Về Đoàn Phòng không N73, giữa những khẩu pháo kềnh càng lạnh tanh ánh thép, chúng tôi nghe được nhiều câu chuyện thấm đẫm tình người, hiểu được vì sao nơi đây gương mặt ai nấy đều rạng rỡ...
|
Giờ thể dục ở Đoàn Phòng không N73.
|
* Giúp “quân” tránh bão
Ở “Năm Bảy Ba” hiện có 135 quân nhân chưa có nhà ở. Hầu hết ở nhà thuê hoặc dựa vào nhà vợ ở khu vực An Nhơn. Gần 40 hộ mượn doanh trại cũ của đơn vị ở tạm. Nhà cũ kỹ, xuống cấp, mùa nắng còn đỡ, mùa mưa bão là nỗi lo lắng không chỉ của quân nhân mà của cả lãnh đạo, chỉ huy Đoàn. Còn nhớ trong cơn bão số 9 và số 11 năm 2009, cùng với việc ra lệnh các gia đình khẩn trương rời nhà đến nơi an toàn, đơn vị còn cho xe và lực lượng giúp gia đình khuân chuyển đồ đạc lên các nhà đại đội. Bão qua, lại giúp các hộ về lại nhà mình. Đại úy Đinh Phương Bắc, Đại đội trưởng Đại đội 2, Phân đội 1 nói: “Đơn vị lo cho chúng tôi nhiều quá. Dẫu còn nhiều khó khăn nhưng anh em ở đây ai cũng yên lòng”. Hiện nay, đơn vị đã làm việc với địa phương, Quân khu 5 và đang có tờ trình xin 250 suất đất quốc phòng để quân nhân làm nhà. Nếu được trên xét duyệt thì quả thực là tín hiệu vui của làng lính nơi đây.
Theo Đại tá Trương Xuân Lai, Chính ủy Đoàn thì chuyện nhà cửa tuy đáng lo nhưng không đáng ngại. Điều trăn trở nhất của Chỉ huy đơn vị là làm sao nắm được tư tưởng của cán bộ, chiến sĩ, “không để cái sảy nảy cái ung” như từng có trường hợp trước đây. Với những gia đình sinh hoạt tại địa phương, hàng tháng đều có phiếu nhận xét của trưởng thôn. Trong các cuộc giao ban đơn vị, chỉ huy các cấp đều đề cập việc quản lý tư tưởng cán bộ, đảng viên. Đã có trường hợp một gia đình quân nhân thường xuyên lục đục bởi đời sống quá khó khăn, Đoàn đã tạo điều kiện để người vợ có việc làm. Lại có quân nhân ở phòng Kỹ thuật, vợ ở tận Đắc Lắc sinh con lần đầu không may bị sa sẩy, đơn vị đã quyên góp tiền, động viên giúp anh vượt qua buồn đau. Tình đồng đội ở Đoàn N73 còn là sự nhiệt tình, vun vén, giúp nhau tìm hạnh phúc lứa đôi, xây dựng cuộc sống mới, “an cư lạc nghiệp”, gắn bó với đơn vị dài lâu.
* Sát cánh cùng dân trong hoạn nạn
Một đồng chí lãnh đạo huyện đã nói về Đoàn Phòng không N73 với niềm yêu mến: “N73 có mối quan hệ tốt với địa phương và các đơn vị kết nghĩa, sát cánh cùng chúng tôi lúc bình yên cũng như hoạn nạn, góp phần giữ vững địa bàn an toàn, ngăn chặn ma túy, khắc phục thiên tai”.
Ông Đỗ Văn Hỉ, thôn Tân Hòa, xã Nhơn Hòa được bệnh xá của đơn vị băng bó khi bị tai nạn xúc động nói: “Cám ơn bộ đội N73 nhiều lắm.” Đứng chân trên Quốc lộ 19, đường xấu, độ dốc cao, đây cũng là nơi có nhiều doanh nghiệp, chủ yếu là sản xuất gỗ, khai thác đá vì thế tai nạn giao thông, tai nạn lao động thường xuyên xảy ra. Mỗi năm các y, bác sĩ ở đây cấp cứu gần 200 ca. Đã thành lệ, mỗi khi có sự cố trên quãng đường này, người dân lại tìm đến bệnh xá của Đoàn. Vậy là ngày cũng như đêm, các y, bác sĩ luôn cơ động ra hiện trường, sơ cứu ban đầu, khâu vá cầm máu vết thương; trường hợp nặng báo đơn vị cho xe chở đi bệnh viện huyện hoặc tỉnh, góp phần cứu sống nhiều ca thập tử nhất sinh.
Trong cơn bão số 11 đổ bộ vào Bình Định, gây lũ lớn ở thị trấn Diêu Trì (Tuy Phước), thị trấn Bình Định (An Nhơn), bộ đội N73 là những người đầu tiên có mặt di dời, cứu hộ hơn 200 đồng bào ra khỏi vùng nguy hiểm. Thượng úy Nguyễn Văn Tú và đồng đội đã dũng cảm cứu một người dân giữa dòng nước xiết (sau này anh đã được tôn vinh là một trong mười gương mặt tiêu biểu của tuổi trẻ cả nước). Sau lũ, cũng những người lính dầm mình trong bùn đất giúp dân dọn dẹp đường giao thông, nạo vét kênh mương, nạo vét cát sa bồi đồng ruộng, sửa chữa, củng cố hơn một trăm ngôi nhà, trường học. Sau trận lũ cuối tháng 11.2010, những cánh đồng lúa trên địa bàn tỉnh Bình Định đã bị cát vùi lấp nghiêm trọng, cán bộ, chiến sĩ của đơn vị đã ra đồng giúp bà con khôi phục sản xuất. Tình quân dân cá nước dưới chân tháp Bánh Ít vì thế ngày càng thêm sâu nặng, bền chặt theo năm tháng…
|