|
Đồng bào Bana huyện Vĩnh Thạnh tặng áo thổ cẩm cho Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh. Ảnh: Long Vũ |
Những năm kháng chiến chống Pháp rồi chống Mỹ, Vĩnh Thạnh ở vào vùng chiến lược đặc biệt - vừa là vùng căn cứ vũ trang cách mạng, vừa là vùng giáp ranh cài răng lược giữa ta và địch. Năm 1959, cuộc khởi nghĩa Vĩnh Thạnh nổ ra và đây được xem là cuộc khởi nghĩa từng phần đầu tiên của phong trào đồng khởi ở Quân khu 5. Đến năm 1975, khi nước nhà độc lập thống nhất, Vĩnh Thạnh là một trong những địa phương đầu tiên được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang.
Dẫu không phải đã hết những khó khăn, song bằng những nỗ lực không ngừng, những người Bana Kriêm kiên cường trong quá khứ, giờ đây lại tiếp tục là những người đi đầu trong việc xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
|
Mô hình trồng mây nếp dưới tán rừng của hộ đồng bào Bana làng Hà Rơn (thị trấn Vĩnh Thạnh). |
2. Một lòng theo Đảng, người Bana ở Vĩnh Thạnh quyết không để cái đói, cái nghèo đeo đuổi mãi. Họ ra sức học tập, đưa những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất; chuyển đổi cơ cấu kinh tế. Đồng bào Bana đã xây dựng nhiều mô hình VAC, VACR, phát triển chăn nuôi gia súc như trâu, bò, dê; đồng thời, tận dụng thời gian nhàn rỗi đẩy mạnh chăn nuôi các giống gia cầm như gà, ngan, ngỗng, tạo thêm thu nhập. Nhờ vậy, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào ở đây từng bước được cải thiện: tỉ lệ hộ dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh chiếm 99%; tỉ lệ hộ nghèo giảm còn 39%; 99% hộ dân có điện sinh hoạt; bình quân lương thực đầu người đạt hơn 440 kg/năm; cơ sở vật chất phục vụ dạy và học ngày càng đầu tư nhiều hơn, góp phần nâng cao trình độ dân trí đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Ông Trần Công Sý - Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh - cho biết: “Trong thời gian qua, nhờ Đảng và Nhà nước đầu tư nên huyện Vĩnh Thạnh đã xây dựng được nhiều công trình cơ sở hạ tầng; các chính sách dân tộc, miền núi được triển khai kịp thời nên đời sống đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng nâng cao. Bên cạnh đó, các hoạt động văn hóa - xã hội trên địa bàn huyện có nhiều chuyển biến tích cực; an ninh quốc phòng được giữ vững”.
|
Cầu treo O5 (xã Vĩnh Kim) được xây dựng từ kinh phí của Chương trình 135. |
3. Một phần việc đáng kể nhất mà đồng bào Bana ở Vĩnh Thạnh làm được trong thời gian qua là hoàn thành công tác di dân trong khu vực lòng hồ Định Bình và tái định cư. Đã có hơn 700 hộ đồng bào Bana ở các xã Vĩnh Hòa và Vĩnh Kim chuyển đến các khu tái định cư sinh sống. Các làng tái định cư được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đầy đủ, đáp ứng nhu cầu cuộc sống của nhân dân. 100% hộ dân tái định cư được tập huấn kỹ thuật nông nghiệp. Nhiều hộ đã dần dần ổn định và làm giàu trên quê hương mới. Ông Đinh Đầm - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hòa- nhận xét: “Đến giờ này, đời sống nhân dân các vùng tái định cư đã dần dần ổn định. Nhờ các Chương trình 134, 135, Nghị quyết 30a của Chính phủ giúp nhân dân phát triển sản xuất, chăn nuôi, xây dựng cơ sở hạ tầng, bộ mặt nông thôn miền núi và cuộc sống bà con nơi đây đã có nhiều thay đổi. Chúng tôi phấn khởi lắm”.
Bên cạnh đó, Nhà nước đã hỗ trợ cho mỗi điểm làng từ 40 - 50 triệu đồng để làm nhà rông truyền thống của làng, nhằm giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Ngoài ra, các làng còn duy trì và phát huy các hình thức lễ hội như: liên hoan cồng chiêng, lễ ăn lúa mới…; vận động bà con tiếp tục xây dựng làng văn hóa…
Sống trên vùng đất anh hùng và kiên cường, người Bana Kriêm vẫn chất phác, hồn hậu và vẫn một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ.