Người mù làm chổi
20:39', 10/12/ 2010 (GMT+7)

Dù bị mù cả hai mắt, nhưng anh Nguyễn Văn Chương (ở thôn Dương Thiện, xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước) vẫn gia công chổi đót để có thu nhập nuôi sống bản thân, phụ giúp gia đình. Bên cạnh đó, anh còn dạy nghề làm chổi và tạo việc làm cho 5 người mù khác.

Năm 1976, anh Chương tham gia quân ngũ. Trong một lần về phép, anh giúp gia đình khai hoang đất rẫy, chẳng may bị mìn nổ. Tai nạn bất ngờ đã cướp đi đôi mắt của anh.

 

Anh Chương đang thực hiện các công đoạn quấn chổi đót. Ảnh: Xuân Vinh

 

Phẩm chất của anh Bộ đội Cụ Hồ và ý chí của một người lính không cho phép anh đầu hàng số phận. Anh bắt đầu học làm lại những công việc từ đơn giản nhất như vệ sinh bản thân, sinh hoạt và đi lại… Sau khi đã quen dần với cuộc sống mới, anh tập làm việc đồng áng, làm bánh hỏi để phụ giúp gia đình và nuôi dạy 3 con nên người. Cuộc sống của gia đình anh từng bước thoát ra khỏi cái nghèo, không phải lo miếng ăn từng bữa, nhưng anh vẫn muốn tìm một công việc nào đó mà người khiếm thị như anh có thể tự làm, để tăng thu nhập gia đình.

Năm 2009, Hội Người mù tỉnh Bình Định được thành lập. Đây là “mái nhà chung” để những người khiếm thị như anh được giao lưu, học hỏi, giúp đỡ lẫn nhau; động viên nhau vượt qua số phận, vươn lên trong cuộc sống. “Sau khi tham gia Hội, tôi biết một thông tin quý, đó là người khiếm thị như tôi có thể tự làm được chổi. Đây cũng là nghề phù hợp với người khiếm thị ở nông thôn, nên tôi đã quyết tâm theo học”- anh Chương cho biết.

Với bản tính cần cù, chịu khó và ham học hỏi, lại được Hội Người mù tỉnh hướng dẫn thêm về kỹ thuật, nên chỉ sau một thời gian ngắn, những cây chổi do anh Chương làm ra rất chắc chắn, đẹp, được thị trường chấp nhận.

Cảm thông với những người đồng cảnh ngộ, anh Chương đã nhận 5 người mù khác đến nhà học làm chổi. Những người đến học chỉ phải mang gạo. Hội Người mù tỉnh tặng 300 ngàn đồng và giới thiệu để các nhà hảo tâm trong tỉnh hỗ trợ vài thùng mì tôm; tất cả chi phí còn lại, từ ăn, ở, đến mua nguyên vật liệu trong quá trình học, đều do gia đình anh Chương lo.

Được sự giúp đỡ tận tình của anh và gia đình, cộng với nỗ lực bản thân, sau hai tháng, 5 “học viên” của anh Chương đã học xong nghề làm chổi. Hội Người mù tỉnh đã tạo điều kiện thành lập Tổ sản xuất chổi gồm 6 người và cho mỗi tổ viên vay 5 triệu đồng. Chổi do Tổ làm ra đã được tiêu thụ rộng rãi ở thị trường Tuy Phước. Có trường học trong huyện đã mua ủng hộ Tổ gần 100 cây chổi... Nhận được những đồng tiền đầu tiên từ chính sức lao động của mình, ai cũng thấy thật hạnh phúc.

“Tuy nhiên, số lượng chổi bán ra chưa đủ để việc sản xuất được duy trì liên tục. Do vậy, chúng tôi mong nhận được sự cảm thông, chia sẻ của các tổ chức xã hội và cộng đồng, để những người khiếm thị như tôi có việc làm thường xuyên và mưu sinh được chính bằng nghề làm chổi”- anh Chương chia sẻ.

  • Xuân Vinh
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Không để tái diễn tình trạng người lao động bị “bán đứng”   (10/12/2010)
GDP tăng trưởng bình quân 10,9%/năm   (10/12/2010)
Phẫu thuật mắt miễn phí, tặng quà người nghèo   (10/12/2010)
Thêm 3 trường mầm non đạt tiêu chí trường chuẩn Quốc gia   (10/12/2010)
Phân cấp thực hiện chính sách hỗ trợ phổ cập giáo dục THCS   (10/12/2010)
Đặt tên cho 27 tuyến đường của TP Quy Nhơn  (10/12/2010)
BIDV tài trợ cho Bình Định 5,6 tỉ đồng  (09/12/2010)
Sẽ tiếp tục hỗ trợ Vân Canh xây dựng nhà ở cho hộ nghèo  (09/12/2010)
Chất vấn nhiều, thời gian trả lời quá ít  (09/12/2010)
Thông qua 15 nghị quyết  (09/12/2010)
Nhiều hoạt động “Mừng Đảng, mừng xuân” năm 2011  (09/12/2010)
Tặng quà cho bệnh nhân nghèo, người khó khăn  (09/12/2010)
Tập trung thảo luận, tìm giải pháp   (08/12/2010)
Không còn âm quỹ!  (08/12/2010)
Sẽ phát động Tháng bán hàng khuyến mãi, giảm giá  (08/12/2010)