Theo dự báo của ngành Y tế, số bệnh nhân mắc bệnh ung thư (UT) có xu hướng ngày càng tăng. Phòng, chống UT là “cuộc chiến” lâu dài, bền bỉ của toàn xã hội.
* Người dân thiếu kiến thức
Đó là kết quả khảo sát kiến thức và việc phơi nhiễm với một số yếu tố nguy cơ liên quan đến bệnh UT của người dân do Sở Y tế tiến hành từ tháng 5 đến tháng 12.2010, tại 30 xã, phường trong tỉnh. Đối với nhận thức về nguy cơ liên quan đến bệnh UT, 85% số người được phỏng vấn trả lời đúng là thuốc lá và ăn uống.
UT hiện được ví như những “kẻ giết người thầm lặng”. Không ít bệnh nhân phát hiện được bệnh khi khối u đã to, di căn. Cả một quá trình âm thầm diễn biến của bệnh họ gần như không hề hay biết. Trong khi đó, kết quả chữa khỏi bệnh vẫn còn hạn chế do đa số phát hiện ở giai đoạn muộn.
|
60,3% người dân được phỏng vấn cho biết thường xuyên tiếp xúc với hóa chất trừ sâu, diệt cỏ. |
Cũng theo kết quả khảo sát nói trên, tỉ lệ mắc UT của một số địa phương là 600/100.000 dân, UT mới mắc trong vòng 1 năm là 400/100.000 dân. Cụ thể một số địa bàn: thôn An Lạc Đông 1 (thị trấn Phù Mỹ, huyện Phù Mỹ) là 338; thôn Bình Trị (xã Mỹ Quang, huyện Phù Mỹ) là 340; thôn Phú Giao (xã Cát Thắng, huyện Phù Cát) là 458; xóm Sơn Tuyền (thôn Hội Sơn, xã Cát Sơn, huyện Phù Cát) là 820 và thôn Cảnh An (xã Cát Tài, huyện Phù Cát) là 605. Bệnh UT thường gặp ở nam giới là UT gan, phổi và dạ dày; ở nữ giới là UT cổ tử cung, vú và phổi.
Bác sĩ Hồ Việt Mỹ, Phó Giám đốc Sở Y tế, cho biết: “Nguyên nhân UT rất đa dạng. Ngoài một số tác nhân được biết, các bệnh UT còn được xác định liên quan đến nghề nghiệp, tác nhân di truyền… Theo kết quả khảo sát, 60,3% người dân được phỏng vấn cho biết thường xuyên tiếp xúc với hóa chất trừ sâu, diệt cỏ và 2,6% có người trong hộ gia đình có UT”.
Đặc biệt, UT đang ngày càng tăng do tác động của môi trường bị ô nhiễm, thói quen sử dụng thuốc lá, chất có cồn, thói quen ăn uống... 38,4% số người đã từng hút thuốc lá (98,5% bắt đầu hút thuốc ở độ tuổi thanh, thiếu niên), 43,3% đã từng chung sống hoặc làm việc cùng phòng với người thường xuyên hút thuốc lá. Trong khi đó, tỉ lệ người dân ăn từ 4 lần/tuần trở lên loại thức ăn được chế biến dưới dạng rán, chiên là 14%; dạng dưa và cà muối là 5%; thịt và cá khô: 4,9% và nướng: 3,2%. Đây là tình trạng rất đáng báo động.
* Phòng chống thế nào?
Bệnh UT đang là gánh nặng kinh tế - xã hội với mọi quốc gia. Đáng chú ý, một trong những nguyên nhân làm tăng số người chết vì UT là do người dân chưa hiểu đúng về loại bệnh này. Theo khảo sát của Sở Y tế, có tới hơn 50% số người được hỏi cho rằng UT là bệnh nan y, không chữa được; 19,4% không ủng hộ điều trị vì nếu đụng dao kéo vào sẽ… di căn sớm và chóng chết! Nhiều người còn giấu bệnh, tự chữa trị bằng phương pháp phản khoa học, mê tín dị đoan. Những quan niệm sai lầm đó đã dẫn tới phần lớn số người mắc UT đến bệnh viện muộn, khi mà tế bào UT đã di căn. Trong khi trên thực tế, 30% ca mắc UT sẽ được chữa khỏi và kéo dài tuổi thọ nếu được phát hiện, điều trị sớm và đúng cách.
Với mục tiêu từng bước giảm tỉ lệ mắc và chết do UT, cải thiện chất lượng sống cho bệnh nhân, từ năm 2008 đến nay, Chương trình mục tiêu quốc gia phòng chống UT đã được triển khai với sự tham gia của 15 tỉnh, thành trong cả nước. Tháng 6.2010, Chương trình này chính thức được thực hiện tại Bình Định. Hiện Chương trình đang khởi động, tập trung vào các hoạt động điều tra, khảo sát kiến thức của người dân; tổ chức đào tạo, tập huấn cho nhân viên y tế; bước đầu sàng lọc và điều trị cho bệnh nhân UT tại Trung tâm Chăm sóc sức khoẻ sinh sản và Bệnh viện đa khoa tỉnh.
