MẤT CÂN BẰNG GIỚI TÍNH KHI SINH:
Ngày càng nóng!
19:9', 25/12/ 2010 (GMT+7)

Đến năm 2010, Bình Định là một trong 28 tỉnh, thành của cả nước có tỉ số giới tính khi sinh ở mức báo động trên 110/100. “Mất cân bằng giới tính khi sinh đang là vấn đề nóng của tỉnh” - ông Nguyễn Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh, báo động.

* “Khát” con trai

Từ năm 2007-2010, tỉ số giới tính khi sinh bình quân của huyện An Nhơn là 112/100. Theo chiều hướng này, hàng năm số trẻ em trai sinh ra trên địa bàn huyện tăng dần, cứ 100 trẻ gái sinh ra cũng đồng thời 112 trẻ trai ra đời; có 4 xã, thị trấn tỉ số đạt trên 120, vượt xa ngưỡng bình quân chung của tỉnh và huyện.

 

Mất cân bằng giới tính khi sinh, với xu hướng trẻ em nam nhiều hơn trẻ em nữ, đang là vấn đề “nóng” trong công tác DS-KHHGĐ của tỉnh.Ảnh: T.X.Chi

 

Ông Nguyễn Văn Chánh, Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện, cho biết: “Qua các cuộc hội thảo, nói chuyện chuyên đề, sinh hoạt câu lạc bộ thì thấy có 10% lý do mong muốn sinh được con trai thuộc về các hộ gia đình làm ngành nghề cần có lao động cơ bắp như nghề rèn, đi biển... Trong khi đó, sức ép về chính sách DS-KHHGĐ mỗi gia đình chỉ có từ 1 hoặc 2 con, khoa học - kỹ thuật phát triển cũng tạo điều kiện thuận lợi trong lựa chọn thai nhi… Nhưng ý kiến bao trùm, trên 90%, vẫn là tư tưởng “trọng nam khinh nữ”, sinh con trai để nối dõi tông đường”.

Trung tâm đã thực hiện 2 đợt khảo sát với đối tượng trong diện sinh con trên địa bàn huyện. Kết quả cho thấy, có 80% số người muốn sinh con trai đầu lòng để bảo đảm chắc chắn, 90% ý kiến nhất thiết phải sinh bằng được con trai để nối dõi tông đường, chỉ 10% có ý kiến khác.

Tư tưởng phải có con trai để nối dõi tông đường, có con trai để có chỗ dựa lúc về già là những nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này. Bà Trần Thị Ngọc Như, Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Vân Canh, cho biết: “Nhiều cặp vợ chồng kiên quyết phải sinh con trai, thậm chí càng nhiều con trai càng tốt”. Điều này cũng được ghi nhận trong một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu và Phát triển xã hội, thực hiện tại 3 tỉnh có tỉ số giới tính khi sinh cao, trong đó có Bình Định. Một số người được hỏi cho rằng, ai sinh được con trai là nhà đó có phúc. Với họ, việc có con trai là vấn đề danh dự, là nỗi trăn trở của cả gia đình.

* Cần có chiến lược lâu dài

Hiện nay, tỉ số giới tính khi sinh của nước ta đã ở mức 112, vượt khá xa tỉ số giới tính khi sinh theo quy luật tự nhiên (dao động trong khoảng 103-106). Tỉ số này tương đương với tỉ số giới tính khi sinh của Trung Quốc năm 1989, khi nước này bước vào tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh.

Tại Bình Định, từ năm 2006 đến nay, tỉ số này luôn vượt ngưỡng 113/100. Ông Nguyễn Văn Quang khẳng định, nếu cứ tiếp tục tình trạng này thì trong 20 năm nữa, ước tính ở nước ta có khoảng 3 triệu nam thanh niên đến tuổi yêu và kết hôn sẽ không tìm được… vợ. Khi đó, sẽ có hàng loạt vấn đề xuất hiện như nạn buôn bán phụ nữ, mất bình đẳng giới, thay đổi cơ cấu dân số và phân bổ lao động.

Năm 2010, Bình Định được Trung ương hỗ trợ triển khai đề án can thiệp mất cân bằng giới tính khi sinh. Đến thời điểm này, nhiều hoạt động truyền thông vận động đã được thực hiện tại cộng đồng. Tuy nhiên, để giảm mất cân bằng giới tính khi sinh, đòi hỏi phải có một quá trình lâu dài.

Trong những năm qua, Trung ương đã triển khai nhiều biện pháp chủ động kiểm soát và hạn chế mất cân bằng giới tính khi sinh. Pháp lệnh Dân số năm 2003 và Kết luận 44 của Bộ Chính trị năm 2009 đều nghiêm cấm các hành vi lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức. Nhưng, trên thực tế đến thời điểm này, chưa có cơ sở y tế nào bị xử lý vì hành vi này.

Nhiều ý kiến cho rằng, để giải quyết “gốc rễ” nhận thức và hành vi về sinh con “dù trai hay gái” theo quy luật sinh sản tự nhiên phải vượt qua rất nhiều rào cản về tâm lý, phong tục tập quán, KT-XH, đặc biệt tư tưởng “trọng nam khinh nữ” vốn ngấm sâu vào tiềm thức của nhiều người. Đó là quá trình tác động điều chỉnh các nội dung pháp luật có lợi cho vị thế của phụ nữ; đồng thời, sử dụng có hiệu quả công tác tuyên truyền, tư vấn để giúp cho mỗi cá nhân, gia đình và cộng đồng nâng cao nhận thức và thay đổi bền vững về hành vi sinh sản. Việc xây dựng khung đề án can thiệp các yếu tố ảnh hưởng đến giới tính khi sinh cũng là việc cần làm ngay.

  • Thu Hiền
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Khám bệnh, tặng quà cho người nghèo   (25/12/2010)
Nghề mới ở Phước Lộc   (24/12/2010)
Đẩy mạnh giải quyết việc làm cho người lao động  (24/12/2010)
Nhiều cá nhân, tập thể điển hình trong làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ   (24/12/2010)
Công an tỉnh đón nhận Huân chương Độc lập, Huân chương Chiến công   (24/12/2010)
Ký Quy chế phối hợp phòng chống tham nhũng   (24/12/2010)
Tìm giải pháp giảm thiểu tai nạn giao thông   (24/12/2010)
Hội nghị lần thứ 3 Đảng ủy Quân sự tỉnh   (24/12/2010)
Xây dựng được nhiều mô hình hoạt động  (23/12/2010)
Giao quyền tự chủ biên chế, tài chính cho 3 cơ sở giáo dục  (23/12/2010)
Lãnh đạo tỉnh thăm, chúc mừng các tổ chức và chức sắc Công giáo, Tin lành  (23/12/2010)
Cứu 7 ngư dân gặp nạn trên biển  (23/12/2010)
Không có tội phạm và tệ nạn xã hội  (23/12/2010)
Giáng sinh vui vẻ, an lành  (23/12/2010)
Nghiên cứu, đánh giá tình hình nhiễm khuẩn bệnh viện   (22/12/2010)