PHIÊN CHẤT VẤN VÀ TRẢ LỜI CHẤT VẤN:
Chất vấn nhiều, thời gian trả lời quá ít
22:46', 9/12/ 2010 (GMT+7)

Sau phiên họp thảo luận tổ, có hàng loạt vấn đề bức xúc được các đại biểu HĐND đặt ra yêu cầu các sở, ngành chức năng giải trình. Tuy nhiên, Kỳ họp đã quyết định rút ngắn một buổi so với dự kiến ban đầu và ngày cuối cùng lại dành nhiều thời gian thảo luận tại hội trường, nên phiên chất vấn chỉ còn dành cho phần giải trình và trả lời chất vấn của 3 giám đốc sở, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Bình và tân Chủ tịch UBND tỉnh Lê Hữu Lộc.

 

Đoàn Chủ tịch điều hành Kỳ họp. Ảnh: Văn Lưu

 

* Nông nghiệp: bức xúc xả lũ, phá rừng…

Trong số 3 giám đốc sở được giải trình tại phiên chất vấn, Giám đốc Sở NN-PTNT Phan Trọng Hổ phải trả lời nhiều vấn đề hơn cả và trả lời cũng trôi chảy hơn cả. Các vấn đề mà đại biểu HĐND đặt ra cho ngành NN-PTNT khá nóng như: ảnh hưởng của việc xả lũ các công trình thủy điện đối với lũ lụt vùng hạ du; tình trạng phá rừng tiếp diễn; chương trình kiên cố hóa kênh mương không hiệu quả; HTX nông nghiệp gặp nhiều khó khăn…

Trả lời câu hỏi vì sao tiến độ đầu tư vào Khu kinh tế Nhơn Hội chậm, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Hữu Lộc cho rằng ngoài bị tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới còn có việc các nhà đầu tư cấp 1 quá chú trọng đến việc khai thác ti tan, nhất là ở khu công nghiệp A và khu công nghiệp B. Vấn đề cho khai thác cát ở Khu kinh tế Nhơn Hội trước đây xuất phát từ việc cho rằng chuyện lấp vịnh Mai Hương còn quá xa xôi và để giải quyết nạn cát bay, giờ UBND tỉnh cũng sẽ tính toán lại.

Theo ông Phan Trọng Hổ, có 9 hồ thủy điện và nguồn nước đổ về tỉnh Bình Định gây ảnh hưởng đối với tình hình lũ lụt ở hạ du. Tuy nhiên, trong mùa lũ năm 2010, hồ thủy điện Vĩnh Sơn xả lũ qua tràn chảy vào sông Côn với lưu lượng 30m3/giây, sau đó đến hồ Định Bình và được điều tiết theo quy trình điều tiết lũ của hồ chứa nước Định Bình, chưa xảy ra ảnh hưởng gì đến hạ du trong mùa mưa lũ năm 2010. Vấn đề này cũng được tân Chủ tịch UBND tỉnh Lê Hữu Lộc xác định trong giải trình của mình: “Mùa lũ lụt năm nay, UBND tỉnh đã chỉ đạo điều tiết nước hồ Định Bình rất tốt, vừa bảo đảm không ngập lụt lớn ở hạ du, vừa tích được nước cho sản xuất”. Về giải quyết tình trạng phá rừng, ông Hổ cho rằng đã xử lý khá nghiêm khi 69 vụ phá rừng trong năm 2010 đã xử lý hành chính 39 vụ (địa bàn Vĩnh Thạnh); còn lại 30 vụ (Vĩnh Thạnh 26, Vân Canh 2, Hoài Ân 2) vượt khung xử lý hành chính phải chuyển sang truy cứu trách nhiệm hình sự. Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với các đơn vị chủ rừng và các ngành chức năng của huyện triển khai lực lượng tổ chức tuần tra, kiểm tra, truy quét tại các khu vực trọng điểm về phá rừng, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Đến nay, tình trạng phá rừng đã giảm đáng kể. Về hiệu quả của chương trình kiên cố hóa kênh mương, ông Hổ cho biết, tính đến năm 2010 đã có 536 km kênh mương được kiên cố, bằng 35,5% tổng chiều dài kênh mương cần kiên cố của các công trình thủy lợi, với kinh phí đã thực hiêïn là 428 tỉ đồng; diện tích tưới chủ động tăng thêm 15%; cơ bản đáp ứng kịp thời cho sản xuất sau mưa lũ, giảm đáng kể chi phí tu sửa, nạo vét hàng năm. Tuy nhiên, ông Hổ cũng thừa nhận việc kiên cố hóa kênh mương còn những hạn chế do nguồn vốn đầu tư cho chương trình còn thấp, việc huy động các nguồn vốn của ngân sách địa phương còn nhiều hạn chế, huy động vốn trong dân khó khăn; nguồn vốn từ thu thủy lợi phí (2000-2007) không đủ chi cho sửa chữa và khắc phục sau lũ… Trả lời chất vấn về những khó khăn của HTX nông nghiệp, ông Hổ cho rằng, 3 vấn đề chính của HTX nông nghiệp hiện nay là vốn, tổ chức hoạt động dịch vụ sau khi chuyển giao quản lý điện cho ngành điện và nguồn nhân lực. Sở NN-PTNT sẽ tổ chức kiểm tra, đánh giá sâu sát về tình hình hoạt động của HTX để có định hướng giải quyết các vướng mắc…

