TRƯỜNG PHỔ THÔNG BÁN TRÚ TÂY SƠN:
Đường ngắn lại, chữ “gần” hơn
21:10', 20/12/ 2010 (GMT+7)

Trước đây, học sinh (HS) ở thôn Hòa Hiệp, xã Bình Tường và xã Vĩnh An (huyện Tây Sơn) khi lên lớp 6 phải ra Trường THCS Bình Tường để học. Đường xa, đi lại khó khăn đã khiến cho không ít học sinh (HS) bỏ học; cha mẹ thấp thỏm mỗi khi con đến trường. Từ ngày 4.10.2010, HS THCS thôn Hòa Hiệp và xã Vĩnh An đã chuyển về học tại Trường Phổ thông bán trú Tây Sơn.

 

HS người Bana lớp 7A1 tranh thủ ôn thêm bài trong giờ ra chơi. 

 

* Đường ngắn lại, chữ “gần” hơn

Trong số 280 HS của trường, có 75 HS thuộc 5 làng của xã miền núi Vĩnh An (Xà Tang, Kon Giọt 1, Kon Giọt 2, Kon Giang và Kon Mon), còn lại là HS thôn Hòa Hiệp (xã Bình Tường). Thầy Nguyễn Văn Cưỡng, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: Trước đây, do đường xa, đi lại khó khăn, nên HS bỏ học của Trường THCS Bình Tường chủ yếu ở thôn Hòa Hiệp và 5 làng dân tộc thuộc xã Vĩnh An. Xây dựng trường mới tại xã Vĩnh An để tạo thuận lợi cho con em vùng này học tập. Trường rộng 1 ha, xây dựng với kinh phí 5,5 tỉ đồng, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia gồm: 1 khu nhà lớp học 2 tầng (423 m2), nhà hiệu bộ giáo viên, khu vệ sinh, nhà bếp, phòng ăn và 10 phòng ở có công trình vệ sinh khép kín dành cho HS bán trú; tường rào, cổng ngõ kiên cố. Trường hiện có 20 giáo viên từ Trường THCS Bình Tường chuyển về.

Lúc tôi đến, lớp 9A2 có 20 HS người Bana đang học thể dục. Thầy Linh, dạy môn Thể dục, cho biết: “Các em rất thích học các môn thể thao như bóng đá, bóng chuyền. Mới đây, đội tuyển HS của trường đã đoạt 2 giải Nhì bóng đá và bóng chuyền toàn huyện. Gần một nửa cầu thủ trong đội tuyển là HS người dân tộc thiểu số”.

Học trường mới thích lắm; gần nhà, tụi em đi bộ cũng được- là tâm sự chung của 20 HS lớp 9A2, người Bana, khi nói về trường mới. Ở lớp này, chỉ có em Đinh Thị Trân, 15 tuổi, ở làng Xà Tang là xa nhất, nhà cách trường tới gần 3 km. “Nhưng em đi xe đạp cũng chỉ mất khoảng 25 phút thôi, chứ ngày trước, học ở trường cũ, em đạp xe mất một tiếng rưỡi. Hồi đó, mùa mưa, em thường phải nghỉ học”- Trân kể.

Những HS ở các làng gần hơn như Kon Giọt 1, Kon Giọt 2 đều có thể đi bộ đến trường thay vì phải dậy sớm từ 6 giờ sáng đạp xe, 1 giờ chiều mới về đến nhà như trước. Ông Đinh Thanh Bình, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Vĩnh An, nói: “Ngày trước, trường ở xa quá, người làng không có xe đạp nên nhiều cháu phải nghỉ học. Mỗi khi trời mưa, thấy con 7, 8 giờ tối chưa về đến nhà, cái bụng ai cũng nhấp nhỏm không yên. Nay có trường gần, bà con mừng lắm”.

 

Dù Trường đã được Phòng GD-ĐT cấp máy vi tính, nhưng đành phải đóng thùng chờ đến khi có điện.
 

