Năm 2010, Bệnh viện đa khoa khu vực Phú Phong (huyện Tây Sơn) đã tiến hành nghiên cứu, đánh giá tình hình nhiễm khuẩn bệnh viện trên đối tượng bệnh nhân nội trú đang điều trị tại các khoa lâm sàng, nhằm đề xuất một số giải pháp can thiệp để nâng cao hiệu quả công tác kiểm soát nhiễm khuẩn. Đánh giá này do bác sĩ Dương Văn Hóa và cử nhân Hồ Thị Kim Ngân thực hiện.
Theo bác sĩ Dương Văn Hóa, Phó Giám đốc Bệnh viện, nhiễm khuẩn bệnh viện là mối quan tâm của ngành Y tế. Đây được xem là chỉ số chất lượng của bệnh viện. Nhiễm khuẩn bệnh viện có tác động rất lớn, làm gia tăng tần suất mắc bệnh, tăng chi phí điều trị, kéo dài thời gian nằm viện, tăng tỉ lệ tử vong và sự trỗi dậy của các dòng vi khuẩn kháng sinh.
|
Tại Bệnh viện đa khoa khu vực Phú Phong, tỉ lệ nhiễm trùng bệnh viện là 3,9%. |
Ngày nay, giảm tỉ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện đang là một thách thức thật sự đối với các nhà quản lý bệnh viện, thầy thuốc và điều dưỡng lâm sàng. Tại Bệnh viện đa khoa khu vực Phú Phong, trong 180 người bệnh điều tra, có 7 người bị nhiễm trùng bệnh viện, chiếm tỉ lệ 3,9%. Trong đó, tỉ lệ nhiễm khuẩn ở hồi sức cấp cứu cao nhất là 57,1%; tiếp đến là nhiễm khuẩn vết mổ, nhiễm khuẩn tiết niệu: 14,3%. Điều này chứng tỏ, tỉ lệ nhiễm khuẩn ở bệnh nhân nặng, nằm lâu, đặt sond tiểu kéo dài, can thiệp thủ thuật xâm lấn, việc cách ly và phòng chống lây chéo khó thực hiện được. Tỉ lệ nhiễm khuẩn ở người bệnh thực hiện thở máy là rất thấp.
Kết quả đánh giá này cũng cho thấy, số lượng bệnh nhân ở hệ nội cao hơn hệ ngoại. Do vậy, tỉ lệ người bệnh nhiễm trùng liên quan nhiều nhất là tiêm truyền tĩnh mạch 57,1%; tiếp đến là nhiễm trùng vết mổ, nhiễm trùng đường tiểu, nhiễm trùng vết loét mảng mục là 14,3%.
Để giúp người bệnh tránh các nhiễm trùng bệnh viện và rút ngắn thời gian điều trị, bác sĩ Dương Văn Hóa khuyến cáo nhân viên y tế cần phải tuân thủ tuyệt đối các quy trình vô khuẩn trong thao tác chăm sóc người bệnh; sử dụng kháng sinh an toàn, hợp lý cho người bệnh. Đồng thời, Bệnh viện cần tăng cường phân lập vi sinh làm kháng sinh đồ ở các trường hợp nhiễm khuẩn nặng và điều trị kháng sinh kéo dài.
|