Dự án “Trợ giúp người khuyết tật và nạn nhân chất độc da cam/dioxin” tỉnh Bình Định, sau 2 năm thực hiện đã kết thúc với việc hoàn thành các mục tiêu đề ra.
|
Các hoạt động của dự án đã giúp cho nhiều người khuyết tật, nhất là trẻ em, giảm bớt khó khăn, tự tin vươn lên trong học tập và cuộc sống.
|
Mục tiêu của dự án là cải thiện việc chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng (PHCN) cho người khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam/dioxin, đặc biệt là trẻ em; hỗ trợ về điều kiện phát triển kinh tế và hòa nhập cộng đồng của người khuyết tật và gia đình; thực hiện mô hình chăm sóc trẻ khuyết tật tại cộng đồng theo nhóm; nâng cao trình độ chuyên môn về PHCN và khả năng hỗ trợ người khuyết tật của người thân trong gia đình có trẻ khuyết tật và cộng tác viên, cán bộ y tế cơ sở.
Dự án được triển khai thực hiện từ tháng 1.2009 đến tháng 12.2010 tại 10 xã, thị trấn của huyện Phù Cát, gồm: Cát Hanh, Cát Trinh, Cát Tân, Cát Nhơn, Cát Tường, Cát Thắng, Cát Hưng, Cát Tiến, Cát Chánh và thị trấn Ngô Mây; với tổng kinh phí là 174.000 USD. Sau khi tập huấn, 40 cộng tác viên đã tổ chức điều tra 2.563 hộ gia đình có người lớn và trẻ em khuyết tật. Dự án đã khám phân loại cho 819 người khuyết tật vận động nhằm hỗ trợ các dịch vụ y tế và xã hội tại cộng đồng cho họ. Qua khám, các bác sĩ đã chỉ định phẫu thuật chỉnh hình cho 137 người; làm dụng cụ chỉnh hình, cấp xe lăn, xe lắc cho 161 người; tổ chức PHCN tại cộng đồng cho 300 người.
Dự án xây dựng mới Trung tâm PHCN xã Cát Tân và mở rộng nâng cấp Trung tâm PHCN xã Cát Hưng. Hai trung tâm này được xây dựng trong khuôn viên của trạm y tế xã và được trang bị dụng cụ luyện tập hiện đại, tạo điều kiện thuận lợi cho người khuyết tật đến khám, chữa bệnh và tập luyện PHCN. Tại Trung tâm Cát Tân, thường xuyên có 12 người lớn và 7 trẻ khuyết tật đến luyện tập và được hỗ trợ tiền đi lại 30.000 đồng/ngày cho mỗi người. Trung tâm Cát Hưng tổ chức mô hình chăm sóc bán trú cho 15 trẻ khuyết tật. Ngoài việc được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn luyện tập PHCN, các em còn được hỗ trợ ăn uống và đi lại 60.000 đồng/em/ngày. Sau thời gian tập luyện, sức khỏe cải thiện, dự án chuyển sang hình thức hỗ trợ tiền đi lại cho phụ huynh tiếp tục đưa trẻ đến trung tâm tập luyện mỗi ngày một buổi. Trung tâm còn tác động đến 60 trẻ em khuyết tật của 5 xã: Cát Chánh, Cát Tiến, Cát Thắng, Cát Nhơn và Cát Hưng. Tại xã Cát Hanh, dự án đã hỗ trợ 28,5 triệu đồng để sửa chữa, nâng cấp một ngôi nhà giúp thực hiện mô hình bán trú PHCN dựa vào cộng đồng cho 5 trẻ khuyết tật trong xã, mỗi trẻ được hỗ trợ 60.000 đồng/ngày để chăm sóc sức khỏe và đi lại.
Ngoài ra, mỗi xã còn có 2 cộng tác viên thường xuyên hướng dẫn PHCN cho người khuyết tật tại nhà và hướng dẫn thân nhân của họ biết phương pháp luyện tập PHCN. Có 270 người lớn và trẻ em khuyết tật được tác động. Qua thời gian kiên trì luyện tập, sức khỏe của nhiều trẻ khuyết tật đã được cải thiện rõ rệt. Nhiều người từ chỗ chỉ biết nằm hoặc lệ thuộc vào xe lăn đã có thể tự vịn đi được vài bước hoặc sử dụng khung tập đi để di chuyển.
Dự án cũng hỗ trợ cho 120 hộ gia đình người khuyết tật nghèo, khó khăn mỗi hộ 2,3 triệu đồng để sửa chữa mái nhà, nhà vệ sinh, lối đi phù hợp với người khuyết tật và hỗ trợ 200 hộ, mỗi hộ 1,3 triệu đồng để học nghề, tìm việc làm hoặc mua bán nhỏ, chăn nuôi, trồng trọt cải thiện đời sống. Dự án còn hỗ trợ cho 10 nhóm tự lực người khuyết tật, mỗi nhóm 5 triệu đồng để các nhóm làm kinh tế như: nuôi cá điêu hồng, chim bồ câu; trồng nấm; làm đũa, tăm tre, chổi đót, lồng chim…
Các hoạt động của dự án đã giúp cho nhiều người khuyết tật, nhất là trẻ em, giảm bớt khó khăn, tự tin vươn lên trong học tập, lao động ổn định cuộc sống và hòa nhập cộng đồng.
|