Đẩy mạnh giải quyết việc làm cho người lao động
20:19', 24/12/ 2010 (GMT+7)

Sở LĐ-TB&XH vừa tổng kết công tác giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động (XKLĐ) năm 2010, nhằm đánh giá ưu, khuyết điểm để đẩy mạnh công tác này trong thời gian tới, tạo nhiều việc làm mới cho người lao động (NLĐ).

 

Trong năm 2010, lĩnh vực may mặc đã giải quyết được một lượng lớn lao động.

 

* Tạo nhiều việc làm mới

Ngay từ đầu năm, Sở LĐ-TB&XH đã xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện phân bổ vốn cho vay hỗ trợ việc làm và giao chỉ tiêu việc làm mới cho các huyện, thành phố; tổ chức các hoạt động giao dịch việc làm; thu thập và xử lý thông tin cung - cầu lao động; tập huấn nâng cao năng lực của cán bộ làm công tác lao động - việc làm ở các địa phương, doanh nghiệp… Nhờ đó, đã giải quyết việc làm cho 20.705 lao động và đến cuối năm, từ vốn vay giải quyết việc làm đã tạo thêm việc làm cho 4.000 lao động.

Tuy nhiên, việc làm của NLĐ ở các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến gỗ, hải sản, đá... còn thiếu ổn định. Các dự án giải quyết việc làm thuộc lĩnh vực nông nghiệp chiếm khoảng 70% tổng số dự án, đối tượng vay chủ yếu là hộ gia đình, các cơ sở sản xuất kinh doanh được vay vốn ít nên chủ yếu tăng thời gian làm việc, chưa tạo được nhiều chỗ làm việc mới.

Kết quả tuyển lao động tại các điểm tổ chức phiên giao dịch việc làm còn thấp. NLĐ ở các vùng sâu, vùng xa chưa tiếp cận được các hoạt động giao dịch việc làm. Số lượng đơn vị hoạt động giới thiệu việc làm còn ít và chưa đa dạng, chưa theo kịp những biến động của thị trường lao động. Thông tin về lao động, việc làm và thị trường lao động chưa đầy đủ, chính xác…

Dự báo trong năm 2011, có từ 33.000-35.000 người bước vào tuổi lao động; có khoảng 20.000 lao động thất nghiệp từ trước chuyển qua, hàng ngàn quân nhân xuất ngũ và học sinh tốt nghiệp các trường và cơ sở đào tạo nghề. Sức ép lớn về việc làm đòi hỏi phải có các chính sách, giải pháp tạo nhiều việc làm mới, chất lượng và bền vững.

Sở LĐ-TB&XH nỗ lực phấn đấu tạo nhiều việc làm mới có chất lượng, làm giảm tỉ lệ thất nghiệp khu vực thành thị, tăng thời gian sử dụng lao động ở khu vực nông thôn; tạo điều kiện thuận lợi cho NLĐ đăng ký học nghề, tìm việc làm phù hợp; tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho NLĐ. Tập trung vào các dự án phát triển tiểu thủ công nghiệp, chuyển đổi nghề, tạo việc làm ở những khu vực chuyển đổi mục đích sử dụng đất hoặc bị thu hồi đất để xây dựng các cụm tiểu thủ công nghiệp, các công trình công cộng; hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp nhỏ ngoài quốc doanh, mục đích tạo được việc làm mới cho 24.500 lao động trong năm 2011.

 

Các học viên học tiếng Hàn tại Trung tâm Giới thiệu việc làm Bình Định để đi XKLĐ sang Hàn Quốc.

 

* XKLĐ sang thị trường thu nhập cao

Trong năm 2010, công tác XKLĐ được chú trọng, Sở đã phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ đội Biên phòng tỉnh tuyên truyền về các chính sách đào tạo nghề, giới thiệu việc làm và XKLĐ cho hàng trăm chiến sĩ xuất ngũ; phối hợp với các doanh nghiệp XKLĐ xuống tận thôn, bản tổ chức tư vấn trực tiếp về các chủ trương của Đảng, Nhà nước hỗ trợ cho NLĐ tham gia XKLĐ và các điều kiện tuyển chọn, điều kiện làm việc, tiền lương, thu nhập… Qua đó, năm 2010, cả tỉnh đã đưa được 506 lao động đi làm việc tại các thị trường: Malaysia, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc… Số lao động đi xuất khẩu thuộc 3 huyện nghèo là 154 người; trong đó hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số 146 người. Trong tổng số lao động đã đi XKLĐ có trên 40% đã qua đào tạo nghề, trên 60% có trình độ THCS và THPT, khoảng 25% là quân nhân sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự.

Tuy nhiên, số lao động đi XKLĐ chưa đạt kế hoạch đề ra. Số người XKLĐ qua các thị trường có thu nhập cao như Nhật Bản, Hàn Quốc… còn ít. Công tác đào tạo ngoại ngữ cho NLĐ thuộc hộ nghèo, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số rất khó khăn. Công tác tuyên truyền, vận động NLĐ đi XKLĐ còn nhiều hạn chế. Chậm hình thành đội ngũ tuyên truyền viên cơ sở của các xã, thị trấn. Việc triển khai chính sách hỗ trợ NLĐ nâng cao trình độ văn hóa để tham gia XKLĐ chưa thực hiện được.

Năm 2011, toàn tỉnh sẽ đưa đi XKLĐ 500 người; trong đó riêng 3 huyện miền núi là 350 người. Để đạt được kết quả này, Sở sẽ tăng cường công tác đào tạo nghề và giáo dục định hướng cho lao động đi XKLĐ; duy trì các thị trường truyền thống có thu nhập cao, việc làm ổn định như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan…; đồng thời tiếp cận thêm một số thị trường phù hợp với điều kiện kinh tế, văn hóa của Bình Định; không đưa lao động đi XKLĐ ở thị trường có mức thu nhập dưới 300 USD/tháng.

  • Nguyễn Phúc
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Nhiều cá nhân, tập thể điển hình trong làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ   (24/12/2010)
Công an tỉnh đón nhận Huân chương Độc lập, Huân chương Chiến công   (24/12/2010)
Ký Quy chế phối hợp phòng chống tham nhũng   (24/12/2010)
Tìm giải pháp giảm thiểu tai nạn giao thông   (24/12/2010)
Hội nghị lần thứ 3 Đảng ủy Quân sự tỉnh   (24/12/2010)
Xây dựng được nhiều mô hình hoạt động  (23/12/2010)
Giao quyền tự chủ biên chế, tài chính cho 3 cơ sở giáo dục  (23/12/2010)
Lãnh đạo tỉnh thăm, chúc mừng các tổ chức và chức sắc Công giáo, Tin lành  (23/12/2010)
Cứu 7 ngư dân gặp nạn trên biển  (23/12/2010)
Không có tội phạm và tệ nạn xã hội  (23/12/2010)
Giáng sinh vui vẻ, an lành  (23/12/2010)
Nghiên cứu, đánh giá tình hình nhiễm khuẩn bệnh viện   (22/12/2010)
Thiếu bác sĩ nhưng... tìm đâu ra?   (22/12/2010)
65 năm Quốc hội Việt Nam   (22/12/2010)
Đại hội đại biểu Toàn quốc lần thứ IV của Đảng (12.1976)   (22/12/2010)