Với Đề án đặt tên đường các khu dân cư mới quy hoạch của TP Quy Nhơn vừa được HĐND tỉnh thông qua trong kỳ họp thứ 18, sẽ có 27 tuyến đường ở các khu dân cư: Bông Hồng, Đông Võ Thị Sáu, Đông Bến xe, ven Hồ sinh thái Đống Đa được đặt tên. Việc đặt tên cho các tuyến đường mới góp phần giải tỏa những yêu cầu bức xúc trong công tác quản lý đô thị; đồng thời đặt ra những vấn đề cần lưu ý trong công tác đặt, đổi tên đường.
|
Người dân khu dân cư Bông Hồng rất phấn khởi khi nghe tin một số tuyến đường nơi nhà mình định cư sẽ có tên. Ảnh: N.Sương
|
* Đường không số, phố không tên
Ông Trần Xuân Hường tái định cư tại khu dân cư Bông Hồng đã 3 năm nay, sau khi nhà cũ nằm trong diện giải tỏa để quy hoạch làm đường Xuân Diệu. Nhà mới của ông có địa chỉ trong hộ khẩu là: tổ 16, KV 3, phường Ghềnh Ráng, còn bảng số nhà lại là “20K Bông Hồng”. Ông Hường cho biết: “Không riêng gì đường nhà tôi mà nhiều con đường khác trong khu này cũng chưa có tên. Người dân ở đây thường gọi tên đường theo ký hiệu lô đất, như đường A, đường B, đường C; còn số nhà thì đặt theo số lô trong quyết định cấp đất tái định cư.... Vì vậy, việc liên lạc khó khăn vì không có số nhà, tên đường cụ thể”.
Hầu hết các căn nhà khác trong khu dân cư Bông Hồng đều có số nhà ghép từ số thứ tự lô đất trong quyết định cấp đất và ký hiệu khu đất quy hoạch, chẳng hạn là 25M, 30N... Vì vậy, có những số nhà gần giống nhau nhưng lại nằm trên 3 mặt đường khác nhau, bởi cùng một lô đất quy hoạch; và những căn nhà nằm cùng trên một con đường nhưng số khác nhau vì khác lô đất. Tương tự, nhà người dân ở khu dân cư ven Hồ sinh thái Đống Đa, khu Đông đường Võ Thị Sáu, Bến xe khách trung tâm cũng có số nhà và tên đường theo số lô đất, ký hiệu đường. Có những tuyến đường như Hoàng Quốc Việt nối dài, số nhà có đoạn đặt theo lô, có đoạn thì ghi số, tùy theo ý chủ nhà. Vì vậy, khi nghe tin đường nhà mình sẽ được đặt tên, nhiều người dân ở các khu vực này đều rất phấn khởi.
Ở Quy Nhơn những năm gần đây, quá trình đô thị hóa gắn liền với việc hình thành nhiều tuyến đường bộ tại một số khu đô thị, khu dân cư tập trung, trong đó có nhiều tuyến đường chưa được đặt tên. Điều này đã làm ảnh hưởng đến công tác quản lý hành chính, đồng thời gây bất tiện trong giao dịch đối với các tổ chức, cá nhân… Xuất phát từ yêu cầu trên, UBND TP Quy Nhơn đã lập Đề án đặt tên đường các khu dân cư mới quy hoạch của TP Quy Nhơn và vừa được HĐND tỉnh thông qua tại kỳ họp thứ 18.
Với Đề án này, có 27 tuyến đường thuộc các khu dân cư mới quy hoạch sẽ được đặt tên, cụ thể: khu Bông Hồng có 10 tuyến; khu Đông đường Võ Thị Sáu có 3 tuyến; khu Đông bến xe Trung tâm có 2 tuyến; khu ven Hồ sinh thái Đống Đa có 12 tuyến. Đây là các tuyến đường xây dựng theo quy hoạch đô thị, sử dụng ổn định. Ngoài ra, một số tuyến đường khác tuy chưa thông tuyến nhưng cũng được đặt lại tên chính thức như: đường Đào Duy Từ nối dài, Trần Cao Vân nối dài, Lê Lợi nối dài (đoạn từ Bạch Đằng đến Hoàng Quốc Việt nối dài) sẽ mang tên như đường chính, bỏ đuôi “nối dài”.
* Để tên đường thật sự dễ tìm
Từ sau ngày giải phóng đến nay, UBND tỉnh đã nhiều lần điều chỉnh, đổi tên các con đường ở thành phố và có 2 lần ban hành quyết định điều chỉnh, đặt tên đường trên địa bàn TP Quy Nhơn, đó là vào tháng 12.1997 và tháng 1.2006, với tổng số tuyến đường đã có tên hiện nay là khoảng 270 tuyến.
Theo Đề án đặt tên đường lần này, có những tuyến đường như Đường số 7, Đường số 13 thuộc Khu dân cư Đông Võ Thị Sáu chỉ dài hơn 90m nhưng cũng được đặt tên. Và không chỉ lần này, trước đó, có những tuyến đường chỉ dài vài chục mét (như ở khu dân cư cạnh đường Nguyễn Thị Định) nhưng vẫn có tên. Sự xuất hiện những con đường có tên, vừa nhỏ vừa ngắn như thế chưa hẳn đã giúp người dân, tổ chức thuận tiện trong việc giao dịch mà ngược lại là khó khăn hơn, bởi nó chỉ là những đoạn đường nhỏ trong một khu dân cư nhỏ. Mà trong một khu có rất nhiều con đường nhỏ, ngắn với nhiều tên như thế thì quả là đánh đố người đi tìm.
Vế vấn đề này, theo ông Nguyễn Công Vịnh, Phó phòng Quản lý đô thị TP Quy Nhơn, thì Nghị định 91 ngày 11.7.2005 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế đặt, đổi tên đường phố và các công trình công cộng không quy định cụ thể về quy mô đường. Trước đây, các cơ quan chức năng của tỉnh ngầm thống nhất là chỉ đặt tên cho những tuyến đường có lộ giới trên 6m, dài hơn 100m. Tuy nhiên, thực tế ở các khu dân cư mới, có những con đường chỉ dài 80-90m nhưng được quy hoạch và sử dụng ổn định. Vì thế, người dân ở các khu vực này vẫn có nguyện vọng được đặt tên cho con đường nhà mình.
Ngoài ra, trong đề án đặt tên đường lần này, không phải tất cả những tuyến đường nằm trong các khu dân cư nói trên đều được đặt tên. Ông Nguyễn Công Vịnh lý giải, có một số tuyến đường chưa được đặt tên lần này là vì người dân ở còn thưa thớt, hoặc chờ thông tuyến với các khu dân cư khác rồi đặt luôn thể.
TP Quy Nhơn còn gần cả trăm tuyến đường chưa có tên. Việc đặt, đổi tên đường phố, vì thế, là một mảng cần được quan tâm trong công tác chỉnh trang đô thị. Việc đặt tên đường, ngoài việc phải tuân thủ những nguyên tắc theo quy định chung, thiết nghĩ các ngành chức năng cũng nên thật sự lưu ý đến yếu tố tâm lý, tình cảm của nhân dân, nhất là tên phải dễ nhớ, dễ thuộc, dễ gọi, quen gọi.
|