Đến hết tháng 12, TP Quy Nhơn là địa phương duy nhất trong tỉnh có tỉ lệ sinh con thứ 3 giảm còn một con số.
Quy Nhơn có địa hình rộng và đa dạng, phức tạp. Đại bộ phận dân cư sống bằng nghề làm biển, buôn bán, tiểu thủ công nghiệp. Phong tục, tập quán của người dân vùng biển thích đẻ nhiều con, thích sinh con trai để đi biển, nối dõi tông đường... nên ở những xã đảo và các phường ven biển mức sinh vẫn còn cao, có nơi tỉ lệ sinh con thứ 3 trở lên ở mức trên 20%.
|
Bà Hường nhiệt tình tham gia công tác DS-KHHGĐ dù đã ở tuổi 80. |
Anh Nguyễn Anh Tuấn, cán bộ Trung tâm DS-KHHGĐ TP Quy Nhơn, cho biết: “Nhiều năm trước, Quy Nhơn chỉ giảm được tỉ lệ sinh con thứ 3 ở các phường nội thành. Đến năm 2010, trong số 66/152 khu vực không có người sinh con thứ 3 trở lên xuất hiện nhiều địa bàn vùng nông thôn và biển đảo”.
Năm 2010, tỉ suất sinh toàn thành phố tiếp tục giảm, hiện đang ở mức 8,9%o, tỉ lệ sinh con thứ 3 trở lên là 8,0%. Đặc biệt, ở các xã biển vốn được xếp vào “top” đẻ nhiều cũng đã có thôn không có người sinh con thứ 3. Nguyên nhân để Quy Nhơn đạt kết quả trên trước hết là nhờ sự chủ động trong lập kế hoạch và thực hiện các chương trình dân số. TP Quy Nhơn quan niệm đầu tư cho công tác DS-KHHGĐ là đầu tư cho sự phát triển bền vững. Việc đưa chính sách DS-KHHGĐ vào quy ước khu vực tác động mạnh mẽ đến công tác này. Năm 2010, Quy Nhơn triển khai nhiều đề án về dân số. Công tác tuyên truyền vận động diễn ra đều khắp và mạnh mẽ, làm thay đổi nhận thức và hành vi của người dân.
Anh Nguyễn Anh Tuấn khẳng định: “Để có những thành công của công tác DS-KHHGĐ như hôm nay không thể không nhắc đến những đóng góp to lớn của đội ngũ chuyên trách và cộng tác viên dân số”. Hiện, Quy Nhơn có đội ngũ làm công tác DS-KHHGĐ ở cơ sở khá mạnh, với gần 300 người. Những cộng tác viên trẻ có trình độ, mạnh trong quản lý địa bàn còn những người lớn tuổi lại mạnh về kinh nghiệm, nhiệt tình và uy tín.
80 tuổi, bà Nguyễn Thị Mai Hường vẫn nhiệt tình phụ trách công tác DS-KHHGĐ của khu vực 10, phường Lê Lợi. Trong hơn 10 năm làm công tác này, bà Hường đã vừa thuyết phục đối tượng vừa trực tiếp báo cáo với cấp ủy, chi bộ để kịp thời chỉ đạo, kêu gọi sự tham gia phối hợp của các đoàn thể cùng đến gia đình vận động. “Mưa dầm thấm lâu”, nhiều cặp vợ chồng đã chấp nhận KHHGĐ. Khu phố 10 đã 4 năm liên tục không có người sinh con thứ 3. Bà Hường chia sẻ: “Muốn làm tốt công tác DS-KHHGĐ, cộng tác viên phải là người quản lý tốt địa bàn, hiểu rõ đối tượng, thường xuyên gần gũi, gặp gỡ trao đổi để hiểu được tâm tư, nguyện vọng của từng người, qua đó tìm ra biện pháp giúp đỡ hiệu quả”.
Hiện nay, giảm mức sinh không còn là chuyện nóng của Quy Nhơn. Thành phố đang tập trung nguồn lực đẩy mạnh các hoạt động nâng cao chất lượng dân số.
|