trước vẫn được nhiều ĐB tiếp tục nêu như: Tiến độ xây dựng cơ sở hạ tầng và xử lý môi trường chậm, giá cho thuê mặt bằng của nhà đầu tư quá cao dẫn đến thu hút nhà đầu tư chậm, trong khi chủ đầu tư hạ tầng lại giữ đất để tiếp tục khai thác titan; tỉnh chủ trương cho phép doanh nghiệp khai thác cát tại đây, trong khi trước đó, đã có văn bản cấm là những vấn đề được nhiều ĐB đặt ra và đề nghị có hướng giải quyết.
ĐB Hoàng Đồng (Tuy Phước): Chúng ta đánh giá kinh tế năm 2010 tăng trưởng, tổng sản phẩm địa phương (GDP) cả năm ước tăng 11,03% là có định lượng, nhưng đánh giá đời sống người dân lại không có định lượng cụ thể, chỉ nói chung là được cải thiện. Kinh tế tăng trưởng thì đời sống nhân dân phải phát triển, nhưng trong thực tế, nông dân gặp nhiều khó khăn vì năm nay xảy ra nhiều thiên tai; đời sống công nhân thì vất vả, khổ cực; viên chức thì chỉ hưởng lương theo quy định, trong khi chỉ số giá tiêu dùng thì liên tục tăng. Quy luật phát triển của xã hội là ngày càng đi lên; vì thế, cần làm rõ sự tác động, lãnh đạo của Đảng bộ, chính quyền trong việc đưa đời sống nhân dân đi lên. Cần đánh giá sự phát triển này trên thực tiễn. |
ĐB Nguyễn Thị Việt Hoa nêu ví dụ: “Chỉ riêng kinh phí xây dựng đường trục KKT Nhơn Hội đã xấp xỉ 400 tỉ đồng, hiệu quả thu hút doanh nghiệp chưa thấy đâu mà nay đường đã xuống cấp; chi phí duy tu, bảo dưỡng 1,1 tỉ đồng/năm, nhưng chỉ để... nạo vét cát”. ĐB Chế Trường (Hoài Nhơn) đề nghị tỉnh cần mời các chuyên gia và thành lập một đoàn kiểm tra, đánh giá về hiệu quả đầu tư của KKT nói chung, cũng như từng phân khu nói riêng. Nếu dự án là đúng thì tiếp tục đầu tư hoàn chỉnh để kêu gọi doanh nghiệp; nếu không, phải mạnh dạn điều chỉnh lại quy hoạch ban đầu.
Về xây dựng, ĐB Nguyễn Thị Việt Hoa bức xúc với việc doanh nghiệp thuê đất chậm nộp tiền, rồi tình trạng chiếm dụng tiền thuê đất. Nguyên nhân chủ yếu là việc triển khai bồi thường, giải tỏa và tái định cư ở một số dự án chưa đồng bộ. Bên cạnh đó, cũng do một số nhà thầu có năng lực yếu, thi công không đạt tiến độ đề ra; chủ đầu tư lại thiếu đôn đốc, “khoán trắng” cho các đơn vị tư vấn, mà chưa phối hợp chặt chẽ và chỉ đạo kiên quyết đối với nhà thầu trong quá trình thi công... dẫn đến tiến độ giải ngân chậm.
ĐB Chế Trường (Hoài Nhơn) cho rằng, chính sách cho thuê đất dài hạn 50 năm hiện đang thực hiện không phát huy hiệu quả. Đặc biệt, ở những khu đất “vàng”, nếu cho đấu giá rộng rãi thì sẽ đem lại nguồn thu lớn cho ngân sách tỉnh. Tình trạng các nhà đầu tư giữ đất rồi... để đó cũng là một vấn đề đáng quan tâm.
* “Nóng” với các đề án giáo dục
Trên lĩnh vực văn hóa - xã hội, liên quan đến các đề án, tờ trình, 2 đề án: Chuyển đổi các trường THPT bán công sang công lập, tư thục và Chuyển đổi các trường mầm non bán công, dân lập sang công lập, tư thục được các ĐB quan tâm thảo luận nhiều.
Nhiều ĐB có chung nhận định rằng việc thực hiện chuyển đổi cần cân nhắc, thận trọng và khi thực hiện, phải có lộ trình, không chuyển đổi ồ ạt, nếu không sẽ dễ dẫn đến hậu quả học sinh bỏ học, nhất là đối với đề án thứ nhất.
ĐB Lê Thanh Những (Vân Canh): Chúng ta nói kinh tế tăng trưởng chậm và thiếu bền vững, nhưng không nêu rõ tại sao lại chậm, tại sao lại thiếu bền vững, rồi ai khắc phục. Cần phải đánh giá rút kinh nghiệm cụ thể, không nên nói chung chung như vậy. |
ĐB Trần Thị Thu Hà (Hoài Nhơn) phân tích, theo lộ trình như trong Đề án Chuyển đổi các trường THPT bán công sang công lập, tư thục, đến năm 2011-2012, sẽ không tuyển học sinh hệ bán công trong các trường công lập. Nhưng nếu chưa thành lập được trường tư thục ở địa phương, khi đó học sinh thi rớt hệ công lập sẽ học ở trường nào? Nếu đặt ra giải pháp cho học sinh học ở nơi khác thì lại xa nhà, dễ dẫn đến tình trạng học sinh bỏ học. Đó là chưa kể đến việc hiện nay, cơ sở vật chất của các trường đều quá tải, không thể “gánh” thêm hàng trăm học sinh từ nơi khác chuyển về.
ĐB Lê Minh Tuấn (Phù Mỹ) và ĐB Nguyễn Xuân Dương (TP Quy Nhơn) cho rằng, đa phần người dân ở nông thôn còn nghèo, nên khi chuyển các trường THPT bán công sang công lập, tư thục và chuyển các trường mầm non bán công, dân lập sang công lập, tư thục sẽ khiến họ gặp khó khăn hơn. ĐB Nguyễn Xuân Dương phân tích: “Chúng ta nói đảm bảo an sinh xã hội, nhưng thực hiện chính sách thì gây khó khăn cho người dân. Theo tôi, việc chúng ta nên làm là khuyến khích những người có khả năng đầu tư xây dựng các trường tư thục THPT, mẫu giáo chất lượng cao, chứ việc gì phải chuyển đổi công sang tư”.
Về Đề án Chuyển đổi các trường THPT bán công sang công lập, tư thục, nhiều ĐB nhất trí là không nên nóng vội thông qua, mà phải tính kỹ theo nhiều phương án chuyển đổi: Chuyển tất cả các trường THPT bán công sang tư thục thì liệu người dân có gánh nổi học phí; nếu chuyển hết sang công lập thì ngân sách tỉnh phải hỗ trợ thêm bao nhiêu; phương án giáo viên ở các trường bán công cùng góp vốn cổ phần khi chuyển thành trường tư thục liệu có khả thi…
Một số vấn đề khác cũng được một số ĐB quan tâm như: Tình trạng học sinh “ngồi nhầm lớp” ở các huyện miền núi do bệnh thành tích của ngành giáo dục; cần có chế độ ưu tiên hơn cho học sinh người dân tộc thiểu số; tình trạng thiếu bác sĩ ở các cơ sở y tế, đặc biệt là tuyến huyện; cần có hướng xử lý những vi phạm trong quản lý, khai thác tài nguyên khoáng sản; xử lý ô nhiễm môi trường dọc các quốc lộ; có giải pháp đưa ngành du lịch tỉnh nhà phát triển...
|