Không để tái diễn tình trạng người lao động bị “bán đứng”
20:35', 10/12/ 2010 (GMT+7)

Sau vụ hàng chục lao động (LĐ) ở Phù Cát bị các “cò” lừa lên Lâm Đồng “bán” cho các chủ trang trại cà phê, PV Báo Bình Định đã phỏng vấn bà Phạm Thị Thu Hồng, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), quanh vấn đề này.

* Thưa bà, việc LĐ bị các “cò” lừa đưa lên Lâm Đồng hái cà phê, bị ép trả công rẻ mạt không chỉ xảy ra ở huyện Phù Cát, mà cả ở một số địa phương khác trong tỉnh. Đến nay, Sở LĐ-TB&XH đã có động thái gì trước tình trạng này?

- Đúng vậy! LĐ ở vùng nông thôn trong tỉnh bị các “cò” lừa bán lên các tỉnh Tây Nguyên để hái cà phê không chỉ có 34 người ở xã Cát Hanh mà UBND huyện Phù Cát vừa lên Lâm Đồng giải cứu. Sau khi biết sự việc, Sở LĐ-TB&XH đã làm việc với phòng LĐ-TB&XH ở các huyện và được biết, tại huyện Phù Mỹ có 4 LĐ được giải cứu cùng đợt với các LĐ ở Phù Cát; huyện Hoài Nhơn có 54 LĐ, trong đó, có 4 LĐ đã được giải cứu đưa về nhà cùng đợt với các LĐ ở Phù Cát, 50 LĐ vẫn “mắc kẹt” ở Lâm Đồng. Hiện UBND huyện Hoài Nhơn đã chỉ đạo cho Công an đến từng gia đình để nắm tình hình, nếu người LĐ có nguyện vọng về nhà thì huyện sẽ giúp đỡ, đưa về.

 

Các lao động ở huyện Phù Cát tập trung trước UBND xã Tân Đức (huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng) để lên xe về lại quê, sau khi bị “cò” lừa bán cho các chủ rẫy cà phê.

 

Trước đó, 44 LĐ ở huyện An Lão, hầu hết là đồng bào dân tộc thiểu số, cũng bị các “cò” lừa lên Lâm Đồng hái cà phê với mức lương ban đầu 2,2 triệu đồng/tháng; khi đến nơi mới biết mức lương chỉ 1,5 triệu đồng/tháng với LĐ nam và 1,3 triệu đồng/tháng với LĐ nữ. Ngoài ra, LĐ phải làm việc 2 tháng không lương để trừ chi phí công ty môi giới việc làm đưa lên Lâm Đồng. Sau khi biết bị lừa, LĐ điện báo về nhà cầu cứu, nhưng người nhà không báo cho chính quyền địa phương biết, mà tự gom tiền lên Lâm Đồng chuộc người thân về với mức 1,5-1,7 triệu đồng/LĐ. Đến nay, có 34 LĐ đã được gia đình lên chuộc về, 10 LĐ do gia đình không có tiền chuộc vẫn đang làm việc tại huyện Lâm Hà (tỉnh Lâm Đồng). Lãnh đạo huyện An Lão hiện đang xác minh, để lên đưa số LĐ còn lại này về. 4 LĐ khác ở An Lão cũng bị “cò” lừa bán vào tận tỉnh An Giang. sau khi nắm thông tin, ngày 8.12, Phòng LĐ-TB&XH huyện An Lão đã cử cán bộ vào An Giang để giúp đỡ đưa LĐ về.

Hiện nay, Sở LĐ-TB&XH đang tiếp tục làm việc với các phòng LĐ-TB&XH và chính quyền các địa phương để nắm tình hình. Nếu phát hiện thêm địa phương nào có LĐ bị lừa, Sở sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng kịp thời đưa người LĐ về nhà.

* Theo bà, vì sao mà thời gian qua, lại có nhiều LĐ bị lừa “bán đứng” như vậy?

