Điều 1 Luật Tổ chức HĐND-UBND ghi rõ: “HĐND là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân”. Theo đó, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND được luật pháp xác nhận là rất lớn. Tuy nhiên, giữa quy định của luật pháp và thực tế vẫn còn một khoảng cách…
* Bất cập từ công tác tổ chức
Trong 30 điều luật liền kề nhau của Luật Tổ chức HĐND-UBND, có đến 85 từ “quyết định”: “Quyết định quy hoạch, kế hoạch dài hạn và hàng năm về phát triển KT-XH…”, “Quyết định dự toán ngân sách…”, “Quyết định biện pháp…”… Vậy mà trong thực tiễn, HĐND thường quyết định những cái đã rồi. Do vậy, vấn đề đặt ra là cần đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị, trong đó có HĐND. Đảng lãnh đạo trên cơ sở định hướng và thoát ly các chỉ tiêu cụ thể thì các nghị quyết của HĐND mới bảo đảm không còn là bản sao nghị quyết của cấp ủy.
|
Đại biểu HĐND đang chất vấn tại một kỳ họp của HĐND tỉnh. Ảnh: Văn Lưu |
Bên cạnh đó, việc làm công tác nhân sự và bầu đại biểu HĐND hiện vẫn còn nặng về cơ cấu mà chưa chú trọng đến chất lượng đại biểu. Đại biểu HĐND các cấp nhìn chung đông về số lượng nhưng chất lượng không cao; trách nhiệm của đại biểu không được xác định một cách rõ ràng. Mặt khác, đại biểu HĐND phần lớn là trưởng, phó các ban xây dựng Đảng; là trưởng, phó các cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND nên đã xảy ra tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, dẫn đến ngại va chạm trong quan hệ công tác...
Phương thức hoạt động của HĐND lâu nay thường mang tính thời vụ, dàn trải về nội dung. Cứ gần đến kỳ họp, HĐND mới tổ chức các cuộc giám sát nặng về yếu tố hành chính, chủ yếu nghe đơn vị được giám sát báo cáo. Nhiều kiến nghị của HĐND đưa ra nhưng bị quên lãng, khiến đại biểu dân cử thiếu tự tin về địa vị pháp lý của mình.
* Phát huy quyền lực HĐND
Để nâng cao chất lượng hoạt động của đại biểu HĐND, đồng thời với việc tăng đại biểu chuyên trách, cần tăng đại biểu là chuyên gia trong lĩnh vực khoa học, pháp lý. Trên diễn đàn của Quốc hội, HĐND các cấp, dễ dàng nhận thấy các đại biểu làm khoa học thường thể hiện thái độ thẳng thắn hơn khi chất vấn. Bởi họ không bị chi phối bởi các quy định quản lý, điều hành, nhất là ràng buộc bởi cơ chế “xin - cho”.
Để HĐND, đại biểu HĐND có thực quyền, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung về cơ chế thực thi quyền lực của Luật Tổ chức HĐND-UBND. Luật nên quy định việc bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh do HĐND bầu là một thủ tục bắt buộc, là việc làm thường niên chứ không phải đợi đến khi có đề nghị trên 1/2 số đại biểu HĐND hay đề nghị của Ủy ban MTTQ Việt Nam cùng cấp. Trong thực tế, việc đại biểu đề nghị bỏ phiếu tín nhiệm đối với một ai đó chưa hề xảy ra. Luật cũng nên mở rộng hình thức đánh giá, tín nhiệm của HĐND với những người đứng đầu các cơ quan chuyên môn thuộc UBND, Chánh án TAND và Viện trưởng Viện KSND cùng cấp, để làm cơ sở bổ nhiệm lại những chức danh này, tạo điều kiện để các đại biểu dân cử tham gia công tác xây dựng chính quyền.
Việc bỏ phiếu tín nhiệm hay mở rộng hình thức đánh giá không phải nhằm mục đích “miễn nhiệm” hay “cách chức” ai, nhưng chí ít cũng là hình thức để đại biểu dân cử thể hiện cái quyền của mình đối với người do mình bầu ra và trực tiếp giám sát.
Ở cấp huyện, có mô hình văn phòng ghép: Văn phòng HĐND-UBND với lý do là cải cách hành chính, tinh gọn bộ máy, tiết kiệm ngân sách. Theo đó, chuyên viên giúp việc cho Thường trực HĐND do Văn phòng HĐND-UBND trực tiếp quản lý, chỉ đạo, điều hành. Thực ra, sự “sáng tạo” này mang tính gượng ép, sai cơ bản về phương diện lý luận: Một cơ quan vừa làm tham mưu trong việc chấp hành nghị quyết của HĐND lại vừa tham mưu, giám sát việc thực hiện nghị quyết HĐND.
Để HĐND hoạt động có hiệu quả, đúng thực chất là “cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương” thì Luật Tổ chức HĐND-UBND cần được sửa đổi một cách căn bản trên cơ sở một số định hướng nhất định; khắc phục những tồn tại, hạn chế vừa nêu; loại bỏ những rào cản làm hạn chế trong tổ chức và hoạt động của HĐND.
|