Phần lớn số cán bộ chuyên trách (CBCT) dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) chưa đạt chuẩn để làm viên chức xã; trong khi CBCT đạt chuẩn lại chưa được tuyển vào trạm y tế xã…
|
Chăm sóc, khám bệnh cho trẻ tại Trạm xá xã Cát Thành (Phù Cát). Ảnh: Trang Xuân Chi
|
* Hỗ trợ 350 ngàn đồng/năm công tác
Trong thời gian cuối năm 2007 và năm 2008, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về giải thể Ủy ban Dân số, Gia đình & Trẻ em, đưa lĩnh vực DS-KHHGĐ về ngành y tế, Bộ Y tế đã xây dựng các văn bản hướng dẫn về tổ chức bộ máy của ngành DS-KHHGĐ.
Ngày 6.5.2010, Thủ tướng Chính phủ đã ký, ban hành Quyết định số 612/QĐ-TTg về việc bổ sung kinh phí giải quyết chế độ đối với cán bộ DS-KHHGĐ xã, phường, thị trấn phải nghỉ việc do sắp xếp lại tổ chức. Theo đó, mỗi CBCT DS-KHHGĐ phải nghỉ việc do sắp xếp lại tổ chức sẽ được hỗ trợ 350 ngàn đồng/năm công tác nếu hội đủ 2 điều kiện: Có đủ 36 tháng trở lên làm công tác DS-KHHGĐ cấp xã; không đủ tiêu chuẩn để tuyển dụng thành viên chức làm công tác DS-KHHGĐ cấp xã và không tiếp tục làm công tác DS-KHHGĐ, hoặc không được bố trí làm công tác khác tại xã.
Một trong những nguyên nhân căn bản đưa đến những thành công tốt đẹp của công tác DS-KHHGĐ trong thời gian vừa qua là đã xây dựng được hệ thống CBCT xã, phường và cộng tác viên dân số ở khắp các thôn, xóm. Nay, vì những lý do khác nhau, các CBCT này không đạt được tiêu chuẩn để trở thành viên chức. Quyết định 612 có ý nghĩa to lớn trong việc ghi nhận những cố gắng và sự đóng góp của họ trong suốt thời gian qua. Ông Nguyễn Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh, cho biết: “Bình Định có ít nhất là 42 CBCT được hỗ trợ theo Quyết định 612 do không đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu tuyển dụng làm viên chức của trạm y tế”.
* Nhân lực thiếu, chưa ổn định
Trong quá trình tổ chức thực hiện công tác DS-KHHGĐ ở cơ sở, đội ngũ CBCT là những người trực tiếp tham gia tuyên truyền vận động, thuyết phục người dân thực hiện chính sách DS-KHHGĐ; đồng thời, là hạt nhân tham mưu phối hợp với cấp xã xây dựng các phong trào, mô hình. Đây cũng là “mắt xích” quan trọng của bộ máy làm công tác DS-KHHGĐ.
Sau khi giải thể Ủy ban Dân số - Gia đình - Trẻ em, bộ phận làm công tác DS-KHHGĐ tuyến xã được bàn giao về trạm y tế xã. Theo Thông tư 05/2008/TT-BYT ngày 14.5.2008 của Bộ Y tế hướng dẫn, CBCT dân số được chuyển về trạm y tế xã và là một viên chức thuộc trạm với các tiêu chuẩn kèm theo.
Theo khảo sát được Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh thực hiện cuối năm 2009, Bình Định hiện mới chỉ có trên 23% CBCT DS-KHHGĐ đạt trình độ từ trung cấp trở lên; số còn lại không được đào tạo bài bản, chính quy. Hiện nay, 37 xã ở TP Quy Nhơn và các huyện Hoài Nhơn, Phù Cát, Vân Canh, Vĩnh Thạnh vẫn chưa đưa “chỗ ngồi” của CBCT về trạm y tế và 41 CBCT DS-KHHGĐ vẫn còn phải kiêm nhiệm công tác dân số, gia đình, trẻ em. Như vậy, đến thời điểm này vẫn còn tồn tại song song việc xã trả phụ cấp, trong khi ngành y tế thì quản lý con người. Theo ông Nguyễn Văn Quang, sự bất hợp lý này làm cho công tác quản lý nhân lực và hoạt động của công tác DS-KHHGĐ thiếu thống nhất, không tạo được động lực làm việc.
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất được Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh đề cập chính là Bình Định vẫn chưa tuyển dụng được CBCT DS-KHHGĐ làm viên chức xã do vướng chỉ tiêu biên chế sự nghiệp và mã ngạch viên chức DS-KHHGĐ để tuyển dụng.
* Cần sớm được quan tâm
Theo lãnh đạo ngành Y tế, thời gian tới công tác DS-KHHGĐ với những nhiệm vụ mới như nâng cao chất lượng dân số, thích ứng với sự chuyển đổi của cơ cấu dân số vàng, già hóa dân số... đòi hỏi những người làm công tác dân số phải có đủ trình độ năng lực và tâm huyết với công việc. Song, thực tế thời gian qua cho thấy, dư âm của việc giải thể Ủy ban Dân số - Gia đình - Trẻ em cũ cùng với việc CBCT cấp xã có nhiều năm cống hiến cho công tác dân số nay không đạt chuẩn để trở thành viên chức trạm y tế đã tác động rất lớn đến tư tưởng của các cán bộ dân số xã.
Trong khi chờ được phê duyệt đề án xin biên chế làm công tác DS-KHHGĐ tuyến xã, ông Quang cho hay: “Mong muốn của chúng tôi là Trung ương và tỉnh quan tâm, tạo điều kiện để sớm ổn định đội ngũ này. Để đảm bảo cho công tác DS-KHHGĐ ở cơ sở không bị gián đoạn, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh tuyển dụng cán bộ đủ chuẩn đan xen với CBCT không đạt chuẩn”.
|