 

Thay mặt UBND tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Bình trả lời các vấn đề về giáo dục. Ảnh: V.L

 

* Công thương: bức xúc giá cả tăng, điện thiếu…

Giải trình tại phiên chất vấn, Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Kim Phương sau khi đánh giá việc tăng trưởng trong sản xuất công nghiệp năm 2010 và lý giải về tính “chưa bền vững” của sự tăng trưởng này đã đi vào các vấn đề cụ thể mà các đại biểu HĐND đặt ra như biện pháp để bình ổn giá trong tình hình giá cả thị trường ngày càng tăng cao; đầu tư phát triển công nghiệp nên dàn đều; vấn đề điện cho sản xuất năm 2011…

Ông Phương cho biết, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Công Thương đã có văn bản chỉ đạo các doanh nghiệp chủ yếu trên địa bàn tỉnh về đẩy mạnh sản xuất và dự trữ hàng hóa trong những tháng cuối năm 2010 và Tết Nguyên đán Tân Mão; chỉ đạo Trung tâm xúc tiến thương mại phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức Tháng bán hàng khuyến mãi trên địa bàn tỉnh và Chương trình bán hàng về nông thôn tại một số huyện, nhằm bình ổn thị trường hàng hóa trong các tháng cuối năm. Sở cũng chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường phối hợp các lực lượng chức năng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định về quản lý giá cả, các loại hàng tiêu dùng thiết yếu, đặc biệt là các loại hàng thiết yếu ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống nhân dân như gạo, đường, sữa, thuốc chữa bệnh, thức ăn gia súc, phân bón, xăng dầu, xi măng, sắt thép… Nhờ vậy, thời gian qua, thị trường giá cả trên địa bàn tỉnh tuy có tăng nhưng ở mức thấp so với bình quân cả nước. Về công tác bình ổn thị trường hàng hóa các tháng cuối năm 2010, Sở Công Thương đã có văn bản đề xuất UBND tỉnh. Hiện một số doanh nghiệp đã có kế hoạch dự trữ hàng hóa thiết yếu nhằm bình ổn thị trường và phục vụ nhân dân những tháng cuối năm. Về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Xuân Dương đề nghị, UBND tỉnh nên xem xét hỗ trợ cho các doanh nghiệp kinh doanh những mặt hàng thiết yếu bằng các hình thức ứng vốn hoặc cho vay không lãi để góp phần bình ổn giá.

Trả lời chất vấn của đại biểu Lê Minh Tuấn về việc Sở Công Thương làm gì để bảo đảm đủ điện cho sản xuất trong năm 2011, Giám đốc Nguyễn Kim Phương xác định, trước tình hình các doanh nghiệp sản xuất điện chưa đáp ứng nhu cầu, khả năng thiếu điện trong năm 2011 là có. Trên cơ sở điện quốc gia phân bổ, Sở Công Thương hàng năm đều tham mưu cho UBND tỉnh về danh mục ưu tiên điện. Sở cũng phát động phong trào tiết kiệm điện…

 

Đại biểu Vũ Thị Hồng Hoa (Phù Mỹ) chất vấn tại phiên họp. Ảnh: Văn Lưu

 

* Giao thông: bức xúc đường thi công chậm

Với Giám đốc Sở GTVT Nguyễn Hà Đông, ý kiến chất vấn tập trung vào việc thi công tuyến giao thông ĐT 638 thuộc địa bàn huyện Vân Canh chậm và kém chất lượng; dự án đường Nguyễn Tất Thành triển khai chậm.

