Đào tạo nghề, giải quyết việc làm:
Còn nhiều bất cập
23:24', 17/12/ 2010 (GMT+7)

Đó là ý kiến mà nhiều đại biểu HĐND tỉnh đưa ra thảo luận trong kỳ họp lần thứ 18, HĐND tỉnh khóa X vừa diễn ra.

* Chất lượng dạy nghề chưa cao

Một số đại biểu HĐND tỉnh cho rằng, đào tạo nghề trong thời gian qua dù có nhiều cố gắng, số người học nghề ngày càng tăng, song chất lượng đầu ra chưa cao, dẫn đến một số lao động (LĐ) khó xin việc làm. Lâu nay, việc đào tạo nghề chỉ quanh quẩn một số nghề cũ, không có tính đột phá trong việc đào tạo những nghề mới, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và xã hội.

 

Chất lượng dạy nghề trên địa bàn tỉnh chưa cao, nhất là dạy nghề cho LĐ nông thôn.

- Trong ảnh: Dạy nghề may ở một trung tâm Giáo dục thường xuyên - hướng nghiệp. Ảnh: Nguyễn Phúc

 

Theo báo cáo của Sở LĐ-TB-XH, trong năm 2010 đã đào tạo được 27.238 LĐ, đạt 107% kế hoạch. Nhiều đối tượng được học nghề như: LĐ nông thôn, người dân tộc thiểu số, người tàn tật, người nghèo, con em bệnh nhân phong, công nhân (được hỗ trợ cho doanh nghiệp đào tạo nghề tại chỗ). Trong đó, riêng nghề may đã đào tạo được 2.338 LĐ, hầu hết LĐ ra nghề đều có việc làm; nhiều doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng thêm LĐ nghề may nhưng các cơ sở đào tạo không đủ cung ứng. Ngược lại, nghề cơ khí được các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp ráo riết tuyển dụng, số người đăng ký học nghề này lại rất ít. Bởi người học cho rằng nghề cơ khí là nghề nặng nhọc, mức thu nhập lại thấp.

Ông Lê Văn Nghinh, Trưởng phòng Dạy nghề (Sở LĐ-TB-XH), cho rằng: Mạng lưới cơ sở dạy nghề tuy đã phát triển nhưng chủ yếu tập trung ở thành thị, quy mô dạy nghề còn nhỏ, ngành nghề đào tạo ít chưa đáp ứng yêu cầu học nghề của người LĐ, nhất là LĐ nông thôn. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy nghề trong thời gian vừa qua được Trung ương và địa phương quan tâm đầu tư, tuy nhiên nhìn chung hoạt động dạy nghề còn rất thiếu thốn, thiết bị lạc hậu. Đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên dạy nghề ở một số cơ sở dạy nghề chưa đạt yêu cầu về chuyên môn nghiệp vụ. Do vậy, công tác biên soạn chương trình, giáo trình, tổ chức giảng dạy còn nhiều khó khăn dẫn đến chất lượng dạy nghề chưa đáp ứng yêu cầu của thị trường LĐ. Ngành, nghề đào tạo chưa đáp ứng nhu cầu của người học và yêu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp. Các cơ sở dạy nghề chưa kết hợp với các cơ sở sản xuất nên người học ít được thực hành, dẫn đến khi LĐ ra nghề xa lạ với thực tế. Trình độ tiếp thu của người học còn hạn chế, nhất là người dân tộc thiểu số. Ngoài ra, lâu nay dạy nghề lưu động cũng tạo điều kiện thuận lợi cho người học nhưng bù lại, phương tiện, máy móc phục vụ dạy nghề lưu động không đầy đủ, dẫn đến chất lượng tay nghề của người học cũng bị ảnh hưởng.

Để nâng cao chất lượng dạy nghề trong thời gian tới, Sở LĐ-TB-XH sẽ thường xuyên kiểm tra, giám sát các lớp dạy nghề; yêu cầu các cơ sở dạy nghề phải đăng ký kiểm định chất lượng dạy nghề, biên soạn chương trình và giáo trình dạy nghề từng năm, biên soạn giáo án phù hợp với từng đối tượng học nghề; phối hợp với các cơ sở sản xuất để đưa người học nghề đi thực tế và tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề…

* Tạo việc làm- số liệu và thực tế

Trên lĩnh vực giải quyết việc làm, một số đại biểu HĐND tỉnh còn thắc mắc số liệu giải quyết việc làm năm 2010 gần giống với số liệu năm 2009; thực tế số lượng người được giải quyết việc làm có như con số báo cáo? Theo giải trình của Sở LĐ-TB-XH tỉnh, số liệu giải quyết việc làm từng năm được tính trên phương pháp co giãn LĐ theo tăng trưởng kinh tế của tỉnh hàng năm nên không thể giống nhau.

Cụ thể, năm 2010 tăng trưởng trong ngành nông - lâm - ngư nghiệp là 7,4%; độ co giãn giải quyết việc làm trong ngành này là 0,34% thì tỉ lệ tăng trưởng việc làm mới là 2,52%, tương ứng với 13.664 LĐ được tạo việc làm mới trong lĩnh vực này.

Ngành công nghiệp - xây dựng năm 2010 có tỉ lệ tăng trưởng 14,56%; độ co giãn giải quyết việc làm trong ngành này là 0,25% thì tỉ lệ tăng trưởng giải quyết việc làm mới là 3,64%, tương ứng với 5.238 LĐ được tạo việc làm mới.

Tương tự trong ngành thương mại - dịch vụ, tỉ lệ tăng trưởng là 11,92%; độ co giãn về giải quyết việc làm là 0,3% thì tỉ lệ tăng trưởng việc làm mới là 3,58%, tương ứng với 5.804 LĐ được tạo việc làm mới.

Ngoài ra, trong năm 2010 có 505 LĐ được xuất khẩu lao động. Kết quả giải quyết việc làm trong năm 2010 của tỉnh là 25.211 LĐ.

  • Nguyễn Phúc
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Dân cho xe vào bãi rác, hàng trăm tấn rác được giải phóng   (17/12/2010)
Triển khai chương trình điều trị bệnh nhân lao kháng đa thuốc   (17/12/2010)
Ban hành Kế hoạch vận động hiến máu tình nguyện năm 2011   (17/12/2010)
Xây dựng hạ tầng dịch vụ hậu cần từ nguồn vốn xã hội hóa   (17/12/2010)
Dân lại chặn xe đổ rác, hàng trăm tấn rác bị ứ đọng  (16/12/2010)
Đề nghị Chính phủ Malaysia cho phép cứu hộ tàu cá  (16/12/2010)
Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội làm việc với BHXH Bình Định  (16/12/2010)
Cộng đồng chung sức trong giảm sinh và nâng cao chất lượng dân số  (16/12/2010)
65 NĂM QUỐC HỘI VIỆT NAM   (15/12/2010)
Đại hội đại biểu Toàn quốc lần thứ II của Đảng (2.1951)  (15/12/2010)
Một số giải pháp cần thực hiện   (15/12/2010)
Kinh tế thành phố từng bước phục hồi, phát triển  (15/12/2010)
Bình ổn giá cả thị trường trong dịp Tết Nguyên đán  (15/12/2010)
Bàn giao nhà Đại đoàn kết, tặng quà hỗ trợ đồng bào vùng lũ   (16/12/2010)
Nhiều hoạt động hưởng ứng Tháng hành động Quốc gia về dân số   (15/12/2010)