Hơn 15 năm qua, cô Nguyễn Thị Tính, giáo viên Trường mầm non xã Canh Hòa, huyện Vân Canh, đã chăm lo hết mực cho các cháu và gắn bó đời mình với xã miền núi còn nhiều khó khăn này.
Dạy mẫu giáo ở vùng cao có rất nhiều khó khăn. Với một cô giáo người Kinh đến từ tỉnh miền núi phía bắc Hòa Bình xa xôi, khó khăn còn nhiều hơn. Nhưng bằng nỗ lực, cô giáo Tính không chỉ sớm nói được tiếng mà còn hiểu được tâm tư tình cảm của các cháu, của phụ huynh và những người xung quanh. Với người dân ở xã Canh Hòa, nhiều năm qua, cô đã là “người của làng”.
|
Cô Tính trong một giờ lên lớp. |
Buổi sáng, cô dạy ở làng Canh Phước. Đến chiều, lại đạp xe gần 10 km sang dạy ở làng Canh Lãnh. Tối về, bên ánh đèn dầu, cô miệt mài soạn giáo án và tự học. Cô Tính cười: “Mình không chỉ dạy mà còn học tiếng từ chính các cháu. Mình rất vui khi có thể giao tiếp thoải mái bằng tiếng của các cháu hoặc tiếng Kinh. Và nhờ thế mà mình dần dần hiểu được phong tục, tập quán của đồng bào”.
Chị Đoàn Thị Lan (ở làng Canh Thành) nói: “Trước đây, người làng mình không muốn cho con đi học đâu. Nhưng trẻ đi học ở chỗ cô giáo Tính về rất ngoan, biết nói tiếng Kinh, biết ca hát… ai cũng vui. Mình lên rẫy, gửi con cho cô Tính rất yên tâm”.
Năm 2002, cô giáo Nguyễn Thị Tính được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Trường mầm non xã Canh Hòa, trách nhiệm càng nặng nề hơn. Tự tay mình, cô soạn giáo án song ngữ Chăm-Việt, Bana-Việt để giúp các cô giáo trẻ dễ dàng đứng lớp, làm quen với các cháu.
Cô Tính tâm sự: “Mình gắn bó với mảnh đất này đầu tiên là vì các cháu. Nhìn ánh mắt trẻ thơ trong vắt của các cháu dõi theo từng động tác của mình trong giờ học, giờ chơi, nghe như nuốt từng lời mình nói - không hạnh phúc nào có thể so sánh bằng!”.
|