Có nên như thế?
22:35', 27/12/ 2010 (GMT+7)

Cách đây mấy hôm, đi dự lễ động thổ một ngôi trường tiểu học nọ, tôi có xem chương trình văn nghệ do chính thầy cô và học sinh của trường biểu diễn trước lễ khởi công.

Đến phần biểu diễn đồng ca của các em thiếu nhi, không ít người có mặt trong buổi lễ trầm trồ: “Các em hát hay quá”. Nhưng có người lại tỏ ý nghi ngờ, liệu có phải các em hát thật không vì giọng hát điêu luyện quá, có lẫn giọng Bắc, và hình như chỉ một giọng hát thay vì cả một dàn đồng ca. Nỗi hoài nghi đã được xác tín thêm khi bỗng dưng nhạc đột ngột dừng. Nhạc dừng, mà các em vẫn hát, giọng không trong trẻo, thánh thót như ban đầu. Sau khi sự cố được khắc phục, các em lại hát lại bài hát đó, sau đó là một bài hát mang âm hưởng giọng miền Nam. Người nghe ở dưới chép miệng, buồn bã: “Hát hay thật, nhưng không phải các em đang hát, mà chỉ nhép môi”. Đến khi các em trình bày bài hát về ngôi trường của chính mình, lần này người nghe mới công nhận: “Đây mới đúng là giọng của các em”. Đến một bài hát do thầy cô trình bày, người nghe bên dưới lại tiếp tục nghi ngờ: “Nếu mà hát hay đến như vậy thì người ta đã tuyển đi làm ca sĩ. Mà cái giọng ca nữ này, tôi nghe quen lắm kia…”. 

Một số người có mặt trong buổi động thổ “bình”: văn nghệ nhà trường do học sinh, thầy cô trình bày, của “cây nhà lá vườn”, nếu giọng có hơi dở, hơi trật nhạc một chút, chắc chẳng ai nỡ nào trách. Vả lại, đấy chỉ là buổi động thổ khởi công, chứ nào có phải biểu diễn văn nghệ gì đâu mà sợ “bể dĩa”. Con trẻ, nếu sơ sẩy một chút cũng chẳng ai trách móc gì.

Có lẽ, nhà trường sợ làm hỏng không khí long trọng của lễ khởi công nên mới làm vậy cho chắc ăn. Nhưng đứng về phía học sinh, thì lại có phần hơi bất nhẫn vì lẽ công sức luyện tập của các em, hóa ra cũng chỉ là “nhép miệng”, để “ăn rơ” với giọng hát trên đĩa. Sâu xa hơn, chuyện tưởng nhỏ, nhưng vô hình chung, thầy cô giáo đã tạo cho các em một tiền lệ của sự không trung thực. Không trung thực trong chuyện nhỏ thì sẽ dẫn đến không trung thực những chuyện lớn hơn, mà trong trường hợp này, chính thầy cô giáo là người khởi xướng.

Cuối cùng thì buổi lễ đã diễn ra tốt đẹp. Có lẽ, ít người để ý đến “sự cố” nhỏ đã xảy ra trong lúc trình diễn văn nghệ. Nhưng với những người quan tâm, suy nghĩ đến việc giáo dục đạo đức cho học sinh trong nhà trường, thì vẫn băn khoăn tự hỏi: có nên như thế?

  • Nguyễn Sơn
In trang Gửi phản hồi

CÁC TIN KHÁC >>
Cô yêu từng đôi mắt sáng  (27/12/2010)
Sẽ tăng cường cơ sở đào tạo nguồn nhân lực  (27/12/2010)
Triển khai nhiệm vụ quốc phòng năm 2011   (27/12/2010)
Quy định chi tiết thẩm quyền cấp biển số xe  (26/12/2010)
Sống giữa tình thương  (26/12/2010)
Xây dựng nhiều mô hình hoạt động  (26/12/2010)
Huyện ủy Vĩnh Thạnh triển khai nhiệm vụ năm 2011  (26/12/2010)
Quy hoạch phát triển nhân lực các tỉnh Nam Trung bộ, giai đoạn 2011 - 2020  (25/12/2010)
Ám ảnh ung thư…  (25/12/2010)
Ấm tiếng cười, tươi màu ngói mới   (25/12/2010)
Người cộng tác viên dân số năng nổ   (25/12/2010)
Điểm sáng Quy Nhơn  (25/12/2010)
Ngày càng nóng!  (25/12/2010)
Khám bệnh, tặng quà cho người nghèo   (25/12/2010)
Nghề mới ở Phước Lộc   (24/12/2010)