- Do đây là thời điểm nông nhàn, nhiều LĐ ở nông thôn muốn có việc làm thời vụ để kiếm thêm một khoản thu nhập chuẩn bị chi tiêu vào dịp cuối năm; trong khi đó, các tỉnh Tây Nguyên đang vào mùa vụ hái cà phê, nên cần nhiều LĐ. Mặt khác, các “cò” lại đưa ra giá tiền công khá cao so với tiền công của LĐ phổ thông; người LĐ thì không có thông tin, trong khi dịch vụ môi giới việc làm ở đây có phần còn thả nổi, nên người LĐ dễ bị lừa.

Cũng cần nói thêm rằng, tại Bình Định, hệ thống trung tâm giới thiệu việc làm chưa đáp ứng được nhu cầu của LĐ nông thôn, nhất là công việc thời vụ trong thời điểm nông nhàn. Thực tế, trên địa bàn tỉnh, mới chỉ có 3 trung tâm giới thiệu việc làm của Nhà nước và 2 doanh nghiệp tư nhân hoạt động trên lĩnh vực giới thiệu việc làm được cấp phép. Tuy nhiên, các trung tâm, doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực này chưa nhanh nhạy trong việc tiếp cận sử dụng LĐ mùa vụ của các doanh nghiệp và người sử dụng LĐ. Việc tư vấn, giới thiệu việc làm chưa thường xuyên, nhất là với người LĐ ở vùng sâu, vùng xa. Sàn giao dịch việc làm do Trung tâm Giới thiệu việc làm Bình Định được tổ chức hàng tháng, nhưng cũng chỉ dành cho LĐ có trình độ, LĐ ở các vùng có điều kiện, còn người LĐ ở vùng sâu, vùng xa chưa thể tiếp cận được.

* Để LĐ không tiếp tục bị “bán đứng”, ngành LĐ-TB&XH đã có những giải pháp gì, thưa bà?

- Thời gian tới, ngành LĐ-TB&XH sẽ chỉ đạo cho các trung tâm giới thiệu việc làm tăng cường liên hệ với các doanh nghiệp để nắm nhu cầu sử dụng LĐ, tạo cầu nối giữa doanh nghiệp với người LĐ ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Đồng thời, chỉ thông báo tuyển LĐ đối với những DN thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách cho LĐ, nhất là phải đảm bảo về tiền lương.

Bên cạnh đó, ngành LĐ-TB&XH sẽ tiếp tục phối hợp với các hội, đoàn thể, UBND các huyện, thành phố tăng cường tuyên truyền, để mọi người dân biết về tình trạng lừa đảo người LĐ như thời gian qua. Ngoài ra, ngành cũng sẽ tăng cường kiểm tra tính pháp lý của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp khi đến tuyển dụng LĐ trên địa bàn. Có vậy, tình trạng lao động bị các “cò” “bán đứng” mới không tái diễn.

* Cảm ơn bà!

  • Nguyễn Phúc (Thực hiện)
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
GDP tăng trưởng bình quân 10,9%/năm   (10/12/2010)
Phẫu thuật mắt miễn phí, tặng quà người nghèo   (10/12/2010)
Thêm 3 trường mầm non đạt tiêu chí trường chuẩn Quốc gia   (10/12/2010)
Phân cấp thực hiện chính sách hỗ trợ phổ cập giáo dục THCS   (10/12/2010)
Đặt tên cho 27 tuyến đường của TP Quy Nhơn  (10/12/2010)
BIDV tài trợ cho Bình Định 5,6 tỉ đồng  (09/12/2010)
Sẽ tiếp tục hỗ trợ Vân Canh xây dựng nhà ở cho hộ nghèo  (09/12/2010)
Chất vấn nhiều, thời gian trả lời quá ít  (09/12/2010)
Thông qua 15 nghị quyết  (09/12/2010)
Nhiều hoạt động “Mừng Đảng, mừng xuân” năm 2011  (09/12/2010)
Tặng quà cho bệnh nhân nghèo, người khó khăn  (09/12/2010)
Tập trung thảo luận, tìm giải pháp   (08/12/2010)
Không còn âm quỹ!  (08/12/2010)
Sẽ phát động Tháng bán hàng khuyến mãi, giảm giá  (08/12/2010)
Nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi phòng, chống lây nhiễm là việc làm cấp thiết  (08/12/2010)