Đến thời điểm này, ngành Y tế đã tổ chức 6 lớp tập huấn cho 150 cán bộ đoàn thể, tổ chức xã hội cấp xã về vận động, truyền thông giáo dục về phòng chống UT của 36 xã thuộc 2 huyện có nguy cơ UT cao là Hoài Nhơn và Phù Cát. 18 lớp tập huấn chẩn đoán điều trị, chăm sóc giảm nhẹ và tư vấn phòng chống UT cho cán bộ làm công tác điều trị và chăm sóc cũng đã được tổ chức.
Bác sĩ Hồ Việt Mỹ nhấn mạnh: “Kết quả sơ bộ của cuộc điều tra năm 2010 cho thấy tỉ lệ mắc UT trên địa bàn tỉnh là khá cao. Vì thế, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ triển khai các cuộc khảo sát, ghi nhận UT dựa vào quần thể nhằm xác định tỉ lệ mắc UT trên địa bàn tỉnh để có giải pháp can thiệp phù hợp; tăng cường hoạt động truyền thông, đặc biệt chú trọng đến nông dân, đồng bào dân tộc thiểu số và người có trình độ học vấn thấp; đẩy mạnh xã hội hóa công tác phòng chống UT trong cộng đồng…”.
ĐIỀU TRỊ UNG THƯ:
Những kết quả bước đầu
Đến nay, Bình Định có 2 cơ sở tiếp nhận điều trị cho bệnh nhân mắc một số bệnh lý ung thư (UT) là Trung tâm Chăm sóc sức khoẻ sinh sản và Bệnh viện đa khoa tỉnh.
Trước đây, bệnh nhân mắc UT tại Bình Định đều phải chuyển viện ra Hà Nội hoặc vào TP Hồ Chí Minh để điều trị, tốn kém chi phí. Ra đời từ tháng 5.2008, đến nay khoa Ung bướu (Bệnh viện đa khoa tỉnh) đã có 70 giường bệnh, 9 bác sĩ.
Với việc được trang bị nhiều máy móc, thiết bị hiện đại, khoa Ung bướu đã triển khai phẫu thuật, hóa trị liệu một số dạng bệnh UT, đặc biệt là UT vú.
|
Nhiều phụ nữ đã được thụ hưởng Chương trình tầm soát UT vú và UT cổ tử cung. |
Bác sĩ Trần Hiệp, Phó khoa Ung bướu, cho biết: “Trước đây, Bệnh viện chẩn đoán chủ yếu dựa vào lâm sàng và sinh thiết u để biết rõ kết quả giải phẫu bệnh trước mổ UT vú, thì nay, đã dựa vào 3 yếu tố: lâm sàng, nhũ ảnh và chọc hút tế bào bằng kim nhỏ. Với những bệnh nhân UT vú giai đoạn sớm nhập viện ở bệnh viện tuyến tỉnh thì phẫu thuật và sau đó hóa trị là biện pháp điều trị hợp lý”.
Trong khi đó, Trung tâm Chăm sóc sức khoẻ sinh sản cũng đã triển khai khám, chẩn đoán UT cổ tử cung và UT vú. Tháng 5.2008, Trung tâm đã đầu tư máy chụp nhũ ảnh để chẩn đoán sớm UT vú. Đồng thời, cùng với sự hỗ trợ của Tổ chức Ủy thác Y tế Việt Nam - New Zealand, từ 2002, Trung tâm đã có một hệ thống chẩn đoán UT cổ tử cung. Hiện tại Trung tâm đã có một hệ thống phương tiện để chẩn đoán sớm UT vú, UT cổ tử cung cho phụ nữ.
Kết quả ghi nhận tại Bệnh viện đa khoa tỉnh, tần suất các bệnh lý UT được điều trị tại Bệnh viện này từ năm 2007-2009 là 4.949 ca. Số ca bệnh có xu hướng tăng dần theo từng năm. Cụ thể, năm 2007: 1.139 ca, năm 2008: 1.603 ca và năm 2009: 2.207 ca. UT dạ dày, trực tràng, phổi và gan dẫn đầu các bệnh UT. |
Bác sĩ Nguyễn Thị Bích, Giám đốc Trung tâm, cho biết: “Cứ 2 phút thì trên thế giới có 1 phụ nữ chết vì UT vú, UT cổ tử cung. Đây là 2 căn bệnh ác tính gây tử vong cao nhất trong tất cả loại UT đối với phụ nữ. Trong khi đó, những căn bệnh này hoàn toàn có thể chữa khỏi nếu được phát hiện sớm”.
Những kết quả điều trị bệnh UT tại Bình Định mới chỉ là bước đầu. Hiện các cơ sở y tế vẫn đang thiếu các thiết bị y khoa điều trị UT cũng như nhân viên y tế điều trị, chăm sóc bệnh nhân UT. Các phương tiện kỹ thuật điều trị UT ngày càng hiện đại nhưng hiệu quả cứu sống hoặc kéo dài sự sống vẫn chưa như mong đợi, bởi khi người bệnh được tiếp cận thì bệnh đã diễn tiến phức tạp, đã di căn.
Các bác sĩ khuyến cáo, UT là bệnh nguy hiểm nhưng có thể phòng ngừa được bằng cách tiêm vắc-xin cộng với việc thay đổi thói quen ăn uống, dinh dưỡng, tập thể dục đều đặn, hạn chế thuốc lá, bia, rượu...
| |