Ám ảnh ung thư…
20:56', 25/12/ 2010 (GMT+7)

Nhiều năm qua, người dân thôn An Thành (xã Nhơn Lộc, huyện An Nhơn) sống trong nỗi hoang mang trước hiện tượng ngày càng có nhiều người mắc bệnh ung thư. Họ cho rằng, nguồn nước ô nhiễm dẫn đến tình trạng này. Thực hư vấn đề thế nào?  

 

Len lỏi giữa khu dân cư mới ở An Định là những bãi sình lầy đen kịt, bốc mùi tanh tưởi.

 

* Người dân hoang mang

Ông Hồ Văn Tiên, Trưởng thôn An Thành, cho biết: thôn An Thành có 4 xóm: An Nam, An Hòa, An Định, An Xuân. Cả thôn có 565 hộ với 2.350 nhân khẩu. Nhiều năm qua, người dân An Thành không nguôi ám ảnh trước hiện tượng nhiều người bị chết do bệnh ung thư. Theo thống kê sơ bộ của Trạm Y tế xã Nhơn Lộc, từ năm 2005 đến nay, cả thôn An Thành có 68 người chết, trong đó có 16 người bị ung thư, phần lớn là ung thư gan.

Tại xóm An Nam, 5 năm qua, có đến 6 người chết do ung thư; trong đó 4 người bị ung thư gan. Hiện tại, 3 người khác cũng đang vật lộn với bệnh ung thư. Đó là ông Đỗ Kim Hùng (ung thư bướu), chị Tạ Thị Phương (ung thư vú) và bà Trần Thị Xuân Nương (ung thư gan). Anh Bùi Văn Siêm, 40 tuổi, kể: “Tôi sống ở đây từ nhỏ đến giờ, nên được tận mắt chứng kiến nhiều cái chết do ung thư gây ra. Năm ngoái, bà ngoại tôi mất cũng do ung thư não. Không phải 5 năm trở lại đây người dân An Nam mới xôn xao vì bệnh ung thư, mà nhiều năm trước đó, ung thư đã là nỗi ám ảnh”.

 

Căn bệnh ung thư đã thật sự trở thành nỗi ám ảnh đối với người dân An Thành.

 

Ông Hồ Văn Tiên đưa tôi đến khu dân cư mới ở xóm An Định. Khu dân cư nhỏ với 75 hộ dân sinh sống cũng đang ngày đêm bị bệnh ung thư rình rập. Chỉ 1 năm qua, khu này đã phát hiện 3 trường hợp mắc bệnh ung thư, 1 người đã chết. Chị Nguyễn Thị Năm, 37 tuổi, nhớ lại: “Khi biết chồng tôi bị ung thư gan, cả nhà đã dốc sức chạy chữa, nhưng chưa đầy 6 tháng, anh ấy đã đi rồi”.

Cũng như những gia đình khác, nhà chị Năm dùng nước sinh hoạt từ cái giếng khoan ngay cạnh vùng đất ô nhiễm nặng. Len lỏi giữa khu dân cư là những bãi sình lầy đen kịt, bốc mùi tanh tưởi. “Tại An Thành, hầu hết các hộ dân đều có giếng đào, hơn 50% số hộ có giếng khoan. Bao năm qua, người dân An Thành vẫn dùng nước giếng để ăn uống, sinh hoạt mà không qua bất cứ khâu lọc nào”- ông Tiên cho biết.

Ông Bùi Văn Chín, xóm trưởng xóm An Nam từ năm 2005 đến năm 2009, thừa nhận: “Đúng là lâu nay, người dân An Nam uống nước giếng không qua lọc. Gần đây, có người đến rao bán bộ lọc nước, khi giới thiệu sản phẩm đã đổ một ly nước giếng qua bộ lọc, chúng tôi thấy kết tủa màu vàng. Người dân cũng ý thức được nước giếng không sạch, nhưng bộ lọc giá quá cao (đến hơn 3,5 triệu đồng/bộ) nên không mua nổi”.

* Cần cơ quan chức năng vào cuộc

Người dân An Thành dùng nước giếng để ăn uống, sinh hoạt mà không qua bất cứ khâu lọc nào.