* Vẫn khó nhiều bề

“Trường mới nên “ruột” còn rỗng”- thầy Cưỡng ví von. Hiện tại, Trường chưa có điện, phải dùng nhờ đường dây của nhà thầu xây dựng để thắp sáng cho khu hiệu bộ và các phòng học. Các phòng ăn, bếp hay phòng chức năng đều chưa có điện. Bởi vậy, dù được Phòng GD-ĐT huyện Tây Sơn phân bổ về 7 bộ máy vi tính, nhưng vẫn đóng thùng để đó. Các phòng chức năng cũng chưa có thiết bị. 10 phòng bán trú cho HS đều đã được trang bị giường, nhưng năm học này vẫn thể chưa triển khai được mô hình bán trú dân nuôi vì chưa đủ điều kiện.

Ông Phan Ngọc Đức, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Tây Sơn: Trường Phổ thông bán trú Tây Sơn mới xây dựng, còn thiếu nhiều. Năm học này, huyện đã trích 1 tỉ đồng từ ngân sách chi thường xuyên của ngành trang bị thêm cơ sở vật chất cho trường; sắp tới sẽ đặt một trạm điện hạ áp riêng trị giá hơn 250 triệu đồng tại trường. Việc tổ chức học bán trú cho HS dân tộc thiểu số sang năm mới có thể triển khai được….

Thầy Huỳnh Văn Trọng, Phó hiệu trưởng nhà trường, cho biết thêm: Do HS người Bana học yếu nên Trường phải bố trí cho các em học lớp riêng; trong đó, lớp 6A1 có 28 HS, lớp 7A1: 19 HS, lớp 9A2: 20 HS; riêng lớp 8A2 có 8 em nên học chung với các bạn khác. Ngoài ra, Trường còn tổ chức các chuyên đề riêng để phụ đạo môn Văn, Toán và tiếng Anh cho các em buổi chiều, nhưng có em đi, em nghỉ.

Cô Quách Thị Linh, giáo viên chủ nhiệm lớp 6A1, nhận xét: “Lớp có 30 HS nhưng thường xuyên có mặt chỉ 26 hoặc 28 em. Khoảng  6/30 HS là đọc thạo tiếng Kinh, còn lại đều đọc mất dấu dẫu nghe được, viết được. Nhiều em có hoàn cảnh gia đình rất nghèo, gia đình không cho đi học hoặc bữa đi, bữa nghỉ, giáo viên phải đến nhà vận động các em đi học trở lại”.

Ngoài những khó khăn của một ngôi trường mới, thì theo thầy Cưỡng, Trường cũng có một số thuận lợi nhất định như: đội ngũ giáo viên có kinh nghiệm từ 7 năm đứng lớp trở lên; cha mẹ HS ủng hộ nhiệt tình; trường gần nhà nên tỉ lệ HS bỏ học giảm. “Học ở trường mới đã hơn 2 tháng, nhưng chưa có HS nào bỏ học. Đây là một bước khởi đầu đáng khích lệ. Chúng tôi sẽ từng bước khắc phục khó khăn để nâng cao chất lượng giáo dục ở ngôi trường mới”- thầy Cưỡng nói.

  • Thu Hà
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Hơn 300 lao động tham gia phiên giao dịch việc làm cuối năm   (20/12/2010)
7 ngư dân bị nạn tại vùng biển Trường Sa đã được cứu  (20/12/2010)
Tập huấn chuyên đề đạo đức cách mạng trong thời kỳ mới   (20/12/2010)
Hội nghị tập huấn triển khai Luật Dân quân tự vệ   (20/12/2010)
Gặp mặt các vị chức sắc Công giáo, Tin lành nhân lễ Giáng sinh 2010  (20/12/2010)
Tuy Phước: Khiếu nại tố cáo giảm nhờ cải cách quy trình tiếp dân  (19/12/2010)
TỪ ĐẠI HỘI ĐẾN ĐẠI HỘI  (19/12/2010)
65 NĂM QUỐC HỘI VIỆT NAM  (19/12/2010)
Vươn lên từ yếu kém  (19/12/2010)
940 khăn len tặng cho chiến sĩ  (19/12/2010)
Cấp màn tẩm hóa chất cho vùng trọng điểm sốt rét  (19/12/2010)
Đơn khiếu nại, tố cáo chủ yếu thuộc lĩnh vực đất đai  (19/12/2010)
Hỗ trợ Trường tiểu học số 2 Nhơn Bình xây dựng 8 phòng học  (19/12/2010)
Nghề lóc dừa  (18/12/2010)
Tặng quà cho người nghèo, người khuyết tật  (18/12/2010)