Đại biểu Lê Thanh Những chất vấn: đơn vị thi công tuyến đường 638 có đoạn làm nhỏ hơn đường cũ; những đoạn hư hỏng nặng thì không thi công, lại cho xe múc những đoạn ít hư hỏng để thi công, thi công bằng thủ công… Trả lời câu hỏi trên, ông Nguyễn Hà Đông cho rằng dự án sửa chữa tỉnh lộ 638 được UBND tỉnh phê duyệt ngày 22.1.2010, thời gian thi công từ ngày 30.5 đến ngày 31.12.2010 do Sở GTVT làm chủ đầu tư, đối chiếu giữa biểu đồ thi công chi tiết so với thực tế thi công tại công trường là bảo đảm tiến độ. Do hạn chế về nguồn vốn đầu tư nên dự án mới chỉ dừng lại ở việc sửa chữa các đoạn bị hư hỏng trong mùa mưa năm 2009. Mục tiêu chính của dự án là sửa chữa, khôi phục theo quy mô hiện hữu để đảm bảo giao thông thông suốt. Để thuận lợi cho quá trình khai thác sử dụng, các đoạn tuyến hư hỏng nặng được sửa chữa thành các đoạn liên tục, đổ bê tông xi măng trên mặt bê tông cũ và có nhiều vị trí chỉ sửa chữa 1/2 bề rộng mặt đường… Ông Đông cũng thừa nhận rằng, việc thi công sửa chữa đoạn đường này có khi dùng bán cơ khí nên ảnh hưởng ít nhiều đến chất lượng…

 

Đại biểu Huỳnh Thị Thu Cúc (đơn vị Vân Canh) đang chất vấn về việc thi công tuyến đường 638 còn nhiều bất cập. Ảnh: V.L

 

Việc triển khai thực hiện đường Nguyễn Tất Thành chậm được ông Nguyễn Hà Đông lý giải do công tác đền bù giải phóng mặt bằng phức tạp, qua nhiều công đoạn; do đặc thù nổ mìn trong khu vực đông dân cư…

Ngay sau khi thông qua nghị quyết công nhận kết quả bầu cử, với tư cách Chủ tịch UBND tỉnh, ông Lê Hữu Lộc đã giải trình nhiều vấn đề đặt ra từ phiên thảo luận tổ và các chất vấn của đại biểu. Những phát biểu đáng chú ý của tân Chủ tịch UBND tỉnh Lê Hữu Lộc là trong năm 2011 sẽ giải quyết tồn tại các nhà máy Cồn Rượu, Cán thép Việt Hàn, Cổ phần thực phẩm xuất khẩu (nhà máy dứa); tồn tại về đất đai và không để lấn chiếm; xây dựng nhà ở cho công nhân Khu công nghiệp Phú Tài và Long Mỹ…

  • Quang Khanh
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Thông qua 15 nghị quyết  (09/12/2010)
Nhiều hoạt động “Mừng Đảng, mừng xuân” năm 2011  (09/12/2010)
Tặng quà cho bệnh nhân nghèo, người khó khăn  (09/12/2010)
Tập trung thảo luận, tìm giải pháp   (08/12/2010)
Không còn âm quỹ!  (08/12/2010)
Sẽ phát động Tháng bán hàng khuyến mãi, giảm giá  (08/12/2010)
Nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi phòng, chống lây nhiễm là việc làm cấp thiết  (08/12/2010)
Tặng quà hỗ trợ người nghèo, người dân vùng lũ  (07/12/2010)
Vấn đề của kỳ họp thứ 18 HĐND tỉnh khóa X  (07/12/2010)
Giải cứu, đưa lao động về quê  (07/12/2010)
Hết lòng vì dân  (07/12/2010)
Tấm lòng một cô giáo   (06/12/2010)
“Vào công”, “ra tư ” thế nào?  (06/12/2010)
Một năm tăng trưởng khá   (06/12/2010)
Sáng mai, khai mạc Kỳ họp thứ 18 HĐND tỉnh - khóa X   (06/12/2010)