Trong khi bài báo này lên khuôn, chúng tôi được biết, trong ngày mai (27.12), Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh sẽ tiến hành điều tra tình hình bệnh ung thư, kiểm nghiệm, phân tích nguồn nước và môi trường tại xóm An Nam, thôn An Thành, xã Nhơn Lộc, huyện An Nhơn. Mục tiêu là xác định tình hình bệnh tật, tử vong, đặc biệt là bệnh ung thư tại xóm An Nam, thôn An Thành; khảo sát các yếu tố môi trường liên quan đến nguyên nhân gây ung thư, nhất là nguồn nước sinh hoạt. Trong quá trình điều tra, sẽ lấy 2 mẫu nước giếng theo quy định kỹ thuật của Viện Y học lao động và môi trường; mẫu nước được lấy ngay tại gia đình có người được chẩn đoán là ung thư sinh sống. Chúng tôi sẽ cập nhật kết quả điều tra, kiểm nghiệm của cơ quan chức năng đến bạn đọc.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề bệnh ung thư ở thôn An Thành, ông Nguyễn Thành Sơn, Phó chủ tịch xã Nhơn Lộc, xác nhận: “Qua theo dõi, chính quyền xã cũng biết số người mắc bệnh ung thư ở thôn An Thành khá nhiều, nhất là tại xóm An Nam. Tại các đợt tiếp xúc cử tri, người dân cũng nhiều lần bày tỏ sự lo lắng trước thực trạng này. Dư luận chung cũng nghi ngờ là do nguồn nước ô nhiễm, tuy nhiên do chưa tiến hành các kiểm nghiệm cần thiết nên không thể xác định được nguyên nhân chính xác. Xã đã chỉ đạo Trạm Y tế báo cáo tình hình lên cấp trên để tiến hành các hoạt động chuyên môn”.

Về tình hình ô nhiễm tại khu dân cư mới ở xóm An Định, ông Sơn cho biết: Khi xây dựng khu dân cư này, có mương thoát nước thải hẳn hoi, nhưng do một số hộ dân thiếu ý thức cho các chất thải chăn nuôi chảy trực tiếp vào đường mương nên gây tắc nghẽn lâu ngày, làm ô nhiễm môi trường. “Trước mắt, chúng tôi sẽ phát động các đợt tổng vệ sinh, nhất là tại các nơi tập trung đông dân cư. Chúng tôi cũng tha thiết mong các cơ quan chức năng sớm vào cuộc, tiến hành công tác điều tra, kiểm nghiệm để có thông tin chính thức đến người dân, giúp chúng tôi trấn an dư luận”- ông Sơn bày tỏ.

Ông Sơn cũng cho biết thêm, nằm trong dự án nước sạch nông thôn, kể từ Tết Tân Mão, 3 thôn của Nhơn Lộc là Tráng Long, Cù Lâm và Tân Lập sẽ được sử dụng nước sạch. Trong khi đó, do chưa được sự ủng hộ, đồng thuận của người dân nên đường ống nước sạch chưa thể đến được 3 thôn còn lại là An Thành, Đông Lâm và Trường Cửu. 

  • Nguyễn Văn Trang
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Ấm tiếng cười, tươi màu ngói mới   (25/12/2010)
Người cộng tác viên dân số năng nổ   (25/12/2010)
Điểm sáng Quy Nhơn  (25/12/2010)
Ngày càng nóng!  (25/12/2010)
Khám bệnh, tặng quà cho người nghèo   (25/12/2010)
Nghề mới ở Phước Lộc   (24/12/2010)
Đẩy mạnh giải quyết việc làm cho người lao động  (24/12/2010)
Nhiều cá nhân, tập thể điển hình trong làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ   (24/12/2010)
Công an tỉnh đón nhận Huân chương Độc lập, Huân chương Chiến công   (24/12/2010)
Ký Quy chế phối hợp phòng chống tham nhũng   (24/12/2010)
Tìm giải pháp giảm thiểu tai nạn giao thông   (24/12/2010)
Hội nghị lần thứ 3 Đảng ủy Quân sự tỉnh   (24/12/2010)
Xây dựng được nhiều mô hình hoạt động  (23/12/2010)
Giao quyền tự chủ biên chế, tài chính cho 3 cơ sở giáo dục  (23/12/2010)
Lãnh đạo tỉnh thăm, chúc mừng các tổ chức và chức sắc Công giáo, Tin lành  (23/12/2010)