Tay siết chặt tay nhau, nước mắt rưng rưng… Đó là hình ảnh của các nữ cựu quân nhân trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ trong ngày gặp mặt lần đầu tiên được tổ chức tại TP Quy Nhơn vào ngày 17.12 vừa qua.
|
Các nữ cựu quân nhân cùng nhau chụp hình lưu niệm. Ảnh: Nguyễn Phúc
|
* Một thời hào hùng
Từ những tổ, đội du kích nhỏ lẻ ở các địa phương trong kháng chiến chống Pháp, lực lượng nữ dân quân đã phát triển thành trung đội nữ du kích ở các huyện. Tiêu biểu là Trung đội nữ du kích xã Hoài Sơn (Hoài Nhơn) do chị Phan Thị Đông làm Trung đội trưởng; Trung đội nữ du kích xã Mỹ Quang (Phù Mỹ) do chị Nguyễn Thị Khoa làm Trung đội trưởng. Năm 1948, lực lượng nữ dân quân du kích trên địa bàn tỉnh chỉ có 6.800 chị thì đến năm 1950 đã có trên 22.200 chị…
Trong kháng chiến chống Mỹ, các nữ quân nhân lại bước vào cuộc chiến đấu mới. Trong những ngày đầu chịu nhiều hy sinh, gian khổ, đã xuất hiện nhiều tấm gương sáng ngời như: nữ y tá Xơ một mình chống lại mấy chục tên lính Nam Triều Tiên; hết đạn, chị đã mưu trí tìm cách thoát khỏi vòng vây.
Năm 1970, xã Hoài Thanh (Hoài Nhơn) có đội “Chim én” mà các đội viên đều là nữ, còn rất trẻ.Trong thời điểm này đã xuất hiện những gương mặt nữ quân nhân bất khuất kiên cường như: chiến sĩ vận tải Đặng Thị Xuân Phương đã ngày đêm lặn lội với tuyến đường hiểm trở, thồ hàng ra tiền tuyến; chiến sĩ nuôi quân Nguyễn Thị Tài hết lòng chăm lo nuôi dưỡng thương bệnh binh; người chỉ huy Nguyễn Thị Phúc dũng cảm, mưu trí, linh hoạt trong đấu tranh lúc hợp pháp, lúc bất hợp pháp, chỉ huy du kích diệt địch ở thị trấn Phù Mỹ.
* Ấm áp ngày gặp mặt
Lần đầu tiên được tổ chức gặp mặt, ai cũng bùi ngùi, xúc động. Người này ôm chầm lấy người kia, tay bắt, mặt mừng, miệng cười mà mắt ngấn lệ vì vui. Bà Trần Thị Xuân (76 tuổi, ở khối 7, thị trấn Tam Quan, Hoài Nhơn) là một trong số ít người tham gia 2 cuộc kháng chiến, từng là Huyện đội phó huyện Hoài Nhơn trong chống Mỹ, có mặt trong buổi gặp mặt. Gặp lại đồng đội cũ, bà rưng rưng nước mắt, cho biết: “Những ngày qua, tôi bị bệnh nhưng biết tin có cuộc hội ngộ hôm nay, tôi đã quyết tâm đi. Gặp lại đồng đội cũ thấy ấm áp, không muốn chia tay”.
Đã gần 70 tuổi nhưng bà Lê Thị Thanh Cát, ở phường Nguyễn Văn Cừ (TP Quy Nhơn) vẫn nhớ như in những năm tháng cùng đồng đội vượt qua bao gian lao, khó khăn để vận chuyển súng đạn, lương thực cho các chiến sĩ Sư đoàn 3 Sao Vàng. Bà Cát xúc động: “Trong buổi gặp mặt thân tình và cảm động này, chúng tôi không chỉ được ôn lại kỷ niệm một thời tuổi trẻ đầy nhiệt huyết đã cống hiến, hy sinh cho quê hương, đất nước mà còn trao đổi, học hỏi nhau về kinh nghiệm vun đắp hạnh phúc gia đình, phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa và cùng hỗ trợ lẫn nhau trong công tác, cuộc sống, tiếp tục cống hiến cho quê hương”.
Chiến tranh đã khiến tuổi “trăng tròn” của các nữ quân nhân nằm lại dọc các chiến trường máu lửa và gian khó; nhiều người là thương binh, bệnh binh, là nạn nhân chất độc da cam, một số người đã mất sau ngày hòa bình vì di chứng của chiến tranh…
Nhưng những chiến công của các bà, các mẹ vẫn luôn được các thế hệ con cháu tôn vinh như những huyền thoại phụ nữ Việt Nam trong đánh giặc.
|