|
Mùa nóng trẻ em càng dễ mắc bệnh đường hô hấp do sử dụng nhiều thiết bị làm mát. |
Tại BVĐK huyện An Nhơn, trung bình mỗi ngày có khoảng 450-500 bệnh nhân đến khám, chủ yếu là bệnh sốt siêu vi, sốt xuất huyết và các bệnh lý về đường tiêu hóa. Hiện, khoa Nhi và khoa Truyền nhiễm của BV đã chật kín bệnh nhân, buộc phải kê thêm giường bệnh; tăng cường nhân lực, đặc biệt vào hai ngày nghỉ cuối tuần; đồng thời, bổ sung thêm phòng khám, bàn hướng dẫn và kê đơn ngoại trú cho những bệnh nhân nhẹ.
Còn các khoa bệnh của BVĐK tỉnh cũng đang “sốt” bởi lượng bệnh nhân đến khám và nhập viện tăng cao. Tại khoa Khám bệnh, mỗi ngày có bình quân 120 bệnh nhân được đưa vào phòng cấp cứu lưu do sốt siêu vi, sốt xuất huyết, ngộ độc thực phẩm… Bác sĩ Nguyễn Ngọc Chất, Phó trưởng khoa Khám cho biết: “Một số ca ngộ độc thực phẩm bị nôn ói, tiêu chảy dẫn đến mất nước, truỵ mạch và tử vong nếu không được điều trị tích cực”.
Dù không bùng phát mạnh như ở một số tỉnh, thành phía Nam, nhưng số ca bệnh tay-chân-miệng ở trẻ 1-3 tuổi đã xuất hiện rải rác tại khoa Bệnh nhiệt đới của BVĐK tỉnh. Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Oanh, Phó trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, cho biết: “Bệnh lây chủ yếu qua đường tiêu hóa. Khi trẻ có các biểu hiện: nổi bỏng nước ở lòng bàn tay, bàn chân và sốt nhẹ, cha mẹ nên đưa đến cơ sở y tế để được điều trị và hướng dẫn cách ly kịp thời, tránh lây lan cho trẻ khác”.
Mùa nóng, trẻ em lại dễ mắc bệnh vì… nhiễm lạnh! Tại khoa Nhi, so với cùng kỳ năm ngoái, lượng bệnh nhi nhập viện tăng 50%. Ngâm nước nhiều, sử dụng nhiều thiết bị làm mát như máy lạnh, máy quạt, uống nước đá lạnh… là những nguyên nhân sinh bệnh. Thai phụ cũng dễ bị cảm, cúm, viêm họng nếu mắc cùng sai lầm này. Trong khi đó, nhiệt độ tăng cao là yếu tố thuận lợi có thể làm các bệnh của người cao tuổi (tim mạch, cao huyết áp…) chuyển từ mãn tính sang cấp tính; hay mất nhiều nước, mệt và choáng.
* Nguy cơ bùng phát dịch
Theo Thạc sĩ Bùi Ngọc Lân, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh, thời điểm nắng nóng như hiện nay là điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh phát triển.
Thống kê của Trung tâm, trong 4 tháng đầu năm nay, toàn tỉnh đã có 254 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó có 164 ca sốt xuất huyết Dengue, trọng điểm là TP Quy Nhơn và các huyện An Nhơn, Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Nhơn, Tuy Phước. Kết quả khảo sát của Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh và Đội Vệ sinh phòng dịch TP Quy Nhơn ở một số phường như Ngô Mây, Quang Trung, Hải Cảng, Đống Đa… cho thấy mật độ muỗi rất cao. Riêng trong tuần đầu của tháng 5 đã có 19 ca sốt xuất huyết, tăng 7-8 ca so với các tuần trước.
Song song với sốt xuất huyết, từ đầu tháng 4 đến nay, bệnh sốt phát ban do rubella và sởi cũng đã xuất hiện ở một số trường học của huyện Phù Mỹ (THPT Nguyễn Trung Trực - 30 ca, THPT Phù Mỹ 1 - 17 ca, THCS Mỹ Chánh - 29 ca, Tiểu học Mỹ Chánh - 12 ca) và Hoài Ân (THPT Võ Giữ - 9 ca, THCS Ân Hảo - 5 ca). Hiện nay, ngành Y tế vẫn đang tiếp tục theo dõi các điểm trường có số lượng học sinh mắc bệnh nhiều, bởi sốt phát ban lây qua đường hô hấp nên tốc độ phát triển rất nhanh.
Ngành Y tế đã triển khai nhiều biện pháp giám sát và xử lý kịp thời, nhưng khó khăn lớn nhất lại nằm ở ý thức tự giác phòng bệnh của người dân chưa cao; việc thực hiện cách ly đối với học sinh mắc sốt phát ban trong thời điểm mùa thi cũng không dễ. Các chuyên gia khuyến cáo, đối với sốt xuất huyết, cách phòng bệnh hữu hiệu nhất là phải diệt ổ bọ gậy. Với sốt phát ban thì nên tiêm vắc xin phòng bệnh và cách ly với người mắc bệnh. Đồng thời, để giữ sức khỏe trong mùa nắng nóng cần tăng cường sức đề kháng của cơ thể bằng cách đảm bảo chế độ làm việc